Độc lạ tranh làm từ... cành dừa
Anh Hà vốn là cựu sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế, hiện là chủ xưởng giấy Giấy quê tôi – Giấy dừa Đà Nẵng (26 Nguyễn Đăng Tuyển, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) có thâm niên làm tranh giấy dừa thuần tự nhiên hơn 8 năm nay.
Nghề tranh cũng lắm công phu
Tranh giấy dừa đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu, tuy nhiên loại tranh giấy dừa thuần tự nhiên chỉ duy nhất có tại xưởng làm giấy của anh Hà. Theo anh, để có được một bức tranh giấy dừa thuần tự nhiên đòi hỏi phải rất công phu, kiên nhẫn.
Trước hết, nguyên liệu phải là các phần lõi trắng bên trong cành dừa cạn, quá trình lên men hoàn toàn tự nhiên không sử dụng các hóa chất để tẩy trắng. Cần có không gian đủ để đặt khung, và để nghệ nhân có thể di chuyển thoải mái trong lúc chỉnh sửa các chi tiết của tranh. Đồng thời lượng nước phải được duy trì liên tục, để sử dụng phương pháp cắt nước, phun sương tạo thành nhiều lớp đạt chuẩn nguyên tắc mỹ thuật.
“Giấy dừa cạn là loại giấy duy nhất mà mình có thể lên men tự nhiên được để cho nó trắng ra, còn tất cả loại giấy khác đều phải sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Tranh giấy dừa cũng tương tự như điêu khắc phù điêu, phải đục mỏng dần để ra chi tiết, điêu khắc thì họ sử dụng dao ép còn mình sử dụng dao nước để khắc thành các lớp”, anh Hà chia sẻ.
Với anh Hà, một bức tranh giấy dừa chỉ được xem là hoàn thiện khi đã được đóng khung và lên đèn hoàn chỉnh.
“Tranh được làm bằng chất liệu từ những cành dừa cạn theo phương thức đổ giấy truyền thống của người H’mông và kỹ thuật in hoa bằng áp lực nước của Nhật Bản. Đầu tiên phải vẽ tay từng họa tiết, rồi ghép lại các bố cục trên máy. Tiếp theo cắt decal, đưa decal lên trên lưới, rồi vẽ lại một lần nữa bằng dao trổ. Sau khi hoàn thành trên khuôn mới bắt đầu tạo tác trên bột giấy, bắt đầu làm lớp. Quá trình đòi hỏi phải lật khuôn lên rồi úp xuống nhiều lần, có thể lên đến hàng nghìn, thậm chí vài nghìn lần. Liên tục trong vài ngày để chỉnh sửa các lớp khác nhau, mới cho ra được một bức tranh như bức bán phù điêu chứ không phải là những lớp giấy dán lên nó. Tranh phải có độ chuyển từ lớp này sang lớp khác, phải mềm mại, uyển chuyển với những chi tiết thật đặc sắc”, anh Hà cho biết.
Do công phu như vậy nên thời gian làm tranh, nhanh thì tầm 7 - 10 ngày mới có một tác phẩm, có những tác phẩm mất cả tháng. Khi tạo tác thành hình, bức tranh sẽ đem phơi nắng hoặc sấy. Việc sấy tranh sẽ là sấy tự nhiên, kết hợp vừa gió vừa nhiệt, gió quạt và hơi nước, phải tản đều để tranh không bị khô, cong hư.
Theo anh Hà, tranh giấy dừa của anh sẽ có hai phương thức biểu ý: xuyên suốt tự nhiên (giống như một bức bán phù điêu) và xuyên suốt đèn (có gắn đèn ở phía sau). Độ bền của tranh từ 100 - 300 năm.
Người truyền cảm hứng
Trước đây anh Hà từng làm tranh giấy dừa nước ở Hội An. Tuy nhiên khi thử nghiệm thành công với nguyên liệu cành dừa cạn, anh cho rằng thành công và may mắn lớn nhất đối với mình là dừa cạn không phải sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong quá trình tạo thành giấy, độ tự nhiên hoàn toàn 100%.
Từ đó, mỗi khi đến mùa cắt tỉa cành dừa hay chỉ là một cành dừa rụng, anh sẽ thu gom, tận dụng và tái chế hết các bộ phận của cành dừa khô, hạn chế rác thải ra môi trường, bởi anh Hà luôn quan niệm: “Mẹ thiên nhiên cho ta cái ăn, chỗ ở, việc làm, chúng ta phải có sự yêu thương, tôn trọng tự nhiên”.
Những hình vẽ trên tranh đều do anh Hà tự sáng tạo nên, mang đặc trưng văn hóa truyền thống, tâm linh của người Việt lẫn thế giới. Ngoài những bức tranh phong cảnh, tranh liên quan đến đề tài tâm linh, anh còn làm các họa tiết liên quan đến văn hóa vùng miền, văn hóa đặc thù như ở Đà Nẵng có voọc chà vá chân nâu, hoa đào chuông, tượng Phật…; Hội An thì có đầu hồi, mắt cửa và văn hóa Chăm. Anh còn thể hiện trên tranh hình ảnh các danh nhân như Hồ Chí Minh, hòa thượng Thích Quảng Đức, Albert Einstein…
Với nghề làm tranh giấy dừa, anh Hà không giữ lại các công thức độc quyền mà nhận và dạy miễn phí cho những ai muốn học với điều kiện tôn trọng tự nhiên, làm với cái tâm thành thật, không nhái giả, ăn cắp của người khác.
Dù trẻ hay già, ở xa hay ở gần, chỉ cần có niềm đam mê với nghề, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ, góp phần đưa nghề làm tranh giấy dừa ngày càng phát triển, không bị mai một. Anh còn tạo công ăn việc làm cho mọi người trong khu xóm nơi mình ở bằng việc thuê họ thu gom cành dừa khô và xử lý quá trình nguyên liệu thô để cho ra những phần bột giấy dừa, chuẩn bị cho việc làm tranh.
Năm 2019, dòng tranh giấy dừa của họa sĩ, nghệ nhân Lê Thanh Hà đã vinh dự được lựa chọn tham dự Triển lãm Mỹ thuật Phật giáo thế giới tại Đại Lễ Phật đản Vesak thế giới. Hiện tại, các bức tranh làm từ nguyên liệu cành dừa khô của anh Hà hầu hết đều có mặt tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP. Đà Nẵng như chùa Linh Ứng, chùa Bát Nhã, danh thắng Ngũ Hành Sơn...
Bách Viên