Đôi điều trông thấy...

Thứ bảy, 05/12/2015 09:37

(Cadn.com.vn) - Những điều tốt đẹp hẳn không thiếu trong xã hội, ấy thế, nó đôi khi vẫn bị che khuất bởi bóng tối của những điều xấu xa, tệ hại. Ví thử như ở thành phố Đà Nẵng, hằng ngày, đều đặn qua năm tháng, không biết bao nhiêu con người vẫn miệt mài chung tay góp sức xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, chắt chiu từng đồng bạc, từng chút sức lực để làm việc thiện..., ấy thế, cũng không quá khó để nhận ra rằng, vẫn còn đâu đó những hành xử khiến xã hội nhói đau, hoảng hốt, như Nguyễn Du mô tả: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Mới đây, trên Internet đang lan truyền clip có tên là “Nữ sinh Đà Nẵng dùng tuýp sắt đánh bạn vỡ đầu”. Hình ảnh một thiếu nữ, ngay giữa ban ngày, bị nhóm “bạn” cùng trang lứa vây quanh, đe dọa, sau đó tấn công dã man, khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ, và xót xa. Cách đây ít lâu, khi  đề cập chuyện nhân tình thế thái, ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, thốt lên chua chát: “Tôi bàng hoàng tự hỏi, chẳng lẽ đây là người Việt Nam ta?”. Dù đôi lúc vẫn đinh ninh điều gì đó tương tự nhưng tôi không thích lắm suy nghĩ đó của ông. Cho đến khi xem đoạn clip dài gần 3 phút kể trên, tôi ngờ rằng, có lẽ cũng không còn cách diễn đạt nào khác hơn.

Mới đây, vô tình tôi nghe câu chuyện của nhóm bạn trẻ tại quán nước mía ở góc ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Tri Phương. Đó là một nhóm bạn 2 nam, 2 nữ, không khác mấy so với hàng trăm bạn trẻ khác ở thành phố này, cho đến khi cô gái trẻ lên tiếng, mở đầu câu chuyện bằng cách chửi thề, liên tiếp những tiếng chửi thề, nó tuôn ra không hề vướng víu, ngập ngừng. Cô gái kể rằng, hôm đó, vào giờ kiểm tra, cô ta mở tài liệu, cắm cúi ghi chép. Bất ngờ, cô nghe tiếng thước gõ vào bàn, nhìn lên thì thấy cô giáo. Cô giáo bảo phải cất tài liệu đi, nhưng cô ta không nghe lời, cãi lại và văng tục (xem chừng hể hả lắm). Vậy là cô giáo phải đuổi ra khỏi lớp.

Chờ khi tan trường, cô gái và một nhóm bạn tìm gặp cô giáo, “dằn mặt cho một trận, bả sợ run luôn”! Thế là cô giáo thông báo với nhà trường. Thầy hiệu trưởng gọi cô ta lên phòng nhắc nhở, cảnh cáo. Tại ban giám hiệu, cô ta lại văng tục, tuyên bố “học thì học không học thì thôi”. Hôm sau, cô gái vẫn đến lớp học, chờ khi tan trường, lại cùng nhóm bạn của mình âm thầm bám theo, tìm đến tận nhà riêng thầy hiệu trưởng. Đến khi đêm xuống, cô gái và nhóm bạn thi nhau lấy gạch, đá ném vào nhà thầy hiệu trưởng, khiến cửa kính vỡ toang!... Cô gái vừa kể vừa vung tay múa chân và liên hồi chửi tục. Và thật lạ lùng, bỗng chốc, cả nhóm bạn hùa theo, không ngớt lời cổ vũ! Tôi thoáng rợn nghĩ đến hình ảnh những đứa trẻ vô tội, liệu trong cuộc sống này, có khi nào chúng gặp phải tai ương, kiếp nạn và bỗng dưng biến thành như thế hay không?

Một câu chuyện khác, cũng mới đây, tôi đến liên hệ công việc tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, đậu xe ở đường Phan Bội Châu. Do đặc thù công tác, tôi luôn chú ý quan sát và bảo đảm rằng, đã đậu xe theo đúng quy định. Thế nhưng, khi tôi quay trở ra, thấy ai đó đã đẩy chiếc xe chúi vào một góc đường. Khi tìm người đã làm việc đó, tôi chỉ hỏi, vì sao anh đẩy xe tôi? Anh ta sửng cồ ngay tức khắc, nói rằng, tôi đậu xe ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của anh ta (rửa xe)...

Tôi định phân bua rằng, tôi đậu xe ở trên đường, hoàn toàn không chặn lối vào cửa tiệm của anh, rằng đường phố là để phương tiện lưu thông, di chuyển, đậu, đỗ theo quy định, vỉa hè là dành cho người đi bộ, rằng “sổ đỏ” nhà anh không bao gồm cả lòng, lề đường, vỉa hè đâu. Chỉ có Nhà nước mới đủ thẩm quyền điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông chứ không phải các hộ dân mặt phố, không phải những người tự ý treo tấm bảng “cấm đậu xe” đâu. Từ lâu tôi vẫn tin, văn minh, trước hết phải là thượng tôn pháp luật, khi tất cả các hành vi đều căn chỉnh theo thước đo pháp luật thì tự nhiên con người với con người sẽ ứng xử với nhau đàng hoàng, tử tế. Thế nhưng, trước thái độ của anh ta, tôi biết, chỉ có sự im lặng bỏ đi là ứng xử hợp lý nhất lúc bấy giờ.

Tất nhiên, không phải ngày nào mỗi chúng ta cũng phải nghe, phải thấy những điều tệ hại, mà còn gặp được những người bình dị xung quanh, họ không chức phận, không tên tuổi, ngày ngày âm thầm làm lụng, mưu sinh, và trên hết thảy, họ tử tế lắm với đời, với người. Mong rằng, chính sự bình dị, âm thầm và tử tế ấy tỏa sáng, đủ sức cảm hóa, níu kéo con người ta, kể cả những con người đáng trách nhất, về với sự bình an. Chắc rằng, mong ước ấy không chỉ của riêng tôi...

Nguyễn Lê