Đồi hồng trên đỉnh Trường Sơn
Từ tình yêu thiên nhiên, anh Trần Xuân Minh (1978, hiện là chủ vườn hồng ở H. Tây Giang, Quảng Nam) đã biến vùng đất khô cằn, trơ trọi trở thành Nông trại hoa hồng say đắm các du khách.
Hoa hồng phải được thu hoạch đúng thời gian thì chất lượng hoa mới đảm bảo. |
Cách thành phố Đà Nẵng 120 km về phía Tây, cung đường lên Tây Giang đẹp nhưng rất cam go, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe ô-tô, tôi mới lên đến đồi hoa hồng mộng mơ. Chạm chân lên từng thớ đất đã giúp cho hơn 4.000 cây hồng nở hoa, tôi ngạc nhiên khi vùng đất cằn cỗi, chai sạn này không những giúp hoa trổ bông đầy màu sắc mà còn tỏa hương thơm ngát như vậy.
Vốn xuất thân là cán bộ kiểm lâm, trước đây anh Minh từng xây dựng mô hình rau sạch nhưng bị thất bại và buộc nhổ bỏ vì không tìm được nguồn ra. Trong lần tình cờ ngồi nhìn cây hoa hồng cổ Huế được anh trồng tại hạt kiểm lâm, bất giác anh nhận thấy trong điều kiện thời tiết nắng và khô, lại ít tưới nước mà cây hoa hồng ấy vẫn phát triển và hoa nở có mùi hương rất đặc biệt. Không chần chừ, anh khởi phát ý tưởng nhân rộng cây hoa hồng này trên đỉnh Trường Sơn và ngay lập tức được anh em bạn bè đồng thuận, hùn vốn cùng mong muốn tạo ra mô hình độc lạ, phát triển được kinh tế và giúp cho đồng bào Cơ Tu tạo được công ăn việc làm trên vùng đất Tây Giang. “Tuy thất bại khi trồng rau nhưng niềm đam mê với thiên nhiên, cây trồng vẫn không thể nguôi ngoai nên tôi đánh liều với việc trồng hoa hồng. Giai đoạn nào cũng sẽ có khó khăn nhất định nhưng cứ làm bằng chính sự tận tâm, luôn học hỏi thì sẽ có kết quả”, anh Minh chia sẻ.
Anh Minh bắt tay vào việc thuê nguồn đất từ huyện với diện tích rộng hơn 13.000m2. Không vội đầu tư hết, anh dành hơn 1.000m2 tìm các loại giống hồng ở khắp nơi về trồng thử nghiệm. Điểm tiên quyết mà anh Minh thực hiện đó chính là giữ nguyên hiện trạng đồi, chỉ vùng đất nào khô cằn mới được anh cải tạo, phân bón đầy đủ chất dinh dưỡng. Tất tần tật khu vườn của anh đều được bón phân hữu cơ, không sử dụng bất kỳ chất hóa học nào. Đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm qua công việc kiểm lâm, anh dẫn tôi đến ao cá do anh tự làm với nhiệm vụ bắt côn trùng giảm hư hại đến hoa. Không những thế, hằng ngày anh Minh nấu dư phần cơm để dành cho đàn chim sẻ, dần dần vườn hồng như ngôi nhà thứ hai của chúng và nhờ đó mà không có con sâu bọ nào tồn tại. Hoa hồng là loại cây kén đất, kén người trồng nên việc chăm sóc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Mỗi công đoạn đều được nghiên cứu và sáng tạo thêm phải có niềm đam mê thì công việc nào rồi cũng sẽ “đơm hoa kết trái”. Và anh Minh đã hiện thực hóa được ước nguyện.
Vườn hồng của anh Minh đã phát triển được hơn 1 năm nay với nhiều loại giống hồng khác nhau đều cho ra hoa rực rỡ sắc màu. Sau thời gian hơn 3 tháng chăm sóc, cây bắt đầu cho ra năng suất, mỗi ngày anh Minh thu hoạch được 20 kg hoa tươi. Không chỉ tạo một nông trại hoa hồng mang đặc sắc núi rừng Tây Giang mà nguyện vọng lớn nhất của anh chính là tạo ra các sản phẩm đặc trưng từ hoa hồng. Theo anh, bông được cắt từ lúc 6 giờ sáng khi còn hơi sương, đó chính là lúc hoa hồng tỏa hương thơm nhất và vì thế mà các sản phẩm từ hoa hồng mới đạt chất lượng. Anh Minh cùng vài người bạn cùng nghiên cứu, phân loại từng giống hoa hồng, mua các dụng cụ về nghiên cứu, cuối cùng hai sản phẩm chính từ vườn hoa hồng được chế tạo là trà hoa hồng và nước hoa hồng dùng chăm sóc da mặt đến nay đã phân phối ra thị trường. “Khi chiết xuất từ hoa hồng được chế tạo thành công, anh em đều vui mừng và điều mơ ước bấy lâu nay đã thành hiện thực. Tiêu chí được đặt hàng đầu của các sản phẩm hoa hồng là phải đảm bảo được hương thơm, độ tinh khiết và không lẫn tạp chất hóa học”, anh Minh tâm sự.
Các công đoạn bước đầu được vào quy trình, ước muốn tiếp theo của anh là tạo ra việc làm cho người dân ở Tây Giang. Ở đây, có 95% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu, đời sống người dân còn rất khó khăn, tập quán sinh hoạt chủ yếu dựa vào tự nhiên, du canh, du cư, trồng gì ăn nấy. Nông trại hoa hồng của anh Minh như điểm sáng cho người dân nơi đây. Từ vườn hồng, anh Minh đã tạo việc làm ổn định cho 6 lao động đều là người dân tộc Cơ Tu, với thu nhập 6 triệu đồng/ tháng cho mỗi người. So với trước đây thu nhập của anh Nguyễn Thanh Toàn (35 tuổi, dân tộc Cơ Tu) tương đối ổn định và có thể để dành một khoản lo cho gia đình. Anh Toàn vui vẻ cho biết: “Tuy mới làm ở nông trại hơn 4 tháng nhưng các công đoạn chăm sóc vườn hồng tôi và mọi người đều đã thuần thục, duy nhất cách chiết xuất từ hoa hồng mà anh Minh chế tạo ra rất mới mẻ, giúp người dân ở đây học hỏi được nhiều điều hay và cũng tạo ra sản phẩm đặc trưng cho mảnh đất Tây Giang của tôi”.
Đối với anh Minh cũng như người đồng bào Cơ Tu, cái khắc nghiệt của tự nhiên nơi đây chỉ là điều tất yếu đơn giản như mặt trời lặn mọc. Nhờ tình yêu thương mảnh đất cằn cỗi này mà anh vẫn tiếp tục tìm tòi nhiều sản phẩm sáng tạo từ hoa hồng, mở rộng diện tích trồng hoa để khi đến Tây Giang du khách sẽ nhớ thêm một điểm ghé thăm thú vị mang tên “Nông trại hoa hồng Tây Giang”.
Diệu Huyền