"Đồng đội ơi, xin nhận tấm chân tình!"
Ngày 22-4, tại TP Hải Phòng, trong không khí ấm áp, chân thành và đầy xúc động, Công an TP Đà Nẵng và Công an TP Hải Phòng đã tổ chức buổi gặp mặt đầy nghĩa tình với các cán bộ nguyên là lực lượng an ninh Hải Phòng, Thái Bình từng chi viện cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Buổi gặp mặt không chỉ là dịp để tri ân những đóng góp to lớn của thế hệ cán bộ Công an đi trước, mà còn là khoảnh khắc quý giá để cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng, nơi những người lính an ninh từ đất Cảng, quê Lúa đã không quản hiểm nguy, vượt Trường Sơn vào Nam, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Thượng tá Nguyễn Đại Đồng - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng và đại diện Ban liên lạc An ninh Quảng Đà bày tỏ sự trân trọng và xúc động khi được gặp lại các thế hệ từng vào sinh ra tử nơi đất Quảng năm xưa. Trong lời phát biểu lắng đọng, Thượng tá Nguyễn Đại Đồng nhấn mạnh: "Những người lính an ninh năm ấy đã để lại trong lòng đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng hình ảnh không thể nào quên: gan dạ, trung kiên, luôn sát cánh cùng đồng đội miền Nam và nhân dân đất Quảng, vượt qua mưa bom, bão đạn, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Họ là những anh hùng. Nhiều người trong số đó đã anh dũng hy sinh, máu của họ hòa cùng đất mẹ cho ngày toàn thắng của dân tộc".
Từ năm 1962, theo chỉ đạo của Bộ Công an, nhiều cán bộ, chiến sĩ an ninh ưu tú miền Bắc đã được lựa chọn để chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có Quảng Nam - Đà Nẵng. Nơi đây, lực lượng chi viện nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt, sát cánh cùng an ninh địa phương xây dựng phong trào, chiến đấu kiên cường, góp phần làm nên truyền thống trung dũng, kiên cường của đất Quảng. Trong cuộc chiến cam go ấy, đã có 21 cán bộ chiến sĩ chi viện hy sinh anh dũng trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó có 6 đồng chí quê ở Hải Phòng, 1 đồng chí ở Thái Bình. Mỗi cái tên, mỗi cuộc đời là một bản anh hùng ca bất tử, khắc ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Những hy sinh ấy không chỉ là mất mát của gia đình, của ngành Công an, mà là mất mát của cả dân tộc nhưng cũng là biểu tượng bất tử của lòng trung kiên.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những mái đầu nay đã bạc, những bước chân đã chậm lại, nhưng trong tim họ vẫn rực cháy ngọn lửa cách mạng, lòng trung thành sắt son với Đảng, với nhân dân. Họ là những nhân chứng sống, là cột mốc không phai của một thời oanh liệt.
Thượng tá Nguyễn Đại Đồng bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi được thay mặt lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng gửi lời tri ân sâu sắc tới các đồng chí lão thành, những người đã gác lại tuổi trẻ, dấn thân vào miền Trung khói lửa và đặc biệt là gửi lời chia sẻ, biết ơn sâu đậm đến thân nhân các liệt sĩ - những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất Quảng, vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
"Xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của các cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Những mất mát, hy sinh ấy là giá trị vô giá, là động lực để các thế hệ hôm nay tiếp bước, phát huy truyền thống, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, bình yên", Thượng tá Nguyễn Đại Đồng bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được thay mặt lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng gửi lời tri ân đến thế hệ đi trước.
Chia sẻ trong buổi gặp mặt, Đại tá Phạm Viết Dũng - Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng xúc động, hơn 300 cán bộ an ninh ưu tú của Hải Phòng đã tình nguyện lên đường chi viện đúng lúc, kịp thời cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, góp phần quyết định vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. "Dù chiến trường khốc liệt, hiểm nguy rình rập, các đồng chí vẫn không nao núng, vẫn một lòng hướng về miền Nam ruột thịt. Chiến thắng là sự đền đáp xứng đáng cho tinh thần quả cảm, cho những hy sinh không tiếc tuổi xuân của hàng trăm chiến sĩ an ninh năm ấy. Hôm nay, trong thời bình, các đồng chí vẫn là tấm gương sáng về lòng trung kiên, tận tụy vì nhân dân phục vụ".
Tại buổi gặp mặt, Đại tá Lê Văn Bảy - Phó Ban liên lạc An ninh Quảng Đà không giấu được xúc động khi đọc bài thơ "Thăm chiến trường xưa" do chính ông chắp bút. Bài thơ như một lời tri ân lặng thầm nhưng tha thiết, gửi đến những người đồng đội ở miền đất Bắc thân yêu, dẫu người còn, người đã vĩnh viễn nằm lại giữa rừng sâu núi thẳm: "Chúng tôi về thăm lại chiến trường xưa/Ký ức của một thời hoa lửa/Đồng đội chúng tôi giờ đây không còn nữa/Máu xương hòa quyện đất anh hùng… Thế hệ chúng mình vì nặng nợ nước non/Nên cuộc chiến đi qua, kẻ còn người mất/Mấy nén hương gầy cắm sâu vào lòng đất/Đồng đội ơi, xin nhận tấm chân tình!"…
Từng câu thơ thấm đẫm nỗi niềm của người lính già đã từng sống, chiến đấu và chứng kiến bao sự mất mát, hy sinh giữa chiến trường Quảng Đà khốc liệt năm xưa. Đó không chỉ là một bài thơ, mà là tiếng lòng bật lên sau bao năm xa cách của một người lính vượt gần 1.000 cây số để ra thăm lại những người đồng đội năm xưa. Đó cũng là tiếng nói từ trái tim của một người lính như một sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại. Và tình đồng đội, nghĩa tình người lính chi viện năm xưa cho chiến trường Quảng Đà dẫu năm tháng có trôi, vẫn không bao giờ phai nhạt.
Khép lại buổi gặp mặt, những ánh mắt rưng rưng, những cái bắt tay siết chặt… tất cả như gói trọn một chặng đường lịch sử. Và hơn hết, đó là ngọn lửa truyền thống cách mạng, là tình đồng đội sắt son, tiếp tục cháy mãi trong trái tim những người chiến sĩ Công an hôm nay, trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc giữa thời bình.
MAI VINH