Doanh nghiệp vận tải lao đao

Thứ sáu, 25/02/2022 10:08

Giá xăng dầu liên tục tăng và lập kỷ lục sau nhiều năm khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải khốn đốn. Nhiều DN phải nghỉ vì dịch, nay vừa khởi động lại chưa kịp phục hồi đang đối mặt với áp lực tăng giá cước vận tải, lo mất khách hàng hoặc chịu thua lỗ.

Giá nhiên liệu tăng nhưng nhiều DN vận tải logistics không thể điều chỉnh tăng giá cước.

Sau đợt điều chỉnh tăng giá nhiên liệu gần nhất vào chiều 21-2, hiện giá xăng E5 RON 92 đang là 25.532 đồng/lít, xăng RON 95 là 26.287 đồng/lít, dầu diesel 20.801 đồng/lít. Đây là mức giá tăng kỷ lục sau nhiều năm. Ông Mai Minh Vương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Nhất Phong Vận (Đà Nẵng) cho biết, nhiên liệu chiếm từ 40-45% trên tổng chi phí của ngành vận tải đường bộ. Với mức tăng giá dầu diesel từ 16 ngàn đồng lên gần 21 ngàn/lít là rất cao. Tuy vậy, để làm việc với khách hàng tăng giá cước vận tải là rất khó.

Bởi lẽ khách hàng cũng đang gặp khó khăn do tác động của đại dịch. Điều này đặt DN vận tải phải bù đắp chi phí giá nhiên liệu, cố gắng hòa vốn chứ chưa nói tới lợi nhuận, mục đích chính là giữ chân khách hàng. Ông Minh cho biết, với 50 đầu xe vận tải hàng hóa tại khu vực miền Trung, kể từ khi giá dầu tăng thì chi phí mỗi chuyến vận chuyển đã tăng lên gần 30%. Chưa kể, khi giá dầu tăng thì kéo theo các dịch vụ khác cũng tăng. Đơn cử chi phí ăn uống của tài xế trên đường cũng phải tăng theo.

Tương tự, ông Trương Ngọc Hùng- Giám đốc Công ty tiếp vận và thương mại Sông Hồng hoạt động trong lĩnh vực logistics cho biết, đơn vị đang chới với vì giá nhiên liệu tăng kỷ lục, trong khi giá cước không thể tăng. Theo ông Hùng, với 5 xe đầu kéo chuyên chở hàng từ cảng Tiên Sa tới các khu công nghiệp ở Quảng Nam, Đà Nẵng, mức chi phí tối thiểu khi nhiên liệu tăng giá phải 3 ngàn đồng/tấn/1km (quãng đường dưới 30 km) thì mới đủ bù đắp. Tuy nhiên DN hiện vẫn đang phải vận chuyển cho đối tác mức phí chỉ hơn 1,5 ngàn đồng/tấn/1km. "Chúng tôi ký hợp đồng vận chuyển với khách từ khi giá dầu chỉ 14 ngàn đồng/lít nay lên gần 21 ngàn đồng/lít nhưng không thể tăng giá cước vì bản thân khách hàng là các DN sản xuất cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bản thân đơn vị đang phải bù lỗ để chờ qua giai đoạn khó khăn này. Giờ nếu tăng giá cước sẽ mất khách hàng. Đối tác sẽ thuê DN vận tải khác ngay, sự cạnh tranh rất khốc liệt"- ông Hùng chia sẻ.

Dịch bệnh khiến khách du lịch giảm 80%, nhiều tài xế taxi phải nghỉ việc, nay khởi động lại đã chịu áp lực lớn từ giá nhiên liệu tăng.

Sau khoảng 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, ngành du lịch tê liệt, các DN vận tải du lịch cũng khốn đốn. Nay tình hình ổn định, các DN vận tải du lịch vừa quay lại hoạt động còn chưa kịp tiếp cận thị trường, tìm kiếm khách, phục hồi hoạt động thì đã phải gánh ngay mức giá nhiên liệu tăng phi mã. Ông Trần Đăng Huy, Chủ tịch HĐQT CTCP đồng hành Goldman nói, để khởi động lại sau dịch, chúng tôi phải bỏ ra gần 200 triệu để đăng kiểm, mua bảo hiểm, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng… cho 6 xe du lịch cao cấp đưa khách từ các khách sạn trên cung đường di sản Huế-Đà Nẵng-Hội An.

Dù thị trường du lịch chưa ấm lên, lượng khách còn ít, song đơn vị vẫn nỗ lực khởi động lại. Vậy nhưng khi DN còn chưa kịp hồi tỉnh đã phải gánh ngay "cú sốc" tăng nhiên liệu. Chắc chắn, nhiều DN sẽ không dám khởi động lại. Theo ông Huy, giá xăng dầu tăng không chỉ khiến khách hàng khó tiếp cận dịch vụ vận tải chất lượng cao (chuyển sang loại vận tải rẻ tiền, kém chất lượng hơn) mà còn khiến DN vận tải gánh thêm chi phí, không có điều kiện tái đầu tư, mở rộng thị trường, vô hình chung kiềm hãm sự phát triển của DN.

Lĩnh vực vận tải hàng hóa, hành khách có vai trò quan trọng đóng góp cho sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vừa trở lại sau đại dịch trong tình trạng kiệt quệ lại gánh thêm chi phí tăng nhiên liệu khiến nhiều DN khốn đốn. Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, 2 năm đại dịch vừa qua, lượng khách du lịch giảm tới 80%, nhiều tài xế đã phải nghỉ việc. Nay trước áp lực tăng giá nhiên liệu, khó khăn với DN vận tải lại chồng chất, nhiều DN không thể bù lỗ, nguy cơ phá sản.

Ông Mai Minh Vương, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho biết, các DN vận tải mong muốn Nhà nước sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù lỗ trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, xem xét giảm phí đường bộ năm 2022 để hỗ trợ các DN vận tải sớm phục hồi, ổn định sau quãng thời gian 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

HẢI HẬU