Đong đầy bóng quê

Thứ hai, 15/08/2016 09:26

(Cadn.com.vn) - Tập thơ “Bóng quê” của tác giả Đặng Công Xê (NXB Văn học) là quà tặng ý nghĩa mà người con xa quê dành tặng nơi chôn nhau cắt rốn, dành tặng bằng hữu. Một cuốn sách mỏng với 39 bài thơ trong 70 trang in đã ghi trọn tình nghĩa của người lữ khách dành cho quê hương xứ sở. Khi đọc những thi phẩm được viết trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến nay, điều dễ dàng nhận ra là một hồn thơ man mác nỗi buồn, đong đầy xúc cảm và cái tình thật khó mờ phai. Tôi rất ấn tượng với lời đề từ của Hoàng Diệp Lạc mở đầu tập thơ: “Ở đời điều quý nhất là nghĩa tình, với thơ thì cảm xúc thật chính là yếu tố nội hàm để những xác chữ được thổi hồn tạo nên bài thơ”. Quả đúng như vậy, với một tâm hồn sâu sắc, cảm nhận thời gian một cách chậm rãi, thơ Đặng Công Xê rót vào lòng người một cách tự nhiên:

 

Tôi lang thang dưới mưa phùn

xứ Huế

Để đi tìm xác phượng chiều đông

Cành phượng vĩ xác xơ trong gió

Hoa tàn rơi, phủ cát bụi

phong trần

                   (Hồn phượng vỹ).

Sinh ra tại Đà Nẵng nhưng Đặng Công Xê lại chọn xứ Huế để sinh sống và lập nghiệp. Vùng đất mộng mơ, trầm mặc đã nuôi dưỡng hồn thơ người thi sĩ một cách rất tự nhiên, tách ra khỏi những hư danh phù phiếm, lặng lẽ “đi tìm xác phượng” trong một buổi chiều đông, ưu tư nhìn “cát bụi phong trần”. Trong tập “Bóng quê”, những bài thơ được sáng tác ở xứ Huế chiếm phần lớn. Có thể kể đến những thi phẩm: Hồn phượng vỹ (1994), chiều ni xứ Huế (2004), nguyên tiêu núi Ngự (2009), Buồn vương lối cũ (2011)... Thơ Đặng Công Xê là chuỗi hành trình đi tìm xúc cảm, tác giả dùng thơ để bày tỏ lòng mình trong mỗi miền đất đi qua, như là cuốn nhật ký ghi khoảnh khắc của tâm hồn. Khi qua bến phà sông Gianh, người lữ khách đã thốt lên: “Than thở rồi đi rồi lại ngồi/ Khách buồn đưa mắt mãi xa khơi” (Đò đêm). Trong một đêm trăng vàng u tịch, con đò chòng chành nghe trăng vỗ sóng, lòng người xốn xang đưa tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật mà lòng không khỏi u buồn. Khi đặt chân đến một vùng đất xa lạ, đập vào mắt người lữ khách là hình ảnh rất giản dị nhưng cũng tràn đầy tình người: “Hình như thiếu vắng người quen/ Chợt nhìn di ảnh nhớ thương cụ bà” (Quán trà đá ở Hà Nội). Cái tình đã khắc sâu vào hồn thơ Đặng Công Xê  với một bức tranh thơ mộc mạc, dung dị và đầy uyển chuyển. Đôi khi chỉ là thoáng qua nhưng  đọng lại rất nhiều dư vị khó phai, đầy suy ngẫm: “Chiều ni ra bờ sông/ Chao ôi! Chừ lạnh ngắt/ Đôi tình nhân thoăn thoắt/ Đi qua bờ nhân gian” (Chiều ni xứ Huế).

Tình cảm dành cho quê hương đã tạo nên điểm nhấn cho toàn bộ tập thơ. Bài thơ Bến Hàn Giang khắc khoải trong tâm thức người con xa quê:

Chiều hè bên bến Hàn Giang

Có đôi chim trắng rẽ sang

Sơn Trà

Bến Hàn Giang bóng của ta

In trên sóng nước chiều tà chim ơi

                 (Bến Hàn Giang).

Chỉ có những điểm nhìn đầy tinh tế mới có thể sáng tạo ra một tứ thơ trọn vẹn ý nghĩa như vậy. Và “bóng quê” trong lòng người con xa xứ với ký ức “trong vắt”:

Ẩn dưới hàng tre xanh

Sông Túy Loan trong vắt

Cánh đồng Trung bát ngát

Bọc xóm làng quê hương

              (Bóng quê).

 Nhà thơ Hoàng Diệp Lạc nhận xét: “Bóng quê của tác giả Đặng Công Xê, không còn là một quê quán cụ thể nào nữa, mà chính là xứ sở anh đã đi qua, ngang qua và hoài niệm”. Thực vậy, khi đặt bút viết nên vần thơ hình ảnh quê nhà và những địa danh người lữ khách đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn thi sĩ và người đọc chắc hẳn sẽ đồng cảm với anh. Với bút pháp lấy cảnh ngụ tình, quan sát tỉ mỉ trước những chuyển động của cuộc sống, của từng mùa trôi qua trong đời người đã tạo nên những vần thơ tròn trịa, khắc khoải và đầy tính nghệ thuật. Khép lại tập thơ, lòng tôi thổn thức với từng con chữ, trong những vần thơ mà tác giả viết. Và tôi tin độc giả cũng sẽ có cảm nhận giống như tôi khi đọc tập thơ này.

Phan Nam