Đổi mới phương thức đánh giá học sinh - cần đổi mới đồng bộ

Thứ tư, 01/04/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Sau hơn một học kỳ triển khai thực hiện đổi mới phương thức đánh giá học sinh tiểu học (HS) từ định lượng sang định tính, Thông tư 30 (TT30) của Bộ GD-ĐT gặp phải không ít ý kiến trái chiều trong dư luận. Theo đó, dù được xem là đổi mới, nhân văn, nhưng do không có một lộ trình chuẩn bị đồng bộ, việc thực hiện TT 30 đã không được như mong muốn...

Còn đó những bất cập

Theo phản ánh từ các nhà quản lý giáo dục và giáo viên (GV) đứng lớp, cái được đầu tiên mà TT 30 mang lại chính là giảm áp lực cho HS, động viên, khích lệ những HS chưa toàn diện trong quá trình học tập, các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho HS được chú trọng nhiều hơn; giúp GV và phụ huynh (PH) nhận thức rõ hơn sự cải tổ trong giáo dục để từ đó nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của GV, sâu sát, phối hợp chặt chẽ giữa PH với nhà trường trong việc dạy dỗ con trẻ... Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện TT 30 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định.

Thầy Đặng Nhứt- Hiệu trưởng Trường TH Trần Văn Ơn (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: Sau hơn một học kỳ triển khai, hạn chế đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy là HS bậc TH không thấy được những thiếu sót cụ thể hàng ngày để nỗ lực điều chỉnh thái độ học tập, nhất là đối với HS lớp 1. Bởi ở lứa tuổi này, các em chưa tập trung. Thế nên, phần lớn trẻ không nhớ được lời nhận xét bằng lời mà GV dành cho mình.

Còn với PH, dù đã có sự trao đổi với GV qua các kênh: điện thoại, nhận xét ghi vào vở HS..., nhưng phải đến kiểm tra học kỳ mới có thể biết được sức học của con mình đến đâu. Bởi đây thời điểm duy nhất trong một học kỳ, việc học tập của HS được đánh giá bằng điểm số. Trước đây, việc đánh giá theo định lượng bằng điểm số có thể phân được cấp độ, mức độ học của từng HS. Còn với cách đánh giá theo định tính như hiện nay, HS có học lực từ điểm 5 đến 10 điểm đều được xếp hoàn thành chương trình học.

Với cách đánh giá này, HS có học lực trung bình cảm thấy vui, thoải mái, nhưng với những HS có học lực khá giỏi, nếu không được bố mẹ, thầy cô khích lệ, các em sẽ dễ rơi vào tư tưởng “bình quân chủ nghĩa”, mục tiêu phấn đấu vì thế mà giảm đi. Có HS khi nghe bố mẹ hỏi “hôm nay con học ra sao” đã trả lời qua loa rằng “cũng được”. Thậm chí có bé khi được bố mẹ nhắc nhở phải chuyên tâm hơn trong việc học đã hồn nhiên bày tỏ quan điểm: “Phấn đấu mấy thì cũng bằng các bạn học trung bình thôi. Con cứ học tàng tàng cho khỏe...”.

Theo hướng dẫn thực hiện TT 30, GV có thể nghiêng về nhận xét HS bằng lời, không đặt nặng vấn đề nhận xét bằng chữ, nhưng hầu như BGH các trường đều động viên GV các môn học chú trọng nhận xét bằng chữ hơn nhằm giúp cho PH nắm bắt được tình hình học tập của con em, trên cơ sở đó cùng phối hợp với nhà trường kịp thời khắc phục những lỗ hổng kiến thức cho trẻ. Nói là vậy, nhưng thực tế không phải PH nào cũng phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc theo sát việc học của con mình.

Mặt khác, dù Bộ GD-ĐT đã có cơ chế mở trong quá trình đánh giá, tuy nhiên, thực tế việc đánh giá bằng lời, đặc biệt chú trọng nhận xét bằng chữ viết đối với các môn học khiến khối lượng công việc của GV tăng thêm, gây không ít khó khăn, đặc biệt là GV bộ môn đảm nhận việc dạy nhiều khối lớp. Nếu GV thiếu trách nhiệm, qua loa, thì việc nhận xét dễ rơi vào hình thức, nhận xét chung chung...

