Đời...trìa!
(Cadn.com.vn) - Mặc cho cái giá lạnh như cắt da, hàng trăm người vẫn ngụp lặn dưới dòng nước dậm nhặt từng con trìa (một loại ngao, hàu nước lợ) bán kiếm tiền. Cơ cực suốt bao đời nay, nhưng cái nghèo đói vẫn bám riết lấy những phận người bé mọn...
Nghề dậm!
Buổi sáng ngày đầu tháng 3, trời Huế lạnh cóng. Gần 200 người, già có, trẻ có dầm mình dưới dòng nước chạy dài ven đầm phá Tam Giang (đoạn ngang qua TT Sịa, H. Quảng Điền, TT-Huế) dậm trìa. Phần lớn họ là những nông dân nghèo khổ, đông con. Ruộng đất ít ỏi, bạc màu, mất mùa triền miên. Sở dĩ họ gọi đây là “nghề dậm” bởi muốn bắt được ngao, hàu dưới lớp bùn non thì đôi chân phải dậm, rà thật lão luyện, thuần thục.
Tuổi 75, dáng người gầy gò, nước da đen sạm, bà Lê Thị Th. được người trong nghề xem là “lão tiền bối” có thâm niên dậm trìa lâu năm nhất. “Thời tui vừa tròn 10 tuổi đã phải xách bao theo cha mẹ đi dậm trìa kiếm sống. Lớn lên lấy chồng cứ tưởng sẽ thoát khỏi cảnh sông nước nhưng cuộc sống vẫn khó khăn nên vẫn phải theo nghề này làm kế sinh nhai. Dư dả thì chưa biết khi nào, nhưng không đến nỗi đói bởi bữa hên bữa xui bù nhau cũng đủ mua gạo nuôi được thân tui và ông chồng bệnh tật”. Dứt câu, bà Th. khẽ ngụp xuống nước bốc lên con trìa nhỏ vừa dậm được.
![]() |
Những cảnh đời khốn khó quanh năm dầm mình dưới nước để mưu sinh. |
Quan sát những người dậm trìa chúng tôi biết, “cần câu cơm” của họ là một bao xác rắn và chiếc ghe nan dùng chung cho nhóm khoảng 3-6 người. Không kể nắng mưa, ngày lại ngày họ ngâm mình dưới mực nước ngập ngang ngực, dùng đôi chân lão luyện rà tìm từng con trìa. Kinh nghiệm nhận biết có phải trìa hay không khi đụng phải thì ai cũng thừa biết, nhưng hầu hết mọi người đều siêng năng nên “tận thu” cả những mảnh lưới rách, mẩu sắt vụn, nhựa... nằm sâu dưới bùn về bán phế liệu kiếm thêm thu nhập.
Thời điểm có thu nhập cao nhất đối với người dậm trìa là mùa nắng, vì mùa này nước trên phá không sâu, không lạnh. Riêng ngày nắng, bình quân mỗi người làm nghề dậm được ước chừng 20-30kg trìa/ngày. “Chiến lợi phẩm” này bán được 800 đồng/kg (thu nhập 16 – 24 ngàn đồng/ngày/người). Còn mùa mưa, đặc biệt là mùa đông lạnh giá, trìa ít nên dậm bắt không đơn giản chút nào.
Do thu nhập ít ỏi, nhiều gia đình “huy động” tới 2-3 thế hệ cùng dắt díu nhau ra phá làm nghề. Chị Thu, chị Hoa, chị Tuyền - 3 gia đình có cùng điểm chung (mỗi gia đình tới 8 miệng ăn) - liên tục 3 tháng mùa đông không ngày nào vắng mặt trên phá. “Gia đình tôi đông người, trong khi đó ba sào ruộng thì bạc màu, mất mùa liên miên, nếu không lăn lộn dậm trìa cả nắng, mưa, gió rét trên phá thì lấy gì sống, lấy gì nuôi con ăn học. Nửa tháng nay ngụp dưới nước lạnh chỉ đủ tiền mua cho 3 đứa con bộ sách, ống mực” - chị Hoa than thở. Thương nhất vẫn là các em nhỏ trên dưới 10 tuổi, vì muốn phụ giúp mẹ những đồng tiền đến lớp nên ngày nào cũng bám mẹ dầm mình dưới nước lạnh...
Cực lắm trìa ơi!
Nghề dậm trìa cũng lắm cảnh thương tâm. Do phải ngâm mình cả ngày dưới nước nên chuyện ốm đau xảy ra thường xuyên, đặc biệt là mắc bệnh ngoài da do nguồn nước ô nhiễm. Có nhiều người vì chủ quan đã dẫn đến hao tài vì “làm bạn” với bệnh viện nhiều tháng liền. Bà Th. kể câu chuyện về gia đình một người hàng xóm - chị M.: “Cuối năm 2007, trong lúc dậm trìa nó (chị M. - P.V) dẫm phải một mảnh thủy tinh, mất máu nhiều.
Chưa trị khỏi, nó đã trở lại đầm phá nên bị nhiễm trùng, chân sưng to phải nhập viện điều trị hơn 2 tháng trời. Tiền thuốc men thì khỏi nói” (chị M. tính phải mất 3-5 tháng thu nhập từ nghề dậm trìa mới đủ - P.V). Kể đến đây, bà Th. cũng giơ đôi chân đầy vết sẹo lên mặt nước làm bằng chứng cho cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Đau đớn hơn, chúng tôi còn được nghe nhiều người dậm trìa kể lại nhiều cảnh éo le khác. Vì tuổi cao, sức yếu, năm 2007 có bà Uyên, bà Thanh... đã phải bỏ xác cho Hà bá do bị lật ghe, thuyền chỗ nước sâu 5-7m! Những năm trở về trước cũng vậy, vì cuộc hành trình lo cơm áo gạo tiền đã có hàng chục người già, trẻ em phải bỏ mạng trên đoạn phá này...
Niềm vui khi dậm được trìa.
Chẳng biết có mấy ai ngang qua dặm dài phá Tam Giang, thấu hiểu cho hoàn cảnh khốn khó của những người ngày đêm “chiến đấu” với kiếp dậm trìa. Riêng với chúng tôi, dù không thể nhận được câu trả lời chính xác từ phía chính quyền địa phương (theo họ thì dậm trìa lâu nay không phải là nghề chính của người dân nên rất khó xác định được con số trên sổ sách – P.V), nhưng qua chuyến thực tế và phản ánh của người trong cuộc thì mỗi ngày có 150-200 hộ gia đình có người bám phá Tam Giang làm nghề. Và không biết đến khi nào, đời nào con cháu họ mới dứt ra khỏi cảnh lăn lộn trên sóng nước?
Hoàng hôn buông xuống, người dậm trìa chuyển những bao tải nặng trịch lên bờ bán. Trong nét mặt nhọc nhằn, chúng tôi biết rõ, họ không buồn kèo nài giá quá lâu, chỉ mong nhận nhanh những đồng tiền ít ỏi từ tay người đi đường tạt qua mua để trở về nhà. Cứ thế, ngày mai họ lại dầm mình dưới nước để tiếp tục mưu sinh...
Công Hạnh