Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu- những hệ lụy trước mắt
(Cadn.com.vn) - Từng được cấp phép khai thác tại 2 mỏ vàng lớn nhất nước, nhưng nay hoạt động của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đều thuộc Tập đoàn Besra Giold Inc đã đi đến hồi kết. Trong lúc Quảng Nam kiên quyết đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu thì tòa án đang tiến hành các thủ tục phá sản đối với Cty vàng Phước Sơn. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao thu được tiền thuế khi 2 Cty này vẫn nợ Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, khi 2 mỏ vàng trên đóng cửa còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như: đất đai chưa hoàn thổ, môi trường ô nhiễm nặng nề, ANTT phức tạp...
Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu chính thức đóng cửa. |
Nợ thuế hàng trăm tỷ đồng
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam có Văn bản số 156/TB-UBND thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn về việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) đối với Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (Cty vàng Bồng Miêu). Từ năm 2014, trước khó khăn của Cty vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc và ban hành nhiều văn bản hỗ trợ công ty tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Cty tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, giải quyết lao động, có nguồn thu nhập để trả nợ thuế, phí cho Nhà nước và thanh toán nợ cho các nhà cung cấp dịch vụ, vật tư, hàng hóa. Dù vậy Cty vàng Bồng Miêu vẫn thiếu thiện chí hợp tác, chậm xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ, không chấp hành dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh và nợ thuế kéo dài nên chính quyền tỉnh Quảng Nam kiên quyết đóng cửa mỏ vàng này.
Hiện nay Cty vàng Bồng Miêu còn nợ nhà nước 100 tỷ đồng tiền thuế. Ông Lương Đình Đường- Cục phó Cục Thuế Quảng Nam, cho biết: "Cục Thuế tỉnh đang thực hiện các bước cưỡng chế đối với Cty vàng Bồng Miêu. Còn nếu đóng cửa mỏ rồi thì phải dựa theo quyết định thực thi của tòa án". Đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Cty vàng Phước Sơn), theo ông Đường, khi hoạt động trở lại từ tháng 8-2016 đến nay, Cty này trả nợ được 244 tỷ đồng, hiện vẫn còn nợ hơn 90 tỷ đồng. Bên cạnh đó Cty này còn nợ tiền nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khác. TAND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian gửi giấy báo nợ của các chủ nợ đối với Cty vàng Phước Sơn đã hết. Sắp tới tòa sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ bao gồm tất cả chủ nợ của Cty vàng Phước Sơn từ đó mới có thể quyết định công ty có phá sản hay không. Mới đây, TAND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh gửi thông tin số tiền nợ thuế của Cty vàng Phước Sơn cho tòa.
Từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đẩy đuổi hàng trăm người đào đãi vàng trái phép. |
Nóng vấn đề môi trường
Việc 2 công ty vàng trên địa bàn Quảng Nam ngưng hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến mưu sinh của hàng ngàn lao động, gây thất thoát tiền thuế Nhà nước mà còn khiến tình hình ANTT, môi trường trên địa bàn H. Phước Sơn và xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh) phức tạp. Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành 2 đợt truy quét quy mô lớn, đẩy đuổi 250 người ra khỏi khu vực đào đãi vàng trái phép tại xã Tam Lãnh.
Chủ tịch xã UBND xã Tam Lãnh Nguyễn Thế Vinh cho biết, Cty vàng Bồng Miêu đóng cửa, buông lỏng quản lý khiến khu vực Thác Trắng, Đồi Sim, Suối Tre mọc lên những lán trại đãi vàng trái phép. Những đợt truy quét vừa qua, lực lượng chức năng đã tịch thu 19 máy nổ, 18 cối xay, 14 cối đập đá, 2 giàn rùng, 3 đầu máy nén khí, 41 thùng hóa chất, 32 lán trại, 18 tấn đá quặng, hàng chục ngàn mét dây điện, nước... Tổng tài sản tạm giữ khoảng 950 triệu đồng. Bên cạnh đó ông Vinh cũng bày tỏ sự lo lắng về việc công ty chưa hoàn thổ những khu vực đã khai thác.
Theo tìm hiểu của P.V những khu vực mà công ty báo cáo đã hoàn thổ thực chất chỉ là bề nổi, Cty vàng Bồng Miêu chỉ trồng một số cây sao đen trên đất. Xin được nhắc lại trong văn bản không xem xét việc cấp phép cho mỏ vàng Bồng Miêu, chính quyền Quảng Nam đề nghị Cty vàng Bồng Miêu, Tập đoàn Besra Gold Inc thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, khẩn trương thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai. Ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND H. Phú Ninh, cho biết: Huyện đã nhiều lần yêu cầu Cty làm hồ sơ thủ tục báo cáo việc hoàn thổ nhưng công ty không chịu triển khai. Công ty đã có ký quỹ môi trường với số tiền nộp vào kho bạc Nhà nước là gần 6,5 tỷ đồng, nếu đơn vị đã ký quỹ môi trường mà không chịu hoàn thổ thì thời gian tới huyện sẽ trích số tiền trong quỹ đó ra để hoàn thổ.
Đồng Dao