Đôi điều viết vội về thầy Hà Văn Thịnh

Thứ sáu, 18/10/2019 09:59

Sau những ngày chống chọi với căn bệnh ung thư, đớn đau và mãnh liệt, cuối cùng, điều tiên liệu đáng sợ nhất cũng đến; lúc 4 giờ 30 ngày 17-10-2019, thầy giáo Hà Văn Thịnh đã trút hơi thở cuối cùng. Vậy là một người đã từ giã cõi đời. Một bộ não chết lạnh. Một trái tim ngừng đập. Nhưng trần gian còn vương vấn biết bao điều.

Thầy Hà Văn Thịnh với học trò cũ.

Tiết học của thầy

Nhiều năm về trước, lần đầu tiên, chúng tôi được gặp thầy trong môn học Lịch sử thế giới cổ đại ở Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế. Đó là một tiết học khác lạ với hầu như tất cả mọi trải nghiệm ít nhất 12 năm trước đó của đám học trò chúng tôi. Thầy đến lớp chỉ cầm mỗi tờ báo trên tay, dáng vẻ lãng tử, xuề xòa. Sau vài lời chào hỏi lấy lệ, thầy đi vào nội dung bài học, bắt đầu bằng những câu hỏi. Tôi không nhớ nội dung bài học lẫn những câu hỏi trong buổi học đầu tiên đó. Nhưng tôi nhớ rõ, một cuộc tranh luận  đã bắt đầu từ lúc nào không hay. Những bộ óc non nớt của chúng tôi, bỗng nhiên đầy ắp "chất vấn" một cách lạ lùng. Những điều tưởng như hiển nhiên, giờ đây hóa thành vô vàn câu hỏi "vì sao?".

Có lần, thầy Hà Văn Thịnh bảo chúng tôi thảo luận bộ luật Hammurabi- bộ luật cổ xưa của người Babylon, cũng là bộ luật cổ xưa nhất của loài người khoảng 1760 trước công nguyên. Chúng tôi mày mỏ đủ kiểu, vẫn không sao thoát ra những lập luận thoạt nghe thì rất "mượt" nhưng thực ra nhạt nhẽo đến chán ngấy, kiểu như "xã hội thời Babylon đã có trình độ tổ chức cao...". Thảo luận chán chê, ai cũng mường tượng ra điều không ổn. Xã hội Babylon có trình độ tổ chức cao thì có khác nào xã hội Trung Hoa cổ đại, xã hội Mỹ cận đại, xã hội Việt Nam hiện tại... Tất cả đều có trình độ tổ chức cao... như thường! Khác gì nhau đâu?

Phân tích sự vật, hiện tượng nói chung, phân tích lịch sử nói riêng, mà chỉ rút ra những điều chung chung, đại khái, vận dụng vào đâu cũng thấy đúng, thì chẳng đem lại giá trị gì cả. Một con người cụ thể rơi vào trạng thái đó đã là không may; một đám học trò, một thế hệ mà rơi vào trạng thái đó, là bi kịch đáng sợ.

Cuối cùng, chỉ một gợi ý của thầy, như khai sáng đám chúng tôi. Thầy phân tích: Luật Hammurabi phạt tội trộm cắp của cải trong đền thờ rất nặng. Điều đó có nghĩa là: Thứ nhất, nhà thờ có rất nhiều của cải; thứ hai, trộm cắp xảy ra thường xuyên! Từ điều thứ nhất suy ra, giới tăng lữ rất giàu có. Từ điều thứ hai suy ra, dân chúng rất khổ sở (bần cùng sinh đạo tặc)... Và cứ thế, chỉ dựa vào một điều trong bộ luật Hammurabi, thầy đã phác thảo ra bức tranh toàn cảnh của xã hội Babylon, vô cùng thuyết phục.

Nhưng điều quan trọng nhất với chúng tôi, không phải là bức tranh sinh động của xã hội Babylon, mà chính là phương pháp. Đó cũng chính là phương châm nhất quán, hay triết lý của thầy giáo Hà Văn Thịnh: Đại học là học phương pháp, chứ không phải học thuộc lòng. Tôi đồ rằng, chính bởi triết lý đó, thầy trở nên khác biệt, và để lại ấn tượng sâu sắc với các nhiều thế hệ học trò, nếu không nói là, ảnh hưởng đến cả hành trình của họ sau khi đã rời ghế nhà trường.

"Đến tận bây giờ lửa vẫn cháy không nguôi"

Vào những ngày cuối cùng của cuộc đời, một gợi ý tựa như cơ duyên đến với thầy Hà Văn Thịnh, nhờ đó, tiểu thuyết "Tro và lửa lạnh" được tái bản, với hàng nghìn độc giả đặt mua. Trong lúc phải vật lộn ghê gớm với những cơn đau và cơ thể suy kiệt, đó là một trong những niềm an ủi. Độc giả sẽ càng hiểu thấu hơn câu chuyện, khi biết rằng, chính vào lúc cái chết cận kề, những trang sách đó, đã được chính tác giả biên tập, chỉnh sửa, mỗi câu, mỗi chữ trong đó dễ chừng cũng ẩn bao điều đớn đau, khó nhọc và nỗi niềm khắc khoải.

Ngoài tiểu thuyết ấy, Hà Văn Thịnh (đôi khi ký tên là Tô Vĩnh Hà) là tác giả của hàng trăm bài viết; một phần rất lớn là những bài bình luận, đăng trên các báo Lao Động, Đà Nẵng, Công an TP Đà Nẵng, Văn hóa Nghệ An... Trong số đó, tôi cho rằng, có hai bài viết thể hiện rất rõ nét tư duy lẫn văn phong Hà Văn Thịnh - bài viết về chữ Tâm và bài phân tích về cuộc nội chiến Mỹ. Cả hai bài viết này, giờ được chia sẻ rất nhiều trên Internet, có khi người ta ghi tên tác giả, có khi lại không ghi. Điều đó hẳn cũng không quan trọng nữa, dù sao, một âm hưởng bằng cách nào đó cũng đã lan truyền, có thể đem lại điều hữu ích.

