Đời sống đồng bào Tây Nguyên đã được cải thiện một bước
(Cadn.com.vn) - Ngày 1-7, tại TP Buôn Ma Thuột, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức hội nghị đánh giá 1 năm triển khai chiến lược công tác dân tộc và 3 năm thi hành Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Hội nghị đánh giá, Chiến lược công tác dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một bộ phận quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của hơn 12 triệu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên và đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước.
Sau 1 năm triển khai Chiến lược công tác dân tộc và 3 năm thi hành Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc, đời sống đồng bào dân tộc, miền núi khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã được cải thiện một bước.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện tốt các chính sách dân tộc, ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó, tập trung vào việc lồng ghép kinh phí các chương trình, dự án để triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm nhanh (từ 3-4%/năm), kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi, điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế... ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng khá.
Đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng được quan tâm giải quyết. Số nhà ở tạm bợ, dột nát giảm nhanh, tạo được chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội về công tác dân tộc.
Hội nghị cũng đánh giá, tuy có những tiến bộ nhưng nhìn chung khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng với với khả năng cũng như yêu cầu phát triển của khu vực cũng như của cả nước.
Trình độ phát triển kinh tế, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi của khu vực miền Trung, Tây Nguyên còn thấp, tình trạng du canh du cư vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn nhiều khó khăn, thậm chí có nơi rất khó khăn, chưa giải quyết triệt để tình trạng đói nghèo, sinh hoạt văn hóa thiếu thốn, một số dịch bệnh chưa bị đẩy lùi một cách căn bản...
Hội nghị thống nhất từ nay đến năm 2020 thực hiện tốt hơn nữa Chiến lược công tác dân tộc và Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc, đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng mới 13 đề án theo Quyết định 2356 của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên bền vững.
Phát huy nghề dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên. |
* Cùng ngày, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đoàn cán bộ Ngoại giao đại diện người Việt Nam ở nước ngoài (các đại sứ, tổng lãnh sự quán) do ông Thạch Dư, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên trước khi lên đường nhận nhiệm vụ tại các nước.
Tại buổi làm việc, Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã báo cáo với đoàn về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên. Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum với diện tích tự nhiên 54.474 km, dân số hơn 5,4 triệu người.
Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 25,7% dân số. Trong những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà tình hình an ninh chính trị ở Tây Nguyên luôn ổn định, kinh tế-xã hội từng bước phát triển, đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ không ngừng được nâng lên.
Kinh tế Tây Nguyên trong 10 năm qua đã có những chuyển biến quan trọng, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 10% năm). Thu nhập bình quân đầu người thu hẹp khoảng cách rất nhanh so với cả nước: năm 2001, thu nhập bình quân đầu người ở Tây Nguyên là 2,9 triệu đồng (bằng 47% mức bình quân cả nước), đến năm 2013 đã tăng lên 31,04 triệu đồng (bằng 77% bình quân cả nước). Thu ngân sách hàng năm đạt 15.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thạch Dư mong muốn Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Ngoại giao cần có quy chế phối hợp để hai bên cung cấp thông tin nhanh và chính xác nhất cho các đại sứ nhằm phản bác lại những thông tin sai trái của các thế lực thù địch về vùng Tây Nguyên, nhất là vấn đề liên quan đến dân chủ và nhân quyền.
Các Đại sứ, Tổng lãnh sự quán sắp đi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài cũng sẽ là cầu nối để cung cấp thông tin về Tây Nguyên với bạn bè quốc tế; đồng thời tìm kiếm, thúc đẩy việc đầu tư vào Tây Nguyên.
P.V