Đổi mới tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 12/05/2017 11:29

(Cadn.com.vn) - Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua chia sẻ nghề nghiệp, việc làm của những người đang lao động hay sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo chính quyền giới thiệu về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực địa phương kết hợp với công tác tham vấn trợ giúp học sinh tự tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chọn khối thi, ngành thi, trường thi và nghề nghiệp... Đó là những cách làm hay mang tính đổi mới trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là đối với học sinh vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đổi mới hình thức tư vấn, hướng nghiệp

Một chương trình giao lưu hướng nghiệp cho học sinh vừa được Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Quảng Nam tổ chức thu hút đông đảo giáo viên, cựu học sinh, lãnh đạo chính quyền các địa phương, phụ huynh và học sinh tham dự. Chương trình thật sự đã giúp các em học sinh miền núi, học sinh đồng bào dân tộc được chia sẻ kinh nghiệm, nỗ lực phấn đấu trong học tập và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Tại chương trình giao lưu hướng nghiệp, các em được những cựu học sinh là cán bộ chủ chốt tại các huyện miền núi chia sẻ kinh nghiệm chọn nghề, đặc thù những nghề nghiệp trong xã hội hay phẩm chất, năng lực mà người lao động cần có trong quá trình làm việc.

Giáo viên hướng nghiệp cho học sinh.

Không những vậy, các em còn được nghe những câu chuyện vượt khó học tập, rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực trong công việc từ những người anh, người chị có cùng hoàn cảnh đi trước. Cùng với đó, những thông tin về nhu cầu việc làm, ngành nghề, công việc mà địa phương đang cần cũng đã được lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đề cập, giới thiệu nhằm giúp học sinh có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu việc làm trong tương lai của địa phương.

Theo thầy Trần Minh Hiệu - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Quảng Nam, đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh theo hình thức này, nhằm đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp, nhất là các em khối 12. "Ngoài tạo sự gắn kết giữa các thế hệ học sinh, chương trình giao lưu hướng nghiệp còn là cơ hội để cựu học sinh thành đạt của trường chia sẻ kinh nghiệm về cuộc sống cũng như quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành. Qua đó, giúp các em học sinh có cách nhìn đúng đắn hơn về lựa chọn ngành nghề trong tương lai. Từ kinh nghiệm của anh chị đi trước, các em học sinh sẽ có những bài học quý giá cho bản thân để tiếp tục học tập và noi gương, trở thành nguồn nhân lực cho các địa phương miền núi sau này", thầy Hiệu cho biết.

Cần phải đổi mới trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh,
nhất là học sinh vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc.

Nỗ lực từ phía nhà trường

Cũng như cách làm của Trường PTDTNT tỉnh Quảng Nam, trong thời gian qua, công tác tư vấn hướng nghiệp của Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum có nhiều hình thức đổi mới. Theo thầy Lý Thế Quyền - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum, bên cạnh phụ trách hoạt động dạy học và giáo dục ở nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn là một nhà tham vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Để đảm nhiệm tốt công tác này, các giáo viên đã không ngừng tìm hiểu, cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan đến hoạt động hướng nghiệp và tham vấn nghề.

Thầy Quyền chia sẻ: "Vì nội dung và hình thức của giáo dục hướng nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội nên đòi hỏi phải có thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Hơn nữa, các vấn đề khi tham vấn, hướng nghiệp cho học sinh luôn có sự biến động, thay đổi không ngừng, như xu hướng nghề thay đổi, yêu cầu nghề thay đổi… Vì vậy, người giáo viên phải có nguồn tài liệu và nguồn thông tin được cập nhật thường xuyên; cũng như phải có kỹ năng tìm hiểu và cập nhật thông tin một cách nhanh chóng. Bởi nếu người giáo viên làm công tác hướng nghiệp cho học sinh không có sự am hiểu thấu đáo thì sẽ làm cho học sinh có nhận thức lệch lạc, dẫn đến lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp".

Từ thực tế công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh nhà trường, thầy Lý Thế Quyền cho biết: Trong số các buổi thực hiện tư vấn, hướng nghiệp, vấn đề mà các em học sinh quan tâm nhiều nhất là khả năng có việc làm sau khi ra trường; điểm thi tuyển của các năm trước; mức lương, thu nhập của việc làm sau khi ra trường... Điều này dễ khiến học sinh sai lệch khi chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Bởi vậy, để giúp học sinh "nhìn" được thực tế này thì việc cần thiết của công tác tư vấn là giúp các em có hiểu biết về thị trường lao động. Có hiểu biết thị trường lao động sẽ giúp cho học sinh chọn được nghề phù hợp, tránh tình trạng thất nghiệp, gây nên sự lãng phí đào tạo cho cá nhân và xã hội.

Khải Minh