Những lời trong bài viết "Chữ Tâm" tựa như nhát dao cứa vào lương tri người đọc, trước nỗi bất công, uẩn ức cuộc đời. Tác giả viết:

"Một sinh viên nghèo, trước khi bước vào phòng thi mới có tiền để nộp học phí. Hai giám thị coi thi là LNXD và LTH cho sinh viên đó thi nhưng không thu bài. Lý do: trong danh sách thi, tên em, phòng giáo vụ đã gạch xóa rồi! Tôi không thể nào hiểu nổi cái lẽ mênh mông của kiếp người...

Hồi xưa, khi chưa hiểu chữ Hán; tôi cứ luận ra rằng cái vành trăng khuyết mà Nguyễn Du nói là một cái âu thật to nhưng không thể đủ để đựng ba ngôi sao bé nhỏ, tuyệt vời. Chỉ có một hạt nước mắt (chính tâm) rơi thẳng vào cái âu đó. Còn hai giọt nước mắt kia (tà tâm và muội tâm) thì văng ra ngoài bởi vì chúng là những hạt nước mắt vương vãi khắp trời. Nước mắt là câu chuyện của muôn đời. Ta có thể khóc ngay khi ta đang mỉm cười. Sau khi biết mươi chữ Hán ngữ rồi, tôi hiểu thêm rằng, cái âu đó là lò lửa đỏ. Đến tận bây giờ lửa vẫn cháy không nguôi".

Chút kỷ niệm riêng

Sau rất nhiều năm ra trường, tôi và thầy vẫn thường gặp gỡ. Khi mới biết mắc bệnh hiểm nghèo, thầy rủ tôi: "Gặp một bữa hè". Tôi hỏi nguyên cớ, thầy bảo: "Gặp một bữa để từ giã cõi đời". Tôi nghe, quặn ở trong lòng. Nhưng rồi, nén lại, cố đùa: "Ung thư thôi mà thầy. Chắc cũng không sao đâu. Nhưng có việc này. Em đang dẫn mấy người đi làm công chuyện. Tụi nó đói lắm rồi. Thầy giúp em hái rau pha mì tôm cho tụi nó ăn. Chứ nó chết thật đấy"! Nghe vậy, thầy cũng cười xòa, rồi lẳng lặng ra vườn, hái rau vào cho chúng tôi pha mì tôm. Đến khi dọn mì ra, thầy còn lấy thêm hành muối mời.

Chẳng có lấy một chút nề hà. Gần gũi đến vô cùng.

Cư xử đời thường là vậy, nhưng trong những cuộc trao đổi, tranh luận, người ta dễ nhận ra, Hà Văn Thịnh không phải là một người dễ dàng thỏa hiệp, ngược lại, là một tư duy sắc bén gai góc đến lạ thường. Tư duy đó đã giúp ích rất nhiều, khai sáng những đứa học trò tăm tối chúng tôi, nhưng đôi khi, thầy cũng nhận về không ít điều trắc trở, hay những thử thách tận cùng trong tâm tưởng. Chúng tôi, hầu như ai cũng biết, suốt 5 năm trời, từ một giảng viên, thầy "được" giao trông coi kho sách. Có lần thầy tâm sự, đó là nỗi khổ tâm tột độ. Nhưng cũng chính trong khoảng thời gian ai oán đó, tiểu thuyết "Tro và lửa lạnh" ra đời. Cuộc đời, đôi khi, có những lý lẽ thật khác thường, như thầy Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Huế, cũng là học trò của thầy Hà Văn Thịnh có lần buột miệng:

"Cỏ lên xanh thì ngựa đã già".

NGUYỄN LÊ

TIN BUỒN

Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin:

Chồng, Cha, Ông chúng tôi:  HÀ VĂN THỊNH

Sinh năm: Ất Mùi (1955), quê quán Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; Tạ thế vào lúc 4 giờ 30 ngày 19-9 Âm lịch (tức ngày 17-10 Dương lịch); Hưởng thọ 65 tuổi;

TANG LỄ TẠI HUẾ: Giờ Nhập liệm: Vào lúc 17 giờ ngày 19-9 Âm lịch (tức ngày 17-10 Dương lịch).

Giờ Di quan từ Huế vào Đà Nẵng: Vào lúc 7 giờ - 9 giờ sáng ngày 22-9 Âm lịch (tức ngày 20-10 Dương lịch)

 TANG LỄ TẠI ĐÀ NẴNG:  Đón khách viếng và tổ chức hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên (Hòa Sơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bắt đầu vào lúc 15 giờ ngày 22-9 Âm lịch (nhằm ngày 20-10-2019 Dương lịch)

Gia quyến cùng con cháu đồng kính báo!

CHIA BUỒN

Được tin ông HÀ VĂN THỊNH

Sinh năm: Ất Mùi (1955) - Quê quán Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; Nguyên là Cộng tác viên Báo Công an TP Đà Nẵng; nhạc phụ của anh Nguyễn Hoàng Lịch, nguyên Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng; Tạ thế vào lúc 4 giờ 30 ngày 19-9 Âm lịch (tức ngày 17-10 Dương lịch); Hưởng thọ 65 tuổi

Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Báo Công an TP Đà Nẵng thành kính chia buồn cùng gia quyến và anh Nguyễn Hoàng Lịch.

CẤP ỦY,  BAN BIÊN TẬP BÁO CÔNG AN TP ĐÀ NẴNG