Đọc lại bài thơ "tình tuyệt vọng"

Thứ ba, 14/02/2017 09:36

(Cadn.com.vn) - Nhắc đến một trong những bài thơ tình nổi tiếng nhất thế giới, vượt qua mọi thời đại, chắc hẳn khó ai có thể quên được bài thơ Tình tuyệt vọng của nhà thơ Félix Arvers (nguyên tác Un secret, điều bí mật hoặc còn gọi là Sonnet d'Arvers). Theo nhà phê bình nổi tiếng thời bấy giờ là Jules Janin, sự nghiệp văn chương của Arvers chỉ cô đọng vào một bài thơ ấy. Tính đến nay, dựa vào bài Sonnet của Arvers, nhiều tác giả trên thế giới đã họa lại hoặc phỏng theo sáng tác, có trên 120 bài. Ở nước ta, hầu như bài thơ ấy cũng đã được nhiều dịch giả nổi tiếng dịch ra tiếng Việt như : Khái Hưng, Nguyễn Vỹ, Bình Nguyên Lộc, Hồ Văn Hảo, Nguyễn Tri Hựu, Nguyễn Thị Giang... Tuy nhiên, trong đó, bài thơ dịch theo thể lục bát Tình tuyệt vọng của Khái Hưng (1896 - 1947) là giàu âm điệu và gợi cảm hơn nên được nhiều người yêu thơ trân trọng thuộc lòng.

Chân dung nhà thơ Félix Arvers và Marie Nodier.

Bài thơ Sonnet d'Arvers được in trong tập thơ Mes heures perdues (Những giờ khắc hoài phí) của Félix Arvers (1806 - 1850)  được  xuất bản năm 1836, thời điểm mà tên tuổi các nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn Pháp đã rực sáng,  từ Lamartine, Victor Hugo, Les Orientales, Les feuilles d'automne,  Alfred de Vigny cho đến Alfred de Musset... Nhân vật nữ được Félix yêu thầm trộm nhớ trong thi phẩm là người đẹp Marie Nodier, từng được thi sĩ gặp nhiều lần trong những buổi họp bình thơ văn do thân phụ nàng là nhà văn Hàn lâm Viện Học sĩ Pháp Charles Nodier (1780-1844) tổ chức tại thư viện Arsenal, địa điểm sinh hoạt văn nghệ quy tụ  nhiều văn nghệ sĩ lừng danh như Victor Hugo, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, Lamartine... Lúc này, Félix Arvers là một thi sĩ đã nổi tiếng ngay thời còn học sinh bậc trung học, được Giải thưởng Danh dự Latin, Giải Nhất Pháp văn trong những cuộc thi cạnh tranh hồi bấy giờ. Có lẽ tài năng của Félix Arvers đã được Charles Nodier chú ý nên gọi mời nhà thơ đang lên vào làm thư ký cho ông và gia sư cho ái nữ Marie. Bài Sonnet d'Arvers diễn tả mối tình tuyệt vọng của Félix Arvers với Marie Nodier khi nàng phải đi lấy chồng năm 1833.

Ngay khi bài thơ phổ biến rộng rãi, nhiều người đọc đã tò mò muốn biết ai là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng khiến thi sĩ ôm mãi mối tình tuyệt vọng mà viết nên những dòng thơ trác tuyệt này. Có ý kiến cho rằng đây chỉ là một hình ảnh ước lệ, người đẹp chẳng hề hiện hữu. Một ý kiến khác, dựa vào quan hệ thân tình giữa Félix Arvers và Victor Hugo, cho rằng người đẹp bí mật này chính là... phu nhân của Victor Hugo mà Arvers đã kín đáo nhắc đến tên Adèle bằng cách dùng các vần "fidèle" và "d'elle" trong khổ thơ cuối. Tuy nhiên, số đông nhiều người đồng tình, qua những diễn biến thực tế, khẳng định đó là Marie Nodier, ái nữ của nhà văn viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp Charles Nodier đã khiến Arvers thầm yêu trộm mà không hề ngỏ ý cho đến khi trở thành bà Marie Mennessier - Nodier mới âm thầm đau khổ thổ lộ qua vần thơ.

