Đời thường của một thầy thuốc ưu tú

Thứ bảy, 13/06/2015 10:35

(Cadn.com.vn) - Gần một năm nay, vì lý do sức khỏe, ông không còn xuống nhà dân để khám bệnh, đo huyết áp, tư vấn và hướng dẫn cách phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe miễn phí cho bà con, nhưng nhiều người ở khu vực Nam Ô (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn thường nhắc đến ông như là sự tri ân về một thầy thuốc có nhiều đóng góp lặng thầm cho xã hội...

Đến khu vực Nam Ô, hỏi nhà bác sĩ Trần Đình Thông hầu như ai cũng biết. Đã bước vào tuổi 85, nhưng da dẻ ông còn hồng hào lắm. Nếu không nhìn bước đi chậm rãi cùng giọng nói hơi yếu, khó ai nghĩ ông đã chừng ấy tuổi. Ông khiêm tốn, chừng mực nên phải khó khăn lắm, tôi mới thuyết phục được ông kể cho chuyện nghề, chuyện đời của mình.

Quê ông ở Hòa Hiệp, tập kết ra Bắc năm 1955, được Nhà nước cho đi học đại học Y tại Thái Bình rồi trở thành bác sĩ. Đất nước thống nhất, ông trở về quê hương phục vụ tại phòng hồi sức nhi Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Đến năm 1977, ông được tổ chức bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần đến năm 1992 thì nghỉ hưu theo chế độ. Ông từng có thời gian được giao nhiệm vụ làm chuyên gia y tế và hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn Lào. Với những cống hiến đó, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 1995...

Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Trần Đình Thông. Ảnh: P.T

Nhớ lại quãng thời gian gắn bó với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, ông bồi hồi: "Hồi đó, cơ sở vật chất của bệnh viện còn nghèo nàn, lạc hậu lắm, không có gì cả. Đội ngũ y, bác sĩ rất ít, chúng tôi phải thực hiện chính sách chiêu hiền đãi sĩ, kể cả việc nhận hộ sinh về đây làm việc. Cực khổ, khó khăn là vậy, nhưng được cái tinh thần đoàn kết, vượt khó của tập thể nơi đây rất cao. Hồi ấy, việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần đều hoàn toàn miễn phí, nên từ thuốc men, đến gạo, giường bệnh... chúng tôi đều phải đi xin, bởi kinh phí, chế độ do Nhà nước cấp không thể trang trải đủ các chi phí hoạt động của bệnh viện. Có thể nói, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có được như ngày hôm nay là đi từ không đến có...".

Qua hồi ức của ông, tôi phần nào hiểu được những năm tháng khó khăn, vất vả mà đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng ngày ấy đã đối mặt và vượt qua. Các danh hiệu và phần thưởng mà Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng gặt hái qua các thời kỳ, có thể nói, có phần đóng góp không nhỏ của ông...

Ông quan niệm, thầy thuốc là để cứu người. Theo đó, người hoạt động trong ngành Y phải lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm trọng, phải xem người bệnh như người thân ruột thịt của mình. Đặc biệt, đối với người bệnh tâm thần thì tinh thần phục vụ ấy lại càng phải cao hơn... Thấm nhuần tư tưởng phục vụ nhân dân đó, nên sau khi về hưu, ông tích cực tham gia làm công tác xã hội, từ Hội Chữ thập đỏ, Hội từ thiện, được Câu lạc bộ Thái Phiên P. Hòa Hiệp Nam giao trách nhiệm đo huyết áp và đường huyết bằng máy cầm tay cho hội viên. Bên cạnh đó, ông còn thường xuống nhà dân khám bệnh, đo huyết áp của người già, đặc biệt là những người có bệnh cao huyết áp, bị tai biến mạch máu não, đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho dân về chế độ ăn uống, tập dưỡng sinh, hướng dẫn cách dùng thuốc tây, thuốc nam như thế nào cho đúng... Những lúc bình thường hay khi trái gió trở trời, hễ ai cần đến là ông lại có mặt, tận tình, hết lòng, không một chút vụ lợi.

Ông xem công việc phục vụ người dân làm niềm vui của  mình khi về hưu... Vì thế, với nhiều người dân, đặc biệt là người già ở Nam Ô, ông như trở thành người thầy thuốc của họ. Không chỉ có vậy, ông còn tiết kiệm trong chi tiêu, vận động con cháu đóng góp, ủng hộ cho Nồi cháo tình thương do Hội chữ thập đỏ và Chùa Nam Thành thực hiện để giúp bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần... Những công việc nghe tưởng như đơn giản, rất đỗi bình thường ấy, nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường, khi tất cả đều quy bằng tiền, thì những việc ông làm có thể được xem là hiếm, không phải ai cũng có thể làm được....

Ông Đỗ Tả- Trưởng Ban Bảo vệ dân phố P. Hòa Hiệp Nam, nhớ mãi hình ảnh bác sĩ Thông cầm máy đo huyết áp, tai nghe về Xuân Thiều để khám bệnh cho người dân nơi đây: "Giờ sức khỏe không cho phép, chứ hồi còn khỏe, bác sĩ Thông thường xuống dưới dân khám bệnh, tư vấn, hướng dẫn cách phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe. Ông là một trong những nhân tố tham gia tích cực các hoạt động phong trào xã hội ở địa phương...". Lời chia sẻ ấy khiến tôi nhớ đến những giấy khen, bằng khen treo trang trọng ở phòng khách nhà BS Thông, trong đó, có bằng khen của Thành ủy Đà Nẵng tặng về tấm gương tiêu biểu trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được gia đình ông trân trọng đặt bên cạnh huy hiệu Thầy thuốc ưu tú...

Thầy thuốc ưu tú Trần Đình Thông bộc bạch nỗi buồn vì sức khỏe không cho phép để có thể phục vụ bà con thôn xóm nhiều hơn. Ông mong ước, cùng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật, sự tiến bộ của y học hiện đại, những người làm nghề trong ngành Y sẽ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn...

Từ những câu chuyện kể về ông, tôi có cảm nhận, nhường như, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu đã thấm nhuần trong trái tim người thầy thuốc ưu tú này. Nói về vị thầy thuốc đáng kính này, ông Huỳnh Sự- Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Liên Chiểu- hết lời ngợi ca: "Ai thì không biết chứ riêng với bác sĩ Thông thì người dân ở khu phố Nam Ô yêu mến và kính trọng lắm! Đó là tấm gương sáng về một thầy thuốc vì nhân dân đúng nghĩa".

P.Thủy