Đổi thay làng chài trên cao nguyên
Sau 10 năm lênh đênh theo từng con nước, 29 hộ dân vạn chài trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã được an cư từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Những căn nhà xây bên lòng hồ đã tạo nên một xóm chài trù phú, cuộc sống của cả trăm con người nơi đây thật sự đổi thay...
Tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm thu hút khách du lịch khi đến với xã biên giới Ia Tơi. |
Lênh đênh phận làng chài
Gần cuối giờ trưa, tiếng xuồng máy lại vang lên nơi bờ lòng hồ báo hiệu những mẻ cá đánh bắt đang được đưa lên bờ. Những phụ nữ làng chài nơi đây tất bật lựa ra từng loại cá chuẩn bị cho chuyến hàng đến các chợ trên địa bàn huyện và tỉnh Gia Lai. Bên căn nhà xây khang trang, bà Đoàn Thị Vân (60 tuổi, quê An Giang) hồ hởi mời chúng tôi vào nhà. Gần cả cuộc đời lênh đênh theo con nước, rong ruổi từ miền Tây lên tận Tây Nguyên, bà và chồng đã chọn lòng hồ thủy điện Sê San 4, giáp ranh với biên giới Campuchia làm nơi định cư.
Bà Vân kể, lớn lên ở xứ sông nước, nghề chài lưới đã gắn bó từ thuở nhỏ và theo mùa nước nổi. Nhà nghèo, lấy chồng sinh con đều gắn với những chiếc thuyền. Nghĩ đến cảnh lênh đênh, bà và chồng cứ ngược theo con sông mà làm nghề cá gửi tiền về cho sắp nhỏ ăn học. Gần 10 năm trước, bà cùng chồng đến ngụ cư trên lòng hồ Sê San khi nghe những người bạn nghề khác mách một khu vực nhiều cá. Ngày đó, chỉ vài hộ dân sống ngay trên những chiếc thuyền lênh đênh giữa lòng hồ để làm nghề. Thiên nhiên cũng đãi ngộ bởi có nhiều loài cá cũng như sản lượng nhiều nhưng cũng khắc nghiệt bởi cái nắng nóng của vùng biên. "Mùa mưa, gió mạnh, giữa lòng hồ mênh mông có con sóng cao cả mét đẩy thuyền, bè trôi. Dân sông nước quen rồi, cứ mặc kệ, sáng mai ngớt mình lại kéo về", bà Vân cười.
Cứ thế người đến trước cưu mang, giúp đỡ người đến sau, rồi làng chài cũng dần hình thành với cả trăm con người. Dân làng chài đa phần là những cư dân ở các tỉnh miền Tây: Đồng Tháp, An Giang... Thế nhưng, đều là dân ngụ cư nên không có hộ khẩu, tạm trú, nay đây mai đó trên mặt hồ. Nhiều hộ muốn có tấc đất dựng cái lều nhỏ để tránh sóng gió vào mùa mưa cũng không thể. Chưa kể, những đứa trẻ lớn lên hay theo chân bố, mẹ đều phải nghỉ học hoặc gửi về quê bởi không biết nhập khẩu ở đâu mà đi học.
Những thân gỗ trôi nổi trên lòng hồ được gom lại, kết thành từng chiếc bè che tạm thành nơi trú ngụ của những gia đình. Mỗi năm, chiếc bạt phải thay một lần bởi thường xuyên di chuyển và cái nắng, gió khắc nghiệt của vùng biên viễn này. Cuộc sống cứ thế lênh đênh theo những con nước, chẳng ai dám mơ có một ngày sẽ được định cư trên đất liền và có được một ngôi nhà theo đúng nghĩa là nhà của mình.
