Đội “phản ứng nhanh” của ngành điện

Thứ tư, 27/03/2019 17:10

Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) vừa tổ chức ra mắt Đội sửa chữa nóng lưới điện số 2. Theo Tổng Cty Điện lực miền Trung cho biết, Công ty Điện lực Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong Tổng Công ty triển khai thực tế công tác sửa chữa nóng lưới điện (hotline) từ ngày 30-6-2016.

 

Ông Ngô Tấn Cư, Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Đà Nẵng cho rằng “Từ khi áp dụng đến nay, công tác hotline đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho khách hàng sử dụng điện. Đó là bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện mà không gây mất điện, không làm ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, cơ quan, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện khi bảo trì, bảo dưỡng, xây dựng mới lưới điện đồng thời ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố trên lưới điện; đấu nối điện phát triển phụ tải mới mà không cần cắt điện”. Cho đến thời điểm hiện tại, PC Đà Nẵng đã áp dụng công nghệ hotline vào các công tác như: sửa chữa, thay thế máy biến áp trên không; đấu nối mới thiết bị, xử lý tiếp xúc xấu, xử lý dây tưa; thay xà, FCO, dao cách ly, sứ đứng, sứ chuỗi, TI trung áp; phát quang hành lang tuyến, lắp cầu đồng đấu chim, bọc băng keo cách điện dây dẫn trung áp... mà không cần cắt điện. Tổng số công tác hotline thực hiện đều tăng qua từng năm. Nếu như năm 2016 chỉ có 196 lượt thì sang năm 2017 đã tăng lên  506 lượt và năm 2018 đạt 908 lượt.

Bên cạnh công tác sửa chữa nóng lưới điện, Đội Sửa chữa nóng lưới điện PC Đà Nẵng còn tiến hành thực hiện công tác vệ sinh rửa sứ bằng nước cách điện áp lực cao. Trong năm 2018 thực hiện vệ sinh 3.115 trụ điện 22kV và 674 trạm biến áp. Với khối lượng công tác hotline tăng nhanh (năm 2018 tăng 80% so với 2017) và áp lực nâng cao độ tin cậy cung cấp điện thì tình hình nhân lực của Đội Sửa chữa nóng lưới điện hiện nay gồm 2 lãnh đạo và 10 công nhân là không đáp ứng được. Do vậy, PC Đà Nẵng tiến hành tự đào tạo và đưa vào hoạt động Đội sửa chữa nóng thứ 2. PC Đà Nẵng cũng là Công ty Điện lực duy nhất trong Tổng Công ty Điện lực miền Trung được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép đủ tiêu chuẩn đào tạo công tác hotline. Theo Phó Giám đốc PC Đà Nẵng Võ Hòa, tiêu chí tuyển chọn và quá trình đào tạo phải đảm bảo các yêu cầu rất nghiêm ngặt. Công tác sửa chữa nóng lưới điện, các công nhân được tuyển chọn để đào tạo là những người có sức khỏe tốt, trình độ chuyên môn cao, được Ban Giám đốc Công ty sát hạch, tuyển chọn kỹ lưỡng. Tiêu chí cụ thể gồm: Có kỷ luật và tinh thần làm việc theo nhóm. Sức khỏe tốt, tâm lý ổn định. Chiều cao tối thiểu: 1m65 cộng với chỉ số trọng lượng cơ thể phù hợp. Có kinh nghiệm ít nhất 1 năm thi công lưới trung thế đến 22kV và 6 tháng sửa chữa, vận hành lưới điện. Có tính tỉ mỉ, cẩn thận. Có tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi. “Đội ngũ này sẽ được huấn luyện bài bản với 3 bước nghiêm ngặt: thực hành không điện, thực hành có điện và thực tế tại hiện trường. Sau đó, trải qua các bước kiểm tra lý thuyết, sát hạch không điện, sát hạch có điện mới được cấp giấy chứng nhận công tác sửa chữa nóng lưới điện”-ông Võ Hòa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thái Tùng, Đội trưởng Đội Hotline thừa nhận, công tác hotline là một công việc đầy khó khăn và thách thức đối với mỗi công nhân khi đảm nhận công việc này. Bởi lẽ, một số vị trí trên lưới điện có kết cấu lưới điện với khoảng cách pha-pha và khoảng cách trung thế - hạ thế kết hợp nhỏ và nhiều đường dây thông tin,... làm cản trở việc tiếp cận vị trí làm việc, không đủ không gian làm việc cho người công nhân để thi công đảm bảo an toàn. Quá trình làm việc đã cho thấy, thực hiện công tác sửa chữa nóng lưới điện-hotline là công việc có tính chất nguy hiểm, do vậy đòi hỏi người công nhân phải luôn tỉnh táo, bình tĩnh để thực hiện các thao tác thành thạo nhất, không có động tác thừa để đảm bảo an toàn để hoàn thành được công tác được giao. Bên cạnh đó, do đặc thù của công tác hotline, các công nhân khi thao tác trên lưới có điện phải được trang bị bảo hộ lao động nghiêm ngặt bằng các vai áo và găng tay su cách điện 2 lớp. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn khi thi công, Đội sửa chữa nóng lưới điện luôn phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Công nhân Lê Anh Tuấn thổ lộ: “Để làm tốt công việc, anh em trong đội luôn thực hiện công tác kiểm tra đầu giờ hàng ngày tại Đội để phân công công tác hợp lý trong ngày. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên luân phiên thay đổi người khi công tác trong mùa nắng nóng để đảm bảo an toàn, mỗi cặp công nhân công tác trên lưới điện không quá 1 giờ. Các công nhân khi công tác phải luôn giám sát, nhắc nhở lẫn nhau để cùng đảm bảo an toàn chung cho nhau”.

