TƯ VẤN PHÁP LUẬT VÀ DOANH NGHIỆP:

Doanh nghiệp và vấn đề phòng tránh rủi ro pháp lý

Thứ hai, 14/07/2014 13:54

(Cadn.com.vn) - Nếu như nhiều năm trước đây, doanh nghiệp (DN) rất ít bận tâm đến câu chuyện pháp lý, thì những năm gần đây, trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, các quan hệ trong hoạt động của DN ngày một phức tạp hơn, nhiều DN rơi vào bờ vực phá sản chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật và sự chủ quan. Chính vì vậy, đại bộ phận DN đã có sự quan tâm về vấn đề này. Tuy nhiên, quan tâm như thế nào là đúng mực có lẽ vẫn là vấn đề đáng được bàn đến, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng chia sẻ về các rủi ro pháp lý ẩn chứa trong hoạt động DN và các ý kiến đề xuất để DN tham khảo phòng tránh.

1. Quan hệ nội bộ

Đại bộ phận DN Việt Nam được kết hợp từ những cá nhân có mối quan hệ thân quen. Chính vì vậy, những ngày đầu thành lập DN, các thành viên, cổ đông sáng lập thường rất "dễ dãi" trong mọi vấn đề. Trừ những DN có quy mô lớn, rất nhiều DN không có hệ thống văn bản nội bộ, quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thành viên, cổ đông, chức danh quản lý trong công ty. Vì vậy, những người trực tiếp quản lý điều hành DN không biết làm như thế nào là đúng pháp luật, không xâm hại đến quyền lợi của các thành viên, cổ đông khác; các thành viên, cổ đông không trực tiếp quản lý, điều hành công ty thì mơ hồ về mọi việc. Hậu quả là sự nghi kỵ, xung đột quyền lợi phát sinh; tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông với nhau và giữa thành viên, cổ đông với công ty xảy ra.   

Để tránh hậu quả có tính tất yếu đó, theo chúng tôi, các thành viên, cổ đông ngoài việc nghiêm túc xem xét thống nhất từng điều khoản tại điều lệ, còn cần phải thông qua các văn bản quy định chi tiết về việc quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp (DN); quy định cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng cá nhân liên quan.

2. Quan hệ với đối tác

Trong hoạt động kinh doanh của DN, quan hệ hợp đồng với đối tác là quan hệ có tính phức tạp, đa dạng. Sẽ vô cùng rủi ro nếu DN: ký kết hợp đồng với một đối tác "tay không bắt giặc", đang lâm vào tình trạng "giật gấu vá vai", không có chữ tín (không vì thương hiệu của đơn vị mình)...; không có sự quan tâm đúng mực đến các điều khoản của hợp đồng, có tâm lý sợ làm phật lòng đối tác khi chào hợp đồng chặt chẽ; không có sự tư vấn của chuyên gia pháp lý, luật sư trước khi đặt bút ký vào hợp đồng. Do vậy, trong quan hệ hợp đồng với đối tác, DN cần lưu ý: dùng một hợp đồng mẫu cùng loại như một hợp đồng mang tính chất định hướng; đặt tên hợp đồng cho đúng với bản chất của quan hệ hợp đồng; tên và thông tin liên quan đến các bên phải được thể hiện đầy đủ và chính xác; xem xét tư cách người đại diện ký kết hợp đồng của đối tác và văn bản liên quan đến người đó; sử dụng ngôn ngữ trong hợp đồng càng đơn giản, dễ hiểu càng tốt; định nghĩa, giải thích tất cả các thuật ngữ có khả năng gây nhầm lẫn trong quá trình thực hiện; xem xét kỹ việc sử dụng dấu câu và một số từ nối như "và" - "hoặc" hay "ngoại trừ" - "bao gồm"; dự liệu tất cả các tình huống có thể xảy trong quá trình thực hiện hợp đồng; yêu cầu luật sư tư vấn xem lại mọi hợp đồng trước khi đặt bút ký; luôn luôn ghi nhớ "mất lòng trước sẽ được lòng sau".

3. Quan hệ với người lao động: Lâu nay, chúng ta thường có suy nghĩ người lao động (NLĐ) là bên yếu thế trong quan hệ lao động với doanh nghiệp (DN) dẫn đến nhiều lãnh đạo DN hành xử không phù hợp với NLĐ, nếu không muốn nói là trái với quy định của pháp luật. Hậu quả là đa số các tranh chấp lao động (chấm dứt hợp đồng, sa thải, v.v…), DN thường thua kiện. Để hạn chế các rủi ro này, trước tiên, DN cần tôn trọng NLĐ, xem họ là một bên của quan hệ hợp đồng; đồng thời, phải nắm bắt đầy đủ và kịp thời các quy định của pháp luật về lao động; cần ban hành đầy đủ các văn bản và đăng ký (nếu có quy định) như: nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể... Đặc biệt, cần phải nghiên cứu kỹ về trình tự, thủ tục trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng hay sa thải NLĐ.

 4. Quan hệ với cơ quan Nhà nước: Hoạt động của một DN chịu sự quản lý của rất nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau... Do vậy, nếu DN thiếu quan tâm đến các quan hệ này có thể bị xử phạt hành chính không đáng. Thậm chí, đã có một số trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự. Để hạn chế rủi ro trong quan hệ này, DN cần phải chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan trên các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành... hoặc yêu cầu một đơn vị tư vấn rà soát toàn bộ các hoạt động của mình đã phù hợp với quy định của pháp luật hay chưa.

5. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Về mặt cơ bản, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) được hiểu là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, quyền tác giả... Theo quy định của pháp luật, hành vi xâm phạm QSHTT bao gồm: sản xuất, vận chuyển, kinh doanh... Thực tế, nhiều DN vi phạm QSHTT nhưng hoàn toàn không hay biết cho đến khi bị khiếu nại, xử lý. Vì thế, ngoài việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu (DN thường chỉ thực hiện được khâu này), DN cũng cần kiểm tra xem sản phẩm, dịch vụ mà mình đang SXKD có vi phạm QSHTT của các cá nhân và tổ chức khác hay không.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của

Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0511.3600109 – 0905102425