Đơn thuốc và y đức
(Cadn.com.vn) - Trong cuộc sống, làm nghề gì cũng cao quý và có ý nghĩa, nhưng có điều đặc biệt là sự trọng vọng luôn dành cho nghề Giáo và nghề Y. Với nghề giáo, không chỉ "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy) mà thậm chí không dạy chữ nào cũng được phụ huynh gọi bằng Thầy là vì "muốn con hay chữ". Với nghề y, không chỉ đối với bệnh nhân mà cả người nhà, người thân của bệnh nhân mà bất cứ ai cũng gọi bằng Bác sĩ (BS) với sự ngưỡng mộ và tin cậy.
Tuy vậy, giữa hai nghề này cũng có chút khác biệt. Người ta có vẻ nể sợ nghề y bởi nghề này liên quan mật thiết đến sinh mệnh và thông thường, khi phải nhờ cậy đến bác sĩ là lúc con người đang đối mặt với nỗi đau. Phải chăng vì vậy mà từ xưa người ta đã gọi bệnh viện là NHÀ THƯƠNG, với hàm ý đó là lúc con người đang đối mặt với những thương tích (về thể xác, tinh thần) và rất cần được những người thầy thuốc sưởi ấm bằng tình thương?
Vừa rồi, báo chí nêu ở Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) có trường hợp được chẩn đoán bị trĩ và phì đại tiền liệt tuyến nhưng trong đơn thuốc BS lại cho thêm kháng sinh trị viêm phế quản mạn, viêm phổi, đặc biệt có cả thực phẩm chức năng để tăng cường sinh lý(?) với số tiền dội lên cả vài triệu đồng. Người ta đặt vấn đề: có hay không tỷ lệ hoa hồng trong đơn thuốc, có hay không động cơ trục lợi bệnh nhân của vị BS ấy? Đã là bệnh nhân thì hầu như ai cũng đặt niềm tin hoàn toàn vào BS, sẵn sàng vâng lời BS, sẵn sàng trả tiền công khám chữa bệnh và tỏ lòng biết ơn nữa, nhưng thật quá xót xa khi bệnh nhân phải trả cả khoản tiền vô lý như hoa hồng và sau đó phải nạp vào người một lượng thuốc không liên quan gì đến bệnh tật.
Người đời vẫn thường cho rằng nghèo khó làm nảy sinh hành động sai trái, nhưng đối với BS nhiều khả năng không thuộc trường hợp này, vậy việc đặt bút kê đơn thuốc như vậy chắc là có vấn đề về y đức rồi! Lâu nay bệnh nhân và người nhà của họ luôn có cảm giác mình quá bé nhỏ, tội nghiệp khi rón rén "gặp gỡ" BS. Đây đó vẫn thường thiếu vắng những ánh mắt trìu mến, những bàn tay ấm áp và lời động viên ân cần từ BS. Thật xót xa khi mà cách hành xử nhân ái này vốn không quá khó để thực hiện, nhưng đừng nghĩ rằng nó không có những "giá cả" phải trả...
Nói những điều này không phải vì ác cảm gì đối với ngành Y, thậm chí ngược lại, bản thân người viết và cả xã hội này trước sau vẫn luôn trọng vọng đối với người thầy thuốc. Trên thực tế, vẫn có không ít những người thầy thuốc tận tâm với nghề, yêu thương người bệnh hết lòng và luôn tuân thủ y đức. Với niềm mong mỏi hình ảnh người thầy thuốc luôn giữ được sự trong sáng, thiết tưởng thủ trưởng các đơn vị thuộc ngành Y cần thường xuyên nêu gương tốt ở đơn vị mình, đồng thời phải có phương pháp, chế tài chấn chỉnh thái độ tiếp xúc không đúng mực đối với bệnh nhân, sử dụng hộp thư tại bệnh viện là công cụ hữu hiệu thực chất để đánh giá CBNV. Trong trường hợp sai phạm đã rõ, cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc nhất để góp phần phòng ngừa các vi phạm khác và từng bước xây dựng, củng cố văn hóa ứng xử nhân văn trong các bệnh viện.
Để kết thúc bài viết này, xin được trích lời của Bí thư Thành ủy Trần Thọ tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bệnh viện Đà Nẵng vào ngày 11-9 vừa rồi: “Cả bệnh viện này, từ người đứng đầu cho đến nhân viên hộ lý phải hết sức lưu ý đến vấn đề y đức, đạo đức nghề nghiệp, lấy bệnh nhân làm đối tượng trung tâm để phục vụ cho tốt, thuận lợi nhất. Bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo khi đã vào bệnh viện thì luôn có tâm lý lo sợ mà gặp phải những nhân viên nóng nảy, phục vụ thái độ cằn nhằn, nói năng không cẩn trọng thì họ sẽ buồn và bệnh tật sẽ càng nặng hơn...”. Những lời căn dặn chân thành của đồng chí Bí thư Thành ủy, thiết nghĩ không chỉ dành riêng đối với CBNV Bệnh viện Đà Nẵng!
Hoàng Việt