Doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn do chi phí logistics “leo thang”
Xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài từ Cảng Đà Nẵng. |
Ông Trần Phước Hồng, Giám đốc Cty CP Logistics Cảng Đà Nẵng, cho biết: Dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng trong thời gian qua đã khiến cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa của một số doanh nghiệp trên địa bàn TP bị gián đoạn hoặc chậm trễ do nhiều nước thực hiện việc phong tỏa. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng trên toàn cầu làm cho giá thuê container tăng cao cùng với giá cước vận tải đường biển, thuê kho, lưu bãi, v.v… khiến cho chi phí dịch vụ logistics đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là đi và đến các thị trường xa như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nam Mỹ… liên tục “leo thang” từ cuối năm 2020 đến nay đã làm cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Đà Nẵng thêm phần khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Cty TNHH Hương Quế thường xuyên xuất khẩu mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn đi thị trường Đức (Châu Âu), chia sẻ: Chi phí dịch vụ logistics tính cho 1 container hàng từ Đà Nẵng đi Đức đã tăng “sốc” tới 700%, từ 1.000USD lên 7.000 USD chỉ trong vòng hơn 6 tháng qua. “Do chi phí tăng quá cao nên trong mấy tháng qua đối tác của chúng tôi đã tạm dừng hoặc giãn một số đơn hàng”, ông Nguyễn Xuân Sơn thông tin. Cũng là doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, ông Huỳnh Trinh – Giám đốc Cty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng, chia sẻ thêm: Hiện nay, xuất khẩu hàng qua container đi Châu Âu gặp nhiều trở ngại. Do thiếu hụt container rỗng nên một số đơn hàng của Cty Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng phải giãn tiến độ. “Khách hàng cũng thông cảm, chia sẻ với chúng tôi nhưng chỉ trễ ở mức độ vừa phải, nếu kéo dài sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp”, ông Huỳnh Trinh lo ngại.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và khu vực Nam Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn tương tự như các doanh nghiệp xuất khẩu sang Châu Âu. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng Giám đốc Cty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) là đơn vị xuất khẩu sản phẩm săm lốp sang thị trường Hoa Kỳ, cho rằng: Dịch Covid-19 và sự cố kẹt tàu tại kênh đào Suez (Ai Cập) vào hồi cuối tháng 3-2021 đã làm gia tăng áp lực chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu nói riêng, chi phí dịch vụ logistics nói chung.
Trước đây, vận chuyển 1 container hàng của DRC đến bang Florida (Hoa Kỳ) chỉ mất chi phí khoảng 4.000USD. Tuy nhiên, con số này hiện tại đã tăng gấp đôi, lên đến 8.000USD. Do chi phí vận chuyển nói riêng, chi phí dịch vụ logistics nói chung tăng cao làm cho giá thành, giá bán sản phẩm tăng theo dẫn đến sức tiêu thụ sản phẩm DRC tại thị trường này chậm lại. Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu trên địa bàn TP cũng đang chịu áp lực của chi phí dịch vụ logistics, nhất là chi phí vận chuyển. Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì tại KCN Hòa Khánh cho biết, hiện doanh nghiệp này đang chịu mức giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào (nhập từ Hoa Kỳ) ở mức cao. “Thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nguyên nhân chính làm cho chi phí dịch vụ logistics cao là do khủng hoảng thiếu container vận chuyển hàng hóa. Nhưng nay nguồn cung container đã ổn nhưng các đơn vị kinh doanh dịch vụ logistics vẫn không có ý định giảm mức phí mà vẫn để “neo” ở mức cao”, vị này cho biết thêm.
Chi phí dịch vụ logistics “leo thang” tạo ra áp lực lớn với nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn TP và cả đối tác và khách hàng của họ, làm cho giá thành, giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng tăng lên, mất đi tính cạnh tranh dẫn đến sức tiêu thụ hàng hóa giảm… Để giảm đến mức tối đa việc phải tăng giá thành, giá bán sản phẩm, giúp ổn định đơn hàng xuất nhập khẩu cũng như khắc phục những khó khăn, thiệt hại do chi phí dịch vụ logistics tăng cao, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP tăng cường cắt giảm các chi phí không cần thiết, đầu tư đổi mới công nghệ và máy móc thiết bị sản xuất để tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp khác còn đàm phán với đối tác, khách hàng để cùng nhau chia sẻ một phần gánh nặng chi phí dịch vụ logistics. Tổng Giám đốc DRC Lê Hoàng Khánh Nhựt cho hay, trước trở ngại do chi phí vận chuyển tăng, DRC đang có các chính sách hỗ trợ cho phía đối tác để đảm bảo đơn hàng không bị đối tác cắt giảm. Đại diện một doanh nghiệp khác, ông Huỳnh Ngọc Trung - Giám đốc Cty CP Công nghệ Bích Hạnh, cho biết thêm: Chi phí dịch vụ logistics “leo thang” nên đối tác nước ngoài cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho doanh nghiệp cũng phải tăng giá bán theo. “Trước tình hình này, chúng tôi đã cùng với đối tác ngồi lại thương thảo, đàm phán sửa đổi hợp đồng đã ký kết, trong đó, mỗi bên đều chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để cân bằng, chia sẻ khó khăn cho cả hai bên”, ông Huỳnh Ngọc Trung cho hay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn TP đều kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục có các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là có các giải pháp, biện pháp can thiệp để kiềm chế tình hình “leo thang” chi phí dịch vụ logistics cũng như cắt giảm chi phí này để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
PHÚ NAM
Dịch vụ logistics đối với xuất nhập khẩu hàng hóa, bao gồm nhiều hoạt động, như: giao nhận, vận chuyển, đóng gói bao bì, kho bãi, lưu trữ, làm thủ tục hải quan và các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng… |