Độc đáo nghề đánh bắt mực lá truyền thống ở biển Rạng
Dù khó tính đến đâu, mỗi khi dừng chân về biển Rạng, Núi Thành (Quảng Nam), du khách ai nấy cũng đều khen hải sản nơi đây vừa tươi ngon lại vừa rẻ. Trong đó cháo hàu, mực nái cùng với mực lá đã góp phần tạo nên thương hiệu cho ẩm thực biển Rạng - Chu Lai.
Làng chài thôn Thanh Long nằm sát bên bờ biển Rạng, người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản, bám biển là chính. Ngoài những thanh niên trai tráng vươn khơi câu mực xà, lưới vây, còn lại đánh bắt ven bờ. Cuộc sống của họ đa phần nhờ vào những mẻ cá lưới hai, lưới ghẹ và những ngày bội thu nhờ “lộc trời” từ những láng ruốc hay những mẻ cá cơm, còn lại sắm thuyền ra lộng đánh bắt mực lá, mực nái.
Anh Bùi Ngọc Lan (49 tuổi), người làng Thanh Long, từ biển về sau một đêm đánh bắt cho hay, nghề đánh bắt mực lá bằng lồng bẫy có từ lâu đời. Nghề không đòi hỏi vốn lớn, đơn giản dễ làm. Đặc biệt, việc đánh bắt không ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái biển. Mỗi năm đánh bắt từ tháng 3 đến tháng 9, thu nhập khá. Về dụng cụ đánh bắt cũng rất đơn giản, dễ làm. Khung lồng làm tre, mỗi chiếc được bố trí 10 nan tre mỗi nan rộng 5 cm, lồng có dạng hình hộp chữ nhật chiều dài 1,2 m, chiều rộng và chiều cao của lồng 0,6 m. Xung quanh bao lưới cước trắng, đầu lồng có lỗ hõm để mực chui vào. Bên trên lồng được lợp bằng lá chà là phơi khô để che bóng, phía trong giữa lồng có treo chùm mồi làm bằng đông sương phơi khô hình thù giống như con mực tươi. Khi thấy bóng mồi, những con mực lá chui vào lồng. Lồng được thả xuống theo định vị của mỗi thuyền cách bờ biển từ 2 đến 4 hải lý có độ sâu từ 10 sải tay đến 20 mét. Phía trên lồng được đánh dấu bằng phao, phía dưới lồng được neo 1 bao cát nặng từ 10 đến 15 kg kèm theo dây neo từ dưới nước lên phao. Theo anh Lan, kết cấu của một chiếc lồng tuy đơn giản nhưng khi thả xuống biển phải tuân thủ theo từng công đoạn từ dựng lồng, buộc dây, buộc cát, gắn mồi và kéo lên. Anh giải thích, trước đây mồi nhử thường là chùm trứng mực lá còn tươi mới hấp dẫn để dụ mực lá vào đẻ trứng, nhưng hiện nay trứng mực khan hiếm nên bà con ngư dân đã thay thế trứng mực tươi bằng những con mực bằng đông sương.
Một số ngư dân thăm lồng và thu hoạch vào ban đêm, số còn lại đánh bắt vào ban ngày. Riêng anh Bùi Ngọc Lan cứ đến 5 giờ chiều là nổ máy giương buồm ra khơi bắt đầu thăm lồng, thu hoạch đến hơn nửa đêm nghỉ ngơi vài tiếng rồi lại thu tiếp đến 10 giờ hôm sau cập bến.
Mỗi thuyền thường thả từ 50 đến 70 lồng, còn với anh Lan có đến trên100 lồng. Mỗi chiếc lồng cách nhau từ 50m đến 70m, được thả những ngày trước đó. Hàng ngày ngư dân chỉ việc thăm và dùng tời kéo lồng lên thu hoạch, đồng thời bổ sung những lồng hư hại hoặc cuốn trôi. Lượng mực vào lồng bất thường, có hôm vớt đến trên 20 chiếc chưa có con mực nào, nhưng nhìn chung khá ổn định. Thường mỗi ngày thu được 2 đến 3 kg, có hôm 5, 7 kg, mỗi ký bán tại hàng quán biển Rạng giá 320 ngàn đồng/1kg. Mỗi tháng, một đầu ghe/1 lao động thu nhập từ 10 -15 triệu đồng. Chị Lê Thị Anh Vũ (47 tuổi, vợ anh Lan) cho hay: “ Nghề này ít vốn, dễ làm song tốn công. Để giúp chồng ngày nào cũng đủ số lượng lồng ra khơi đánh bắt, tôi phải phụ làm lồng mới, sửa chữa những lồng hư hỏng, vệ sinh lồng, chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho một ngày đánh bắt mới. Lồng hay hư hao mất mát do nhiều nguyên nhân, trong đó giã cào là “khắc tinh” của nghề đánh bắt mực lá nên phải thường xuyên bổ sung. Mỗi ngày, ở nhà tôi tự chẻ nan, lên khung, bao lưới, lợp lá khoảng từ 5 đến 7 chiếc lồng, để hôm sau mang đi bẫy mực”.
Những ngày này trên con đường dẫn ra biển Rạng, nếu để ý sẽ thấy những chiếc lồng bằng nan tre đang phơi mình chờ đợi ngư dân mang ra biển…Nghề bẫy lồng bắt mực lá có từ lâu đời đến nay vẫn còn hiệu quả và thiết thực đối với người dân vùng biển ngang tuy năng suất không cao nhưng bền vững không cần nhiều lao động, đặc biệt là tránh được sự hủy diệt nguồn tài nguyên sinh thái biển như giã cào, đánh lú của một số ngư dân lén lút hành nghề hiện nay.
Lê Văn Vinh