Khi đề cập đến định hướng phát triển, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng Võ Hòa khẳng định: “Với hiệu quả to lớn mà công tác hotline mang lại, PC Đà Nẵng tập trung phát triển, mở rộng công tác hotline trong tương lai; đồng thời nghiên cứu, áp dụng thực tế các công tác hotline đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Đó là, đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu lưới điện trên bãi tập để phù hợp với thực tế hiện trường, phục vụ công tác tự đào tạo công nhân thực hiện công tác hotline. Xây dựng cơ sở vật chất (nhà xe, bãi tập, nhà kho...) và mua sắm thêm các trang thiết bị, dụng cụ hotline đảm bảo 2 đội hoạt động hiệu quả, cùng lúc. Tiếp tục nghiên cứu áp dụng công nghệ bypass (là phương pháp kết hợp công nghệ hotline và xe gàu nâng người để phục vụ sửa chữa bảo dưỡng trên lưới điện trung thế mà không cần cắt điện) để triển khai rộng rãi trên lưới điện Đà Nẵng”.

PHƯƠNG KIẾM

Di dời các công trình điện

ĐÀ NẴNG - Sở Công Thương cho biết, UBND TP đã đồng ý đề xuất của sở phương án thực hiện di dời các công trình điện trong quá trình cải tạo, thi công trên địa bàn TP. UBND TP chỉ đạo việc di dời phải đảm bảo các trình tự, thủ tục, quy định về xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước, trong đó giao một đầu mối tổ chức quản lý, thực hiện di dời các công trình điện là các chủ đầu tư, điều hành dự án thuộc UBND TP để quá trình đầu tư xây dựng các dự án được thuận lợi, đảm bảo quản lý hạ tầng kỹ thuật dự án được đồng bộ, đáp ứng tiến độ thực hiện theo yêu cầu của UBND TP. Giá trị tài sản hình thành sau quá trình di dời công trình điện sẽ bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành theo hình thức tăng giảm tài sản không hoàn trả vốn.