Độc giả Việt Nam  biết đến Arvers cũng chỉ qua bài Sonnet này, trước tiên thông qua bản dịch của Khái Hưng-một nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Bản dịch, với nhan đề Tình tuyệt vọng, thành công đến nỗi nhiều người cho rằng nó còn hay hơn cả nguyên tác có tên đơn giản là Un Secret, hoặc là Sonnetd'Arvers như người ta thường gọi. Điều đáng chú ý, Khái Hưng là người viết tiểu thuyết, hầu như không làm thơ, lại càng không phải là người dịch thơ nhưng bỗng dưng tại sao lại xuất hiện với bản dịch tài tình bài thơ của Arvers? Trên thực tế, bài thơ dịch này ban đầu không xuất hiện riêng lẻ mà được lồng trong  một truyện ngắn có tên Tình tuyệt vọng của Khái Hưng. Chuyện kể về nỗi niềm đau khổ vì mối tình thầm kín của thi sĩ Văn Châu. Đó là, vào lần đi làm phù rể cho bạn, chàng bỗng đem lòng thầm thương trộm nhớ vợ bạn. "Chàng không hiểu vì cớ gì, nhưng mới thoạt trông thấy cô dâu là chàng đã đem lòng yêu ngay, cái yêu vô nghĩa lý, nhưng nó mạnh mẽ vô chừng, tưởng như hai người vốn sẵn duyên kiếp từ đời nào, đã hẹn hò cùng nhau ở kiếp nào mà đến bây giờ mới gặp gỡ". 5 năm sau, nhân một buổi tiệc đêm Noel cùng với vợ chồng người bạn và vài người bạn khác nữa, thi sĩ mới có dịp thú nhận "tôi phạm một tội nặng lắm" mà bạn chàng hiểu ngay là tội khả ái, là ái tình tuyệt vọng! Người bạn thông cảm an ủi: "vậy thì anh cứ yêu, cứ yêu như anh đương yêu. Yêu như thế không có tội gì hết, mà người chồng dẫu có biết cũng chỉ thương anh chớ không ngờ vực anh đâu". Lúc này, thi sĩ Văn Châu mới cảm thấy trút được gánh nặng ray rứt, giằng xé lâu nay và  đọc cho các bạn của mình nghe bài đoản thi "Tình tuyệt vọng" mà anh dịch ra tiếng Việt từ tác phẩm của Arvers: "Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thâu/ Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu/ Mà người gieo thảm như hầu không hay/ Hỡi ôi! người đó ta đây/ Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?/Dẫu ta đi trọn đường trần/ Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi/ Người dù ngọc nói, hoa cười/ Nhìn ta như thể nhìn người không quen/ Đường đời lặng lẽ bước tiên/ Nào ngờ chân đạp lên trên khối tình/ Một niềm tiết liệt đoan trinh/ Xem thơ nào biết có mình ở trong/ Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng/ Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây?!".

Nhạc sĩ, Giáo sư  Hàn lâm Tiến sĩ Quốc gia Khoa học Chính trị (Đại học Paris) Lê Mộng Nguyên-tác giả ca khúc Trăng mờ bên suối cho biết: "Hồi bấy giờ, thanh thiếu niên Việt Nam, nhất là các học sinh trường cao đẳng, tiểu học hoặc trung học ở Huế, không ai là không học thuộc lòng bài thơ dịch này vì nó rất hợp với tình yêu lãng mạn của những người trai trẻ trong những năm 1940-1945 là những năm mà Đông Dương bị Nhật chiếm đóng nhưng chủ quyền vẫn thuộc nước Pháp của Thống chế Pétain (tương đối bình an, xa lánh mùi bom đạn của Thế chiến thứ 2) và Hoàng đế Bảo Đại vẫn còn  trị vì nước An Nam. Tôi không ý dám rằng chuyện tình giữa Marie Nodier và Félix Arvers (nằm trong nửa phần thế kỷ XIX) là phản ảnh tâm hồn của trai gái Việt Nam trong những năm 1940-1950, nhưng hoàn cảnh  thời bấy giờ là một lý do đưa đẩy một số thanh thiếu niên vào những mối tình vô vọng như đã nói trong Sonnet d'Arvers. Ngoài phẩm chất vĩnh cửu của một mối tình bi đát, âm thầm đã vượt qua không gian cùng thời gian để đến với chúng ta hôm nay, bài ''Tình Tuyệt Vọng'' nói lên một cách đau khổ và xót xa mối tình mà nhà thơ đã từng ôm ấp, chôn cất trong lòng.

Thật vậy, nhan đề "Tình tuyệt vọng", tên của truyện ngắn trở thành tên bài thơ do Khái Hưng tự đặt,  đã chuyển tải bài thơ Sonnet d'Arvers đến rộng rãi và làm say mê công chúng Việt Nam yêu thơ qua nhiều thế hệ. Có lẽ qua quá trình xây dựng nhân vật cho truyện ngắn, hơn ai hết, Khái Hưng đã hiểu, đã cảm, đã chia sẻ hết cả tình cảm, cả tâm trạng, cả nỗi niềm của tác giả Félix nên bản dịch "Tình tuyệt vọng" của Khái Hưng trở nên xứng đáng được nhiều yêu thích, bền vững với thời gian. Hơn 80 năm qua, kể từ lúc bài Un secret  do Khái Hưng dịch được công bố đến nay, nhiều người vẫn tiếp tục thể hiện các bản dịch khác nhau, nhưng hầu như không có tác phẩm nào khiến người yêu thơ quên được Tình tuyệt vọng của Khái Hưng.

Trần Trung Sáng

Nhà thơ Félix Arvers Felix Arvers (1806-1850) là thi sĩ và kịch tác gia người Pháp. Ông nổi tiếng với bài Un secret Khái Hưng dịch có tên Tình tuyệt vọng. Đây là bài thơ ông viết tặng Marie Nodier là con của nhà văn Charles Nodier. Bài này thuộc tập thơ Mes heures perdues ông viết năm 25 tuổi.