Đổi mới... thụt lùi!

Thứ ba, 30/11/2021 14:51

- Đổi mới phải tiến bộ hơn chớ Hai Nhà giáo?

- Ấy vậy mà mới đây lại có vị giáo sư, tiến sỹ khoa học đưa ra đề xuất gây nhiều tranh cãi, thậm chí có người bảo đó là đổi mới… lùi!

- Hai nói rõ hơn cho NXD và bạn đọc biết được không?

- Chuyện là tại hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21-11, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm nêu quan điểm cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong trường học vì nó mang nặng tính phục tùng và không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay; rằng cần bỏ khẩu hiệu này để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo…

- Ủa, muốn khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo là không cần “học lễ” sao?

- Không riêng gì Hai Nhà giáo, dư luận xã hội cũng rất bất bình trước những lập luận của vị GS này đưa ra. Sau đó, GS Thêm có “nói lại cho rõ” rằng mọi người đã hiểu sai ý kiến của ông. Ông chỉ đề xuất bỏ cách nói “tiên học lễ” chứ không phải bỏ việc học lễ…

- Thế Hai thấy “cái ý” của GS Thêm như thế nào?

- Theo Hai, quan điểm cùng những lập luận mà GS Thêm nêu ra mang tính áp đặt, máy móc, phiến diện, thiếu thuyết phục. Nội hàm của “Tiên học lễ, hậu học văn” rất rộng, mang triết lý giáo dục khoa học và nhân văn sâu sắc, có tính phổ quát cho mọi nền giáo dục. “Lễ” ở đây cần hiểu là đạo đức - nền tảng gốc của con người. Vì thế, trước hết khi trẻ đến trường cần phải dạy trẻ học cách làm người trước khi tiếp thu tri thức và đến nay, khẩu hiệu này vẫn còn nguyên giá trị. Hai hoàn toàn không đồng tình với ý kiến để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo của con người mà bỏ đi câu khẩu hiệu không hề “cũ” này.

- NXD đồng ý với Hai Nhà giáo. “Tiên học lễ, hậu học văn” chẳng khiến cho người học vì thế mà không phát huy tính phản biện, hay sáng tạo cả. Cái cần thay đổi là cách dạy-học hiện nay. “Tiên học lễ, hậu học văn” chẳng hề mâu thuẫn hay cản trở việc khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.

N.X.D