Độc đáo chùa cổ Thanh Tịnh

Thứ ba, 15/09/2015 08:47

(Cadn.com.vn) - Nằm trên đất kinh đô Chămpa xưa, làng Trà Kiệu (xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) từng là 1 trong 3 làng xã lớn nhất của Quảng Nam vào thời triều Nguyễn. Và ngôi chùa của làng-chùa Thanh Tịnh (còn gọi là chùa Trà Kiệu) còn tồn tại cho đến bây giờ, ghi một dấu ấn trong hành trình Nam tiến của cha ông.

Ngôi chùa hơn 300 năm tuổi

Cùng với chính sách di dân lập ấp của vua Lê Thánh Tông, từ năm 1470 - 1479, 13 vị thủy tổ các tộc Lê, Lưu, Nguyễn, Đinh từ vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh đến định cư tại kinh đô Simhapura xưa. Làng Trà Kiệu từ đó hình thành và nhanh chóng trở thành 1 trong 3 xã lớn nhất của Quảng Nam-"Quảng Nam tam đại xã" với câu nói lưu truyền trong dân gian: "Nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, thứ ba Tú Tràng". Năm 1680, các thiết chế văn hóa đình làng- mái chùa - nhà thờ được dân làng xây dựng. Đình làng Trà Kiệu, do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp (1946), bị phá hủy. Nhà thờ tiền hiền, qua bao thăng trầm, đến năm 1997 được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh, tháng 11- 2005 được Bộ VH-TT công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khuôn viên chùa Thanh Tịnh.

Còn ngôi chùa của làng chính là chùa Thanh Tịnh. Theo văn bia ghi ở chùa, từ khi khai tự đến năm 1956, các bô lão trong làng thay nhau giám tự. Năm Bính Thân 1956, Hội đồng Ngũ xã Trà Kiệu bàn giao ngôi chùa lại cho khuôn hội Phật giáo Trà Kiệu. Tuy vậy do chiến tranh loạn lạc, nên từ năm 1956 - 1975, chùa không có sư trụ trì. Năm 1976 có Đại đức Thích Hạnh Lương về trụ trì nhưng 1 năm sau sư viên tịch. Đến năm 1986 mới có ni sư Thích Nữ Hạnh Minh về trụ trì cho đến giờ.

Di tích chờ công nhận

Qua 330 năm tồn tại, với nhiều lần trùng tu, ngôi chùa vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu; được xây dựng theo phong cách nhà ở truyền thống của Việt Nam-3 gian 2 chái, theo lối "tiền Phật hậu Thần". Do đặc trưng cộng hưởng văn hóa Chăm - Việt, chánh điện chùa còn lưu giữ 4 cột đá, 6 trính đá của người Chăm, do những người xây dựng chùa lắp ghép vào. Chùa còn lưu giữ rất nhiều cổ vật, như tượng hình tháp Chăm, tượng thần voi Ganesa, vũ nữ Trà Kiệu, tượng hộ pháp... Sư Thích Nữ Hạnh Minh cho biết: "Mỗi lần đào móng xây thêm hạng mục chùa thì lại phát hiện thêm cổ vật. Mấy chục năm trước, số tượng cổ trong chùa đếm không xuể, nhưng bây giờ, đã bị đánh cắp rất nhiều". Cùng với mái đình, ngôi chùa trở thành công trình công cộng quan trọng thứ hai ở mỗi làng. Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước thì đủ điều kiện để công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Chùa làng Trà Kiệu có vị trí đặc biệt trong công cuộc khai khẩn đất Quảng Nam thời xưa, và ngôi chùa đáp ứng đầy đủ những tiêu chí này.

Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu.

Ông Nguyễn Trường Mười, Phó ban Hội đồng chư tộc ngũ xã Trà Kiệu, nói: "Những người trong hội đồng chư tộc chúng tôi luôn mong muốn ngôi chùa được nâng lên hàng di tích, cũng để phát huy thêm bản sắc văn hóa quê nhà, đồng thời để con cháu hiểu rõ về cội nguồn lịch sử cha ông". Theo ông Nguyễn Quỳnh, Chủ tịch Hội bảo trợ Tuồng Duy Xuyên, người lập hồ sơ để ngành văn hóa công nhận nhà thờ tiền hiền Trà Kiệu là di tích cấp quốc gia: việc chùa Thanh Tịnh chưa được công nhận di tích là do chưa có ai lập hồ sơ để đề trình lên các cấp ngành.  Ông Nguyễn Quỳnh cũng nói rằng, hiện rất nhiều người dân sống ở làng Trà Kiệu nhưng lại không biết chùa Thanh Tịnh là ngôi chùa của làng mình, điều này rất đáng quan ngại.

Cảnh quan chùa Thanh Tịnh rất hữu tình. Các du khách trong và ngoài nước mỗi lần vào thăm nhà thờ tiền hiền Ngũ xã đều ghé qua chùa để thắp hương, hành lễ. Như vậy, việc nâng kiến trúc này lên hàng di tích sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển tuyến hành lang du lịch Hội An - Mỹ Sơn. Quan trọng hơn cả, là giúp cho con cháu Ngũ xã hiểu biết sâu hơn về một dấu ấn trên hành trình mở cõi của cha ông.

Mai Thành Dũng