Độc đáo tranh nghệ thuật AR

Thứ ba, 19/09/2017 11:18

Triển lãm tranh nghệ thuật "Tăng tính thực tế" lần đầu tiên ở Châu Á đang diễn ra tại Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng yêu nghệ thuật. 31 bức tranh của 30 nghệ sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới diễn tả nhiều chủ đề sinh động đã đem đến những cảm quan thẩm mỹ  khác lạ cho người thưởng lãm.

Chris bên các tác phẩm tranh AR.

Đây là một triển lãm nghệ thuật về  Augmented Reality (AR), được hiểu là công nghệ cho phép con người quan sát những vật trong thế giới thật thông qua một thiết bị điện tử nào đó.  Khi đó, ngoài những gì mắt thường ta nhìn thấy, thiết bị điện tử còn cho ta biết những thông tin khác liên quan đến vật đang được quan sát. Nói cách khác, AR là nghệ thuật đưa hình ảnh tĩnh trở thành hình ảnh động, mang đến cái nhìn thú vị hơn cho cuộc sống bằng cách sử dụng công nghệ điện thoại thông minh.

"Tăng tính thực tế" là cuốn sách tiên phong của thể loại này, giới thiệu tác phẩm của 45 họa sĩ trên toàn thế giới. Mỗi tác phẩm khi nhìn qua ứng dụng EyeJack trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh sẽ trở lên "ngọ ngoậy", đầy màu sắc và âm thanh, như được thổi hồn trở thành một vật thể sống. Đến với triển lãm này, người thưởng lãm không chỉ nhìn các bức tranh bằng mắt thường mà được nhìn qua lăng kính của một thiết bị điện tử, bức tranh trở lên sinh động, như đang xem một bộ phim hoạt hình. Người nghệ sĩ có ý tưởng và biến triển lãm này thành sự thực để phục vụ tự do cho công chúng là Chris Mcbride. Chris là một họa sĩ và là nhà làm phim hoạt hình người Anh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Trước khi chuyển đến Đà Nẵng vào mùa hè năm 2014, Chris đã làm việc với hoạt hình và đồ họa tại Anh, Đức. Từ khi tới Đà Nẵng, Chris đã làm việc với nhiều nghệ sĩ địa phương, giúp tổ chức các sự kiện nghệ thuật và mong muốn mở một cửa hàng cà-phê tranh trên đường Hải Hồ để mọi người có thể đến giao lưu và sáng tạo nghệ thuật. Nói về triển lãm và nghệ thuật AR, Chris chia sẻ: Tôi tin rằng AR là một hình thức nghệ thuật rất thú vị, có thể được sử dụng theo nhiều cách, từ sử dụng trong sáng tác nghệ thuật đến quảng cáo hoặc các bức tranh tường hoành tráng mà tất cả mọi người có thể thưởng thức".  Ngoài ra, Chris cũng tin rằng AR sẽ trở lên phổ biến, là thời điểm lý tưởng để giới thiệu Việt Nam trong mắt bạn bè khắp các châu lục. Và, Chris hy vọng nhìn thấy Đà Nẵng được đặt trên bản đồ trong thế giới AR.

Tác phẩm Kim Quy Hoàn Kiếm và tác phẩm Hệ thiên hà.

Một số tác phẩm khá tiêu biểu được trưng bày tại triển lãm gồm Kim Quy Hoàn Kiếm và Chiến tranh thế giới lần thứ nhất của Chris, Rơm Cỏ của Sutu, Hệ thiên hà của Neon Mystic, Những anh bạn Nấm của Danielle Caners, Người nhạc sĩ của Dave Mutnjakovic... Trong đó, Kim Quy Hoàn Kiếm được tác giả Chris làm riêng cho triển lãm tại Đà Nẵng. Tác phẩm thuật lại câu chuyện huyền thoại về rùa thần và thanh kiếm thuận thiên mà vua Lê Lợi đã mang trả lại hồ sau chiến thắng quân Minh. Chris có thiên hướng về các sáng tác mang chủ đề lịch sử. Chẳng hạn trong tác phẩm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất được Chris sáng tác để kỷ niệm 100 năm cuộc chiến của thời hiện đại, đã tàn phá Châu Âu và kéo theo các cuộc chiến khác diễn ra trên toàn cầu. Đại chiến Thế giới thứ  nhất đã chấm dứt các cường quốc Âu châu hùng mạnh và quân sự hóa các quốc gia. Tác phẩm này cho thấy số lượng người mất và phần trăm dân số đã thiệt mạng trong Đại chiến Thế giới thứ nhất. Chúng ta sẽ luôn ghi nhớ những người đã hy sinh sinh mạng mình trong chiến tranh để biết yêu chuộng hòa bình.

Triển lãm khai mạc từ ngày 16-9 tại 52-Võ Nghĩa, Sơn Trà (Đà Nẵng) và sẽ kéo dài đến hết tháng 9. Ngay buổi khai mạc đã có hàng trăm người yêu nghệ thuật tới thưởng lãm. Bạn Hồ Thị Thu Thảo, giáo viên Tiểu học tại Q.Hải Châu chia sẻ: "Tôi được đọc nhiều về nghệ thuật AR, vì thế khi biết có triển lãm này tôi rất háo hức. Quả thực nghệ thuật AR đã thay đổi hẳn phương pháp tiếp cận nghệ thuật, thông qua nó, tác phẩm trở nên sinh động và hoàn hảo hơn". Nhiều khách thưởng lãm khác khi tới triển lãm đều tỏ ra thích thú. Và một trong những tác phẩm họ không thể bỏ qua là Hệ thiên hà của Neon Mystic. Tác phẩm này được Neon lấy ý tưởng từ lý trí, tâm hồn của con người và sự kết nối với thiên hà. Bên trong tâm trí mỗi người là cơ hội để khám phá và tưởng tượng đến thiên hà. Mọi thứ đều có thể với sức mạnh của  trí tưởng tượng và sáng tạo của nhân loại. Phần sọ trong tác phẩm thể hiện phần bên trong tâm trí, và thiên hà thể hiện khả năng tư duy vô hạn. Neon là một nghệ sĩ đồ họa từ Anh quốc, hiện đang ở Auckland, New Zealand.

HẢI HẬU