Bà Đoàn Thị Vân bên mẻ cá vừa thu hoạch về. |
Chạm vào giấc mơ
Thế rồi, cuối năm 2017, khi biết nguyện vọng của những người dân làng chài, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hùng đã đi ghe ra tận các bè nổi làng chài hỏi thăm; đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng H. Ia H'Drai xem xét. Tin vui đến với làng chài khi những cư dân nơi đây được cấp hộ khẩu, trở thành cư dân chính thức của địa phương. Niềm vui càng nhân lên khi tỉnh còn cấp cho 29 hộ dân nơi đây mỗi hộ 400m2 đất và 50 triệu đồng hỗ trợ cất nhà ở. Điện, nước được đưa đến tận mỗi hộ gia đình... Cái tên làng chài Sê San chỉ còn là kỷ niệm đẹp khi 29 hộ dân với 29 mái nhà xây khang trang nơi đây trở thành cư dân chính thức thuộc về thôn 7 (xã Ia Tơi, H. Ia H'Drai).
Nỗi niềm "an cư, lạc nghiệp" đã giúp cho những người dân làng chài nơi đây yên tâm bám trụ. Mảnh đất cao nguyên giờ đã trở thành quê hương thứ 2 của những người con miền sông nước. Cùng với việc định cư vững chắc, những cư dân mới của xã vùng biên này còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn liền với nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Hợp tác xã cũng được thành lập nhằm giúp những ngư dân nơi đây chủ động hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhờ thế, những đổi thay, trù phú đang dần hiện rõ nơi đây.
Rẽ sóng nước Sê San, chúng tôi lên thuyền ra bè của ngư phủ Nguyễn Thành Nhân, đây cũng là điểm du lịch mà bấy lâu du khách tìm đến trên lòng hồ. Chỉ mất chưa đầy 10 phút, chiếc thuyền máy đã cập bè nổi của gia đình anh. Vẫn giọng miền Tây rặt, anh Nhân kể về mình: Từ nhỏ, lớn lên ở miền quê An Giang, gắn bó với nghề chài lưới từ 12 tuổi và giờ đã có thâm niên 27 năm với sông nước. "Ở quê nghèo lắm, tui đi làm mướn rồi cũng gặp bả ở đó, hai vợ chồng cưới nhau. Nhà cửa có gì đâu, cứ nghĩ cảnh mình làm mướn, con mình làm mướn không chịu được, hai vợ chồng đành để sắp nhỏ ở nhà cho ông bà rồi ngược con nước làm nghề chài lưới. Run rủi thế nào 2 vợ chồng lên đây đã được 9 năm. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, giờ đủ tự tin để nuôi con cái ăn học đường hoàng rồi", anh Nhân cười giòn trên sông nước.
Cùng với 6 lồng bè, hộ gia đình anh Nhân được xem là một trong những hộ khá giả nơi đây. Mỗi năm, anh xuất hàng chục tấn cá thương phẩm thu về 30-40 triệu đồng với vụ nuôi 10 tháng. Anh Nhân cho biết: "Những hộ dân ở đây, trong đó có mình được địa phương hỗ trợ giống nuôi nên bà con có nguồn vốn để ổn định sản xuất. Mình còn được lên TP Kon Tum đi học bồi dưỡng nghiệp vụ làm du lịch, bởi ngoài lâu nay du lịch mình "tự làm" thì địa phương đang quy hoạch một điểm du lịch sinh thái nơi đây. Có nằm mơ mình cũng không nghĩ một ngày mình được đi học như thế này".
Hai đứa con nhỏ ở quê cũng đã được anh Nhân đưa ra mảnh đất Tây Nguyên 3 năm nay. "Giờ mình có điều kiện tốt hơn ở quê nhà rồi, đưa 2 sắp nhỏ ra đây cho có bố, mẹ, có tuổi thơ và quan trọng là chúng được đi học. Chỉ có một đoạn đường là đã đến lớp rồi", anh Nhân hồ hởi khoe.
Ông Chế Hồng Quyền - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi (H. Ia H'Drai) cho biết: "So với một số hộ trên địa bàn xã thì ngư dân làng chài cơ bản đời sống đã được cải thiện rất nhiều so với ban đầu. Bà con cũng đang dần ổn định để có những thay đổi tốt đẹp hơn trong cuộc sống".
MINH TÂN