Doanh nghiệp Nhà nước phải đi đầu trong hội nhập

Thứ hai, 19/10/2015 07:35

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-10, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị chuyên đề “Các Tập đoàn, Tổng Công ty, Ngân hàng Khối Doanh nghiệp Trung ương hội nhập quốc tế”.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Bùi Văn Cường; đại diện các Bộ, ban, ngành và lãnh đạo 33 Tập đoàn, Tổng Công ty, Ngân hàng thương mại Nhà nước thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương. Hội nghị nhằm mục đích nắm tình hình, các kết quả bước đầu trong hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong Khối, nhận định về những tác động, cơ hội, thách thức đối với các ngành, các doanh nghiệp Nhà nước trước bối cảnh cộng đồng ASEAN sẽ hình thành và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
cho biết sẽ chỉ đạo Đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng
trong Khối khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, triển khai chiến lược,
giải pháp để chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC TRONG TPP

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Bùi Văn Cường cho biết: 33 Tập đoàn, Tổng Công ty, Ngân hàng thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương là những doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc gia, như: điện, than, xăng dầu, khoáng sản, hàng không, đường sắt... hàng năm đóng góp 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, đảm bảo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động. Các Tập đoàn, Tổng Công ty trong Khối đã có 50 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng giá trị đăng ký là 104 nghìn tỷ đồng, đã triển khai thực hiện hơn 85 nghìn tỷ đồng. Hội nhập quốc tế với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do tạo ra những cơ hội, thời cơ mới cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Nhà nước trong khối phát triển, như: mở rộng thị trường, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, mở ra các khu vực mậu dịch tự do rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và các nước đối tác quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong nước; nâng cao trình độ nguồn nhân lực và nền khoa học công nghệ quốc gia. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ có văn bản chỉ đạo Đảng ủy các Tập đoàn, Tổng Công ty, Ngân hàng trong Khối khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, triển khai chiến lược, giải pháp để chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP đã sắp thành hiện thực, các doanh nghiệp phải tận dụng tốt thời cơ và không bỏ lỡ cơ hội lịch sử này, càng không để các thách thức trong hội nhập quốc tế nhấn chìm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế chia sẻ, TPP mở ra một thị trường 800 triệu dân, chiếm 40% tổng GDP thế giới, 30% tổng khối lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. TPP xóa bỏ gần như 100% thuế nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có doanh nghiệp Nhà nước cần có tầm nhìn mới, tư duy mới, chiến lược kinh doanh mới phù hợp với sân chơi này, phù hợp với những thay đổi về điều kiện kinh doanh, sức ép cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp đặc biệt là các Tập đoàn Quốc gia của các nước trong TPP.

Tại hội nghị, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã báo cáo về tình hình triển khai nâng cao mức độ sẵn sàng cho hội nhập quốc tế của doanh nghiệp; đánh giá về những tác động, cơ hội, thách thức đối với ngành, đơn vị mình khi nước ta gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị ký kết, đặc biệt là Hiệp định TPP; xác định những nhân tố then chốt đảm bảo thành công của đơn vị trong hội nhập quốc tế, đồng thời, đề xuất, kiến nghị những giải pháp với Đảng, Nhà nước để tích cực hội nhập quốc tế thành công.

Nhiều nhận định cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải đi đầu
trong hội nhập quốc tế. Trong ảnh: Trụ sở Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam,
doanh nghiệp Nhà nước có quy mô hàng đầu của Việt Nam.

CHỦ ĐỘNG TRONG HỘI NHẬP

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định: hội nhập quốc tế trước hết là về kinh tế là chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Đây là quá trình chủ động hội nhập từ thấp đến cao, từ khu vực đến toàn cầu với những bước đi chắc chắn. Từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài; trở thành thành viên của các nước ASEAN; ký kết Hiệp định buôn bán Châu Á – Thái Bình Dương (APTA); ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ; trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ: Quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế là quá trình tính toán lâu dài, thận trọng nhưng khi có thời cơ, Việt Nam rất quyết đoán để tận dụng cơ hội. Việc ký kết và tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam đã có thời gian chuẩn bị. Thực tế qua các Hiệp định đã và đang đàm phán, các bộ ngành, cơ quan chức năng luôn quán triệt rõ quan điểm việc đàm phán thương mại đầu tiên phải đạt được lợi ích cao nhất về kinh tế. Trong đàm phán, Việt Nam đã yêu cầu có sự bảo hộ đối với một số hàng hóa thiết yếu để các mặt hàng này có thời gian khắc phục vươn lên, đủ mạnh để tham gia. Tuy nhiên, việc bảo hộ các mặt hàng thiết yếu cũng có hai mặt; nếu tận dụng tốt, các mặt hàng yếu kém có thể vươn lên nhưng nếu bảo hộ kéo dài, không có giải pháp thích hợp, bảo hộ sẽ thành lực cản mặt hàng đó vươn lên. Thời gian bảo hộ chỉ nên là quá trình để các doanh nghiệp khắc phục những mặt yếu kém.

Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu, thực sự quan tâm đến việc hội nhập, việc chủ động, tích cực nắm bắt của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong thời gian qua đã có nhiều đơn vị doanh nghiệp, Hiệp hội tham gia tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả đàm phán. Dù hội nhập hay không, điều sống còn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải tái cơ cấu để hoạt động trở lên hiệu quả. Cần tiếp tục tổ chức hội nghị chuyên đề với các thành phần doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng dễ chịu tổn thương khi hội nhập để hiểu rõ hơn về các nguyên tắc cũng như thuận lợi, thách thức trong quá trình hội nhập. Các cơ quan quản lý Nhà nước, ngành Công Thương luôn đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

VAI TRÒ ĐI ĐẦU

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Hội nhập quốc tế là chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai đất nước, các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước cần đi đầu và chủ động xây dựng, triển khai chiến lược, các giải pháp của mình trong hội nhập quốc tế. Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục có những cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các bộ ngành, những người có trách nhiệm để cùng làm rõ những cơ hội, thách thức khi gia nhập TPP, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả nhất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ cùng đồng hành với các bộ ngành, cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp trong hành trình hội nhập quốc tế.

Đi vào các vấn đề cụ thể của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Bộ Công Thương và các bộ ngành, hiệp hội liên quan cần sớm giải quyết những kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp. Đơn cử, nỗi lo bị kiện chống bán phá giá của doanh nghiệp thép, muốn giải quyết cần có những chuyên gia tầm quốc tế am hiểu sâu về tranh chấp thương mại hỗ trợ. Cần thiết, phải đề xuất thuê một số chuyên gia giỏi của thế giới giúp, sau đó mới có đủ kinh nghiệm. Tương tự, từng ngành cụ thể, từng doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thông tin, đề ra kế hoạch tận dụng cơ hội TPP. Từng ngành hàng cũng cần thảo luận để tìm hướng phát triển của mình.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: để toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp hiểu sâu sắc về TPP, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo trọng tâm, trọng điểm với các nội dung rõ ràng về thuận lợi, thách thức của từng ngành hàng, giúp doanh nghiệp hiểu, có thể chuẩn bị tốt cho việc hội nhập. Từng doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo để nắm bắt cơ hội lớn này.

Thu Thủy – TTXVN