Đôi điều về công nhân môi trường đô thị Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Mấy ngày gần đây, một số công nhân Cty TNHH Môi trường đô thị TP Đà Nẵng đến trước cổng cơ quan công quyền kiến nghị với lãnh đạo TP về những bức xúc xung quanh việc Cty này kéo dài thời gian tiến hành đại hội cổ đông, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Nhiều người nhìn thấy cảnh ấy không khỏi xót lòng. Với chúng tôi, câu chuyện về họ lại bắt đầu từ hình ảnh khác.
Đó là vào đêm giữa tháng 11-2006, đúng một ngày trước khi TP Đà Nẵng đón một vị khách quốc tế rất quan trọng. Đó là sự kiện chính trị quan trọng, được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Cái khó của TP Đà Nẵng là trước đó ít lâu, vào cuối tháng 9-2006, vừa trải qua “thảm họa” bão Xangsane. Hàng tháng trời đã trôi qua nhưng thành phố vẫn ngổn ngang tàn dư của bão. Trên khắp các con phố, cây gối xác xơ, gãy gập, những đống rác, xà bần liên tục xuất hiện bởi cùng lúc hàng vạn người dân phải tu sửa, dọn dẹp nhà cửa. Oái oăm, vào đúng thời điểm đó, lại có dự báo về một cơn bão khác vào Đà Nẵng.
Trong tình cảnh lúc đó, làm sao để có được một Đà Nẵng sạch sẽ, gọn gàng để đón khách, vừa thể hiện chuẩn mực, tôn trọng với khách, vừa thể hiện bản lĩnh, hình ảnh của Đà Nẵng? Chúng tôi đi khắp các ngả đường thành phố để tìm câu trả lời và đã gặp họ, những người công nhân môi trường đô thị. Trong gió mưa vần vũ đêm khuya, họ cặm cụi thu gom từng đụn rác, từng đám lá. Tôi nhớ, trên đường Ông Ích Khiêm, do phải ngừng tay trả lời phỏng vấn của chúng tôi, chị lao công vô tình để gió thổi bay một đụn rác vừa gom được. Chị bỏ ngang cuộc phỏng vấn, tất tưởi đuổi theo, vơ lại những tấm nilon, bao bì bẩn...
Chúng tôi đã thức thâu đêm để đi theo cùng những người công nhân môi trường đô thị ở các vị trí khác nhau, người quét rác, người đẩy xe, người chuyên chở... Cho đến sáng ra, khi màn đêm sắp nhường chỗ cho bình minh, tôi bắt gặp hình ảnh không thể nào quên: Những người công nhân môi trường đô thị, giờ đây, đã lấm lem, nhễ nhại, phờ phạc; còn phố phường đã sạch bong, gọn ghẽ, sẵn sàng đón chào ngày mới.
Tôi đã từng xúc động khi đọc những câu thơ trong bài “Tiếng chổi tre” của Tố Hữu, thế nhưng, hình ảnh chị lao công đuổi theo rác vào đêm ấy và những người công nhân lấm lem phờ phạc sau giờ làm việc, mới thực sự khiến tôi hiểu được và kính trọng những người công nhân môi trường đô thị, những người vốn trầm lặng giữa cuộc đời lắm sắc màu và ồn ã. Tôi nghe nhiều về nhiệm vụ phải làm nhưng chưa gì sống động hơn hình ảnh chị lao công trên đường Ông Ích Khiêm, và rất nhiều đồng nghiệp của chị khắp TP Đà Nẵng trong đêm mưa gió năm 2006 ấy.
Giờ đây, hằng ngày tôi vẫn gặp họ. Đó là những người cặm cụi thu gom, quét dọn bên đường, kéo bước chân trong đêm khuya dưới ánh đèn vàng vọt tôi trông thấy trên đường về nhà sau mỗi ca trực. Đó là những người hối hả gom nhanh rác để xe đi nhanh trước khi bị những hộ dân mặt phố than phiền, trách móc... Và đó là sau mỗi đêm thi trình diễn pháo hoa trên sông Hàn, khi những màn trình diễn rực rỡ sắc màu kết thúc, khi những tiếng trầm trồ ngợi khen đã vãn, khi người dân thành phố trở về dưới mái nhà ấm áp..., là lúc những người công nhân lao vào công việc, dọn sạch hàng tấn rác, với tất cả mọi yêu cầu, để hôm sau thành phố sạch, để mỗi người trong chúng ta tự hào nói với bạn bè, du khách rằng, Đà Nẵng là thành phố môi trường!
Ấy thế mà, những con người, ngày đêm chung tay góp sức làm cho mỗi chúng ta tự hào về thành phố của mình, giờ đây, phải đứng lên nêu những bức xúc họ gánh chịu suốt thời gian dài, thỉnh cầu các cấp thẩm quyền suy xét quyền lợi của họ. Có thể, với ai đó, điều thỉnh cầu của những người công nhân môi trường đô thị nhỏ nhoi quá so với những công chuyện lớn lao, so với những dự án tiền tỉ, nhưng có lẽ, với mỗi người công nhân môi trường đô thị, quyền lợi ấy thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của những nỗi vất vả không sao kể xiết.
TP Đà Nẵng đang kiến tạo, dựng xây những giá trị nhân văn cao cả: Văn hóa, văn minh đô thị; thành phố môi trường; thành phố đáng sống... Thiết nghĩ, một sự đối xử tử tế, công bằng, đúng pháp luật với những người đang âm thầm chung tay góp sức làm nên những giá trị nhân văn ấy, cũng là điều cần thiết, cũng là hành động nhân văn cần kíp lúc này.
Nguyễn Lê