Nhà mình lại đón Tết như xưa
Tuổi thơ của chị em mình lớn lên êm ái với lời ru của mệ, bằng những bát cơm trắng mệ tảo tần mỗi sớm khuya. Những câu truyện cổ tích, truyện ma mệ kể, những hội Bài Chòi mệ đưa hai chị em đi chơi. Nhớ nhất là những đêm hè nóng rưng rức, bàn tay mệ đều đặn quạt mát cho hai chị em ngon giấc. Ngày xưa, Hương gầy gò, mệ hay bảo chị Hằng nhường đồ ăn, làm bớt việc cho em. Riêng việc rửa bát thì cứ phải đứa sáng đứa chiều. Hồi đó mệ như siêu nhân, lo toan sắp xếp trong ngoài. Nhà mình bao cơn sóng gió, mệ vẫn bình tĩnh chèo chống để cả nhà cùng vượt qua.
Nhớ nhất cảnh sum vầy những ngày giáp Tết. Lúc chị Hằng vắt vẻo trên cây ổi, chọn quả đẹp cho ba chưng bàn thờ, tiện chị gọi với xuống chỗ mệ đang ngồi rửa đám lá chuối, lá dong gói bánh chưng: "Hay là mệ cho hai chị em đem ổi ra chợ bán nốt một chuyến nữa mệ hí?". Tay mệ vẫn không ngừng rửa lá, ngước lên nói: " Thôi con, hôm ni ngày 29 rồi, còn ít trên cây chừng chờ ra Tết, cho hai chị em mang ra chợ bán may xưa lấy lộc!". Đang hí hửng được đi chợ thêm một vòng, để được ghé quầy bánh rán mệ Yên mua vài ba cái đỡ thèm, nghe mệ nói cái Hương tiu nghỉu. Nhìn Hương, ba nói hôm ni gắng cho xong mọi thứ, tối mai trước giờ giao thừa ba cho 3 mẹ con ra cơ quan ba chúc Tết. Gương mặt cái Hương đang buồn đổi thành vui: "Mai mình đi chúc Tết thiệt sớm ba hí!".
Khu A - nơi gia đình mình chung sống lúc này nhộn nhịp tươi vui hẳn. Nhà nào nhà nấy sạch bong, soạn sửa đón Tết. Nhớ những năm đó bọn mình ngóng tết lắm. Tết để được ăn bánh thuẩn, mứt dừa của mẹ làm, ăn bánh chưng, bánh tét với dưa hành ngâm lạc (người quê mình gọi đó là dưa món), được ăn thịt gà bóp rau răm. Đặc biệt hơn, Tết thì hai chị em được chụp ảnh cùng cả nhà. Đêm 30, cả nhà ngồi yên để nghe Chủ tịch nước chúc tết qua màn hình tivi. Tiếng pháo đùng đùng rồi râm ran. Cảm giác thanh bình, vô lo. Thời khắc đầu năm mới, cả nhà chúc nhau những điều tốt đẹp, hai chị em nhận lì xì từ mệ. Rồi Hương trùm chăn cười rưng rức! Chị biết Hương đang vui. Hương mà vui là chỉ cười khoái thôi chứ không bi bô nhiều như chị. Hương đang háo hức vì sáng mai được mẹ mặc cho bộ áo quần mẹ mới may. Bộ hoa valide màu đỏ có chạy bèo trước ngực mà chị chúa ghét kiểu bèo ấy, không hiểu sao cái Hương lại thích. Hôm mẹ mang áo mới về cho hai chị em, chị khóc mất một ngày vì không làm sao cắt được cái đoạn bèo diêm dúa ấy. Mẹ nói: Con Hằng chi lạ, con họ không có mà mang nơi tề, bèo bèo như ri đẹp mà con!
Rồi chị em mình lớn, lần lượt đi học xa nhà. Mỗi năm đôi ba lần về thăm nhà, mấy mệ cháu vẫn thủ thỉ đủ thứ chuyện trò, chuyện quê, chuyện phố. Mỗi lần đi, mệ lại dặn dò đủ thứ. Tết về, cả nhà lại sum vầy như chưa hề có cuộc dịch chuyển nào trong năm đã qua.
Người ta nói thời gian là người thầy tốt nhất trên hành trình đời người. Nhưng với chị, đó cũng là người thầy có phần khắc nghiệt nhất. Mệ và ba lần lượt đi xa. Vài năm trước, Hương cũng mang lời ca tiếng hát của mình thong dong về nơi ấy. Chị trải qua vài cái Tết chênh vênh. Những lúc đó, chị ngồi lại bên khung cửa sổ nơi tiệm thêu hai chị em mình từng gầy dựng với ước mong mang lại những tươi vui cho cuộc sống. Chị thấy nụ cười của Hương trong từng bông hoa chị thêu trên từng cái túi xách, chiếc mũ xinh xinh.
Ngắm những bông hoa trên vải, nghe tiếng chim chuyền cành trên cây nhãn bên ngoài khung cửa sổ báo hiệu Tết về, chị chợt mỉm cười, nếu có Hương thì mình sẽ hẹn nhau đi may đồ điệu đà như ngày còn nhỏ, nhất định chị sẽ thấy cái bèo diêm dúa xưa kia trên tấm áo mẹ may thật đẹp. À, mà không phải nếu. Tết nào chị cũng có Hương, có cả nhà mình đủ đầy, bằng một cách nào đó.
Chị sẽ sắm lại chai rượu Chanh Hà Nội, tự tay làm hộp mứt tết đủ loại trong ấy và thêm hai bức tranh giấy mỏng Tùng Cúc Trúc Mai, sẽ cùng mẹ gói bánh chưng. Nhất định chị sẽ mua về soạn sửa y như ba chưng tết. Rồi cả nhà mình lại đón Tết như xưa!
Tản văn: Thúy Hằng