Đoạt mạng người can ngăn

Thứ tư, 25/11/2020 17:02

Sau khi đưa máy cày đi tỉ thí để xem máy ai cày khỏe hơn, Trần Đình Lương lái máy cày về thì đâm vào xe máy của một người hàng xóm. Quá trình xảy ra xô xát và được mọi người can ngăn nhưng Lương đã ra tay đoạt mạng người đứng ra hòa giải.

Gia đình bị hại yêu cầu xử người đúng tội.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khoảng 19 giờ 30 ngày 8-5, Trần Đình Lương đi xe máy đến nhà anh Nguyễn Công Tình cùng xóm để uống nước. Tại đây, Lương ngồi uống nước cùng với anh Nguyễn Công Hoan trú cùng xóm. Trong cuộc nói chuyện, Lương có cược với anh Hoan là “máy cày của ai khỏe hơn”. Nói là làm, Lương đi xe máy về nhà mình và điều khiển máy cày của gia đình đến. Lương nói anh Hoan về lấy máy cày đến xem máy của ai khỏe hơn nhưng anh Hoan không đồng ý. Đến 21 giờ cùng ngày, anh Phan Trọng Minh cùng xóm đi đến nhà anh Tình chơi. Sau đó, Lương điều khiển máy cày để đi về nhà thì đâm vào xe anh Minh. Anh Minh chạy ra dùng tay đánh Lương.

Trần Đình Lương điều khiển xe máy cày về nhà cất và đi xe máy quay lại để xin lỗi anh Minh nhưng không được, dẫn đến mâu thuẫn. Anh Phan Trọng Minh liền điện thoại cho anh trai của mình là anh Phan Trọng Vinh (1968) và anh Lưu Xuân Giải cùng trú tại xóm Đồng Vằng, xã Hoa Thành lên để giải quyết vụ việc. Một lúc sau, anh Giải và anh Vinh đến nơi rồi cùng vào nhà anh Nguyễn Công Tình uống nước. Tại đây, anh Phan Trọng Vinh chỉ tay vào mặt Lương và nói lớn “chú mi mới đến mà láo rứa”, Lương thách thức “anh thích chi?”.

Thấy không khí căng thẳng, những người xung quanh liền vội can ngăn. Anh Tình đưa xe máy của Lương ra ngoài và bảo Lương đi về. Khi về đến nhà thấy có con dao trước cửa, Lương liền cầm lấy bỏ vào túi và quay lại nhà anh Tình. Đến nơi, Trần Đình Lương đi thẳng vào trong nhà và đâm liên tục nhiều nhát vào ngực anh Vinh. Nạn nhân cố gắng bỏ chạy từ trong nhà anh Tình ra đến đường bê-tông phía trước ngôi nhà thì gục xuống đường. Nạn nhân sau đó được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong. Sau khi đâm anh Vinh, Trần Đình Lương đã đến CAH Yên Thành đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Trong phiên tòa xét xử bị cáo Trần Đình Lương về tội “Giết người” diễn ra vào ngày 18-11, bị cáo đến tòa với sự ân hận thể hiện rõ trên khuôn mặt. Theo những người hàng xóm đến tòa tham dự, Trần Đình Lương có hoàn cảnh hết sức éo le. Khi sinh được mấy ngày tuổi thì bố mẹ Lương chia tay, hai mẹ con Lương sống nhờ vào ông bà ngoại. Cuộc sống khó khăn nên bản thân bị cáo mới chỉ học đến lớp 9 là phải nghỉ học giữa chừng để làm thêm phụ giúp mẹ. Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng Lương gom góp vay mượn thêm bạn bè ít tiền mua chiếc máy cày để làm “cần câu cơm” cho gia đình.

Bị cáo Trần Đình Lương

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Đình Lương thành khẩn khai báo hành vi của mình, Lương cho biết do bức xúc vì xin lỗi mà không được chấp nhận. Khi bị hại thách thức nên bị cáo đã không kiềm chế được bản thân nên gây ra hậu quả đau lòng trên. “Bị cáo xin HĐXX xem xét giảm án để bị cáo có điều kiện trở về chăm sóc 2 con nhỏ và người mẹ già” - bị cáo Lương lí nhí.

Gia đình bị hại yêu cầu tòa xử đúng luật và buộc bị cáo đền bù số tiền mai táng phí cũng như phí bồi thường tổn thất về mặt tinh thần. Trước đó, gia đình bị cáo Trần Đình Lương đã bồi thường 7 triệu đồng tiền mai táng phí.

HĐXX nhận thấy do việc sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn thông thường đang ngày càng gia tăng ở nhiều địa phương nên xem xét xử bị cáo mức án thích hợp để răn đe. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, có tính chất côn đồ, tước đi mạng sống của một người. Tuy nhiên, quá trình điều tra cũng như tại tòa, bị cáo đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, gia đình đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả, sau khi gây án, bị cáo đã ra đầu thú. Đây là tình tiết giảm nhẹ.

Qua xem xét toàn bộ vụ án, HĐXX quyết định tuyên phạt Trần Đình Lương tù chung thân về tội “Giết người”. Buộc bị cáo đền bù 30 triệu đồng tiền mai táng phí, bù đắp tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại số tiền 149 triệu đồng. Bên cạnh đó, bị cáo có trách nhiệm cấp dưỡng chăm sóc cho bố mẹ bị hại mỗi tháng 1 triệu đồng đến khi người được cấp dưỡng chết.

Bản án tù là cái giá mà Lương phải trả cho hành động bột phát, thiếu kiềm chế, thiếu suy nghĩ của mình. Giá như trước khi hành động, Lương có một chút kiềm chế, một chút suy nghĩ về hậu quả thì mọi việc đã không đi quá xa.

DƯƠNG HÓA