Đổi mới giáo dục phải thực sự vì học sinh thân yêu

Thứ năm, 13/08/2015 11:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 12-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị “Tổng kết năm học 2014-2015, triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016” do Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Tại hội nghị, 2 vấn đề “nóng” được đa số đại biểu quan tâm, góp ý kiến liên quan đến triển khai thực hiện việc đổi mới đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 (TT30) và đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị và đại biểu tham dự hội nghị
tại đầu cầu Đà Nẵng.

Cần có lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo

Theo Bộ GD-ĐT, việc triển khai đánh giá HS tiểu học theo TT 30 bước đầu đã tạo chuyển biến trong nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực HS...

Liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức vừa qua, theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi đã được chuẩn bị chu đáo từ trung ương đến các địa phương, được tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân; kết quả thi phản ánh tương đối đúng trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở GD đại học và GD nghề nghiệp xét tuyển sinh. Kỳ thi cũng đã nhận được sự đồng thuận tích cực của toàn xã hội, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc đạt 91,58% (THPT đạt 93,42%, GD thường xuyên: 70,08%)...

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị tập trung xoáy vào 2 nội dung này. Theo đó, dù đồng ý TT30 là “bước đột phá trong việc đánh giá HS tiểu học”, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Chi- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, thực tế một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng khi thực hiện. Theo bà Kim Chi, không phải một sớm, một chiều có thể thay đổi thói quen tồn tại từ rất lâu trong quan niệm giáo dục ở Việt Nam “học để ứng thí, xem điểm số là thước đo giá trị của sự học”. Vì đây là một vấn đề mới nên cần xác định lộ trình ít nhất phải 2 năm học để GV quen, thành thạo với cách đánh giá HS tiểu học theo TT 30, nhất là kỹ thuật đánh giá và sử dụng hồ sơ đánh giá. Trong thời gian tới, cần tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường để GV trao đổi, đề xuất hướng khắc phục những khó khăn. Đội ngũ chuyên gia cốt cán đã được tập huấn ở Bộ phải đi sát cơ sở để lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của GV, hỗ trợ GV; tổ chức hội nghị đánh giá chính thức, công khai những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại sau 1 năm triển khai thực hiện để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế...

Đối với việc đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015, hầu hết ý kiến đều cho rằng, bên cạnh việc tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong những năm tới, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để giúp người dân hiểu rõ hơn kỳ thi chung này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Từ năm học 2014-2015, ngành Giáo dục đã triển khai việc không chấm điểm học sinh tiểu học.

Chia sẻ khó khăn mà GV và ngành GD-ĐT phải đối mặt trong quá trình triển khai thực hiện TT30, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới đánh giá HS tiểu học theo TT30 là đúng theo xu thế giáo dục hiện đại, đồng thời cũng phù hợp với truyền thống. Theo đó, cần phải hiểu theo hướng biện pháp đánh giá này là để chúng ta hướng các em cố gắng phấn đấu học tập nhằm vượt lên chính mình chứ không phải để so sánh, ganh tị với người khác. Phó Thủ tướng đơn cử câu chuyện rất ý nhị trong một lần về dự lễ mít- tinh nhân “Tháng hành động vì trẻ em” tại Hải Dương: “Khi tôi hỏi các câu hỏi từ 1 đến 9, tất cả đều đồng thanh trả lời “có” hoặc “không” rất dứt khoát. Thế nhưng đến câu hỏi số 10 rằng: “Nếu ông bà, bố mẹ cứ bắt các cháu học giỏi hơn bạn hàng xóm thì có đúng không?”, thì nửa nói “có”, nửa nói “không”...

Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình thực hiện việc đổi mới, có ý kiến khác nhau là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, cần nhận thấy được rằng, một chủ trương lớn dù đúng cũng cần có một lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là công tác tuyên truyền, vận động, khi đã đúng rồi thì kiên định thực hiện...