Cô Ngô Thị Thanh Mai- GV dạy ngoại ngữ bậc TH- tâm sự: “Bản thân tôi đảm nhận dạy 3 lớp nên việc nhận xét, đánh giá các em dù sao cũng đỡ vất vả hơn các GV bộ môn đảm nhận nhiều lớp ở các khối khác nhau. Nhận xét bằng lời thì không sao, nhưng đâu phải HS nào cũng nghe và nhớ hết lời GV nói; còn nhận xét bằng chữ thì phải làm sao ngắn gọn, súc tích mà vẫn phản ánh được ưu cũng như thiếu sót của HS để không chỉ PH, cả HS nắm bắt được những điều GV muốn nói là không đơn giản. Trong khi đó, GV vẫn phải đảm bảo tất cả các vấn đề liên quan đến chuyên môn, dạy học tốt...”.

Cô Thanh Mai cho biết thêm, hiện vẫn còn nhiều HS có thói quen chạy lên hỏi cô giáo sau mỗi lần làm bài tập: “Cô ơi! Có chấm điểm không cô?”. Và khi cô giáo nói thu vở lại để cô nhận xét thì có không ít HS tỏ vẻ không vui! Nhiều PH không quan tâm đến TT 30 mà quan tâm là GV trực tiếp dạy con em họ vì xét cho cùng, đó chính là người ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của HS. Một số PH thấy con có dấu hiệu tuột dốc đã cấp tốc mời người về nhà dạy kèm. Do mới thực hiện được 2/3 học kỳ nên chưa thể đánh giá toàn diện, nhưng qua tìm hiểu, được biết, chất lượng giáo dục đại trà đang chững lại, một số nơi có dấu hiệu đi xuống...

Một giờ học đầy hứng thú tại Trường TH Trần Văn Ơn. Ảnh: P.T

Cần thay đổi theo hướng đồng bộ 

Với nội dung chương trình SGK chưa được giảm tải, sĩ số HS/lớp chưa đạt chuẩn, thậm chí nhiều trường còn quá tải, thêm vào đó, một số GV được tuyển dụng vào để giảng dạy ở bậc TH chưa được đào tạo bài bản, nên việc áp dụng TT 30 không tránh khỏi những bất cập. Hiệu trưởng Đặng Nhứt chia sẻ: “Không ai phủ nhận tính nhân văn của TT 30. Tuy nhiên, để TT 30 áp dụng có hiệu quả, cần có lộ trình chuẩn bị đồng bộ từ việc giảm tải chương trình SGK, giảm sĩ số HS/lớp. Bên cạnh đó, cần chú ý trong tuyển dụng công chức chính quy, được đào tạo bài bản...”.

Chị Thanh Thanh có con học TH, cho rằng: “Theo tôi, đánh giá bằng điểm số cụ thể, chính xác và thuận lợi hơn so với việc đánh giá bằng nhận xét. Điểm số chẳng có lỗi phải gì ở đây. Điều quan trọng là muốn giảm áp lực học tập của các cháu nên giảm tải chương trình, giảm sĩ số HS/lớp và đặc biệt cần tẩy chay bệnh thành tích trong học đường. Nếu không thay đổi những vấn đề này thì dù có thay đổi cách đánh giá từ định lượng sang định tính đi chăng nữa cũng không cải tổ được gì nhiều”.

Mọi sự đổi mới luôn gặp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận. Để TT 30 thật sự đạt kết quả tốt, ngoài việc đổi mới đồng bộ khâu đánh giá đến việc giảm tải chương trình, giảm sĩ số HS/lớp, còn phụ thuộc không nhỏ vào sự thay đổi nhận thức của cả xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục. Nếu không, việc đổi mới phương thức đánh giá HS cũng sẽ dừng lại ở hình thức “bình mới, rượu cũ” mà thôi...

P.Thủy