Đổi mới để nâng tầm các giá trị văn hóa

Thứ ba, 04/07/2017 11:37

(Cadn.com.vn) - Để phát huy tối đa vai trò của các giá trị văn hóa đòi hỏi phải có những đổi mới không ngừng trong công tác tổ chức, triển khai các lễ hội văn hóa và đầu tư, đổi mới về thiết chế văn hóa. Đặc biệt, cần chú trọng đến vấn đề xã hội hóa văn hóa nhằm nâng tầm bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền. Đó là những ý kiến được đưa ra, thảo luận tại Hội nghị giao ban Văn hóa, Văn nghệ, Xuất bản 6 tháng đầu năm được Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức chiều 3-7.

Đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa

Với tinh thần đổi mới trong công tác tổ chức lễ hội theo chủ trương xã hội hóa, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã diễn ra 3 hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng của mỗi địa phương thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Bùi Xuân, các lễ hội văn hóa trên địa bàn TP ngày càng đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời là dịp để du khách trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần về lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch cho TP.

Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng 2017 lần đầu tiên thực hiện xã hội hóa một phần. Lễ hội có nhiều chương trình mới, các hoạt động hấp dẫn hơn, quy mô được nâng dần, các sự kiện tại lễ hội mang tính chiều sâu về văn hóa, lịch sử gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền. Cụ thể, đó là việc mở cửa tham quan bảo tàng Văn hóa Phật giáo trưng bày hơn 500 hiện vật có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, thể hiện sự hài hòa giữa Phật giáo và dân tộc. Một số nét mới khác như tổ chức dâng hương tại miếu thờ Huyền Trân công chúa, lễ tế Thạch nghề tổ sư, lễ tế Xuân… “Phải làm sao thật sự để lại một dấu ấn riêng trong mỗi lần diễn ra các lễ hội thì mới có thể nâng tầm, làm mới được các giá trị văn hóa. Chính việc xã hội hóa trong văn hóa mới là “chất keo” gắn kết, cuốn hút khách du lịch tìm đến, đón xem trong mỗi lần diễn ra các lễ hội”, ông Xuân trao đổi.

Ngoài ra, trong chương trình kỷ niệm ngày giải phóng TP Đà Nẵng đều có những chương trình phụ trợ như tổ chức trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc, giới thiệu các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, nghề đan mây tre… vừa tôn vinh các giá trị văn hóa vừa tạo “cơn gió lạ” thu hút sự chú ý của du khách. Đặc biệt, ở các lễ hội tầm cỡ như Lễ hội trình diễn pháo hoa Quốc tế đến những lễ hội có quy mô làng, xã như: lễ hội đình làng Túy Loan, đình làng Hải Châu… vấn đề xã hội hóa cũng được quan tâm, đẩy mạnh.

Lễ hội Quán Thế Âm 2017 lần đầu tiên thực hiện chủ trương xã hội hóa văn hóa với nhiều điểm mới.

Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa

Trong hai năm qua, với việc quyết tâm phát huy tối đa những giá trị văn hóa còn tiềm ẩn, UBND TP bố trí đầu tư nhiều kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa. Năm 2016, tổng mức đầu tư là 70,657 tỷ đồng. Riêng, trong năm 2017, UBND TP bố trí kinh phí 79,292 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2016). Trong đó, kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2017 bố trí thanh quyết toán các công trình đã hoàn thành như: Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; nâng cấp, cải tạo công trình Bảng tàng Điêu khắc Chăm; Bảo tồn tôn tạo Khu căn cứ cách mạng K20…

Bên cạnh đó còn bố trí đền bù 30 tỷ đồng để thực hiện công tác giải tỏa đền bù dự án Tu bổ tôn tạo Di tích Thành Điện Hải. “Nhiều thiết chế văn hóa đều nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ từ người dân. Việc hình thành các thiết chế văn hóa cơ sở với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, thiết thực đã thu hút được nhân dân đến tham gia các hoạt động, nhất là người già và trẻ nhỏ. Hiện, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn TP cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân, góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, tăng tính gắn kết cộng đồng” ông Xuân cho hay.

Trong số đó có công trình nâng cấp, cải tạo Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được triển khai hoàn thành tháng 8-2015 với quy mô gần 4 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, Nhà hát đã tham gia và phối hợp tổ chức 143 buổi biểu diễn, thu hút 85.730 lượt người xem. Công trình nâng cấp, cải tạo Thư viện Khoa học Tổng hợp với tổng kinh phí 50 tỷ đồng đưa vào sử dụng. Đến nay, trung bình có 745 lượt bạn đọc đến mỗi ngày qua đó đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc của học sinh, sinh viên và người dân TP…

Nhìn chung, vấn đề đổi mới, nâng tầm các giá trị văn hóa luôn được các cấp, ngành, và UBND TP quan tâm, đầu tư. Thực tế, đã có những tín hiệu vui khi nhiều giá trị văn hóa đang “ấm” dần. Tuy vậy, để phát huy hơn nữa những giá trị còn tiềm ẩn đòi hỏi phải có những sự đổi mới liên tục mà trong đó vai trò của cộng đồng là không thể thiếu.

Phi Nông