Doanh nghiệp nhỏ và vừa là động lực phát triển kinh tế

Thứ tư, 03/08/2016 10:32

(Cadn.com.vn) - Đó là thông tin được chia sẻ tại hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa – động lực phát triển kinh tế” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng tổ chức ngày 2-8.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: Hiện nay, Đà Nẵng có hơn 16.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm khoảng 96% tổng số DN trên địa bàn thành phố. DNNVV đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố như: gần 45% GDP thành phố, giải quyết 60% lao động toàn thành phố. Tuy nhiên, đa số DNNVV có quy mô nhỏ, thiếu các nguồn lực để phát triển, thiếu vốn khó tiếp cận các nguồn vốn chính thức, thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý... Do đó, qua hội thảo cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề ra các giải pháp để giúp DNNVV phát triển bền vững, trở thành động lực phát triển kinh tế thành phố.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm với lãnh đạo thành phố tại Hội thảo.

Theo ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng, hiện nay, hầu hết các DNNVV thành phố đều gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến thủy sản. Nguồn vốn rất hạn chế, trình độ công nghệ ở mức trung bình, thiếu lao động có tay nghề cao, chưa áp dụng hệ thống quản lý, công cụ quản lý trong quá trình sản xuất và kinh doanh, mới chỉ có 30% DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000. Ông Phước cho rằng kinh tế thành phố muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải nâng cao vai trò của các DNNVV và xem họ là động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Nhìn nhận những hạn chế về chất lượng tăng trưởng và định hình mô hình tăng trưởng thành phố, PGS –TS Nguyễn Vũ Phong (Học viện Chính trị Hồ Chí Minh Khu vực I) cho rằng, kinh tế Đà Nẵng trong nhiều năm tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố; đầu tư phát triển sản xuất còn chậm so với phát triển hạ tầng; chưa hình thành các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, ngang tầm với khu vực và quốc tế; chưa có nhiều dự án lớn có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; công nghiệp chủ lực và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển; ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp còn chậm.

Vì vậy, TS Nguyễn Vũ Phong gợi ý Đà Nẵng đẩy mạnh tái cơ cấu DN, nâng cao chất lượng DN dân doanh; ưu tiên phát triển DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố như phát triển DN du lịch, thương mại, logistics, tài chính – ngân hàng, giáo dục, đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, DN công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để DNNVV tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản xuất phân phối các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của thành phố và của cả nước, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động.

Xuân Đương