Đổi mới phải thực sự vì học sinh thân yêu

Dù vẫn còn mặt này, mặt nọ chưa thực sự hài lòng, nhưng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần công tâm, thẳng thắn để nhìn nhận: Qua một năm triển khai thực tế việc thực hiện Nghị quyết 29 về “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, có thể thấy được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương với những kết quả bước đầu đáng mừng. Theo đó, việc đổi mới là cần thiết, là đúng hướng và cần tiếp tục phải làm trong thời gian tới.

Với 4 hạn chế mà ngành GD-ĐT chỉ ra, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài hạn chế về “cơ sở vật chất ở một số nơi vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu” không thuộc phạm trù giải quyết của ngành GD-ĐT, các hạn chế còn lại như: Chất lượng GD vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu GD, còn nhiều hạn chế về GD đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho HS; tình trạng dạy học thêm tràn lan...; khó khăn trong việc triển khai thực hiện  TT 30... đều thuộc phạm vi của  ngành GD-ĐT. “Đã chỉ ra được rồi thì phải bắt tay vào làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến vấn đề GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS. Theo Phó Thủ tướng, dù tuyên truyền đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu người thầy không gương mẫu thì cũng ảnh hưởng và không có tác dụng gì mấy. Giáo dục đạo đức cho HS thì nhiều vấn đề lắm, trong đó cần xác định GD cho HS (ngay cả ở bậc mẫu giáo, mầm non) những vấn đề cơ bản, từ những việc rất nhỏ chứ không phải là những điều to tát, HS không thể hiểu được. Cụ thể, giáo dục để làm được người tốt, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. “Dù khó đến mấy cũng phải làm trên một tinh thần chung: tất cả phải xuất phát từ HS thân yêu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến kết quả kỳ thi năm nay, theo Phó Thủ tướng, việc rất nhiều HS bị điểm liệt cho thấy chất lượng giáo dục thực sự có vấn đề. Trong quá trình triển khai việc đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia đến công tác xét tuyển ĐH, CĐ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT hết sức lắng nghe để có những điều chỉnh kịp thời trên tinh thần cầu thị, tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh...

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị, những kết quả trên chỉ mới là bước đầu, cần tiếp tục tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm để phát huy thành tích, đồng thời hạn chế thiếu sót. Trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới, cần có cách nhìn mới, tư duy mới...

* Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã tặng Bằng khen cho 38 tập thể đạt nhiều thành tích trong năm học 2014-2015.

P.Thủy

"KHAI GIẢNG LÀ NGÀY HỘI CỦA CÁC EM HỌC SINH..."

Nhân nói đến vấn đề đổi mới phải thực sự vì HS thân yêu, Phó Thủ tướng đề cập đến câu chuyện ngày khai giảng. Theo Phó Thủ tướng, đó là ngày hội của các em HS, không phải là ngày của lãnh đạo, ngày của người lớn.

Đã từng nhiều lần dự lễ khai giảng tại các địa phương, Phó Thủ tướng cho biết, có nhiều khi lịch khai giảng phải phụ thuộc vào lãnh đạo. Phó Thủ tướng đơn cử đến hình ảnh ở một số nơi, các cháu HS phải đến trường từ rất sớm, xếp hàng dưới cờ rồi dù nắng hay mưa cũng phải đợi lãnh đạo tới mới tổ chức được khai giảng; rồi phải nghe những bài phát biểu dài lê thê, có khi không hiểu gì...

Phó Thủ tướng cho biết, ông đã bàn với Bộ GD-ĐT, năm nay, cả nước sẽ chọn một ngày để khai giảng chung trong toàn quốc (có thể ngày 4 hoặc 5-9).  Theo đó, lễ khai giảng diễn ra thật gọn nhưng không kém phần tưng bừng. Cụ thể, sau phần nghi lễ chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn là kết thúc để chuyển sang phần hội cho HS...

P.T (ghi)