Đồng hành cùng nạn nhân da cam
(Cadn.com.vn) - Ngày 2-8, UBND H. Hòa Vang (Đà Nẵng), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện tổ chức kỷ niệm 55 năm Thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2016) và Chương trình "Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam" đồng thời tôn vinh các cơ quan, đơn vị, những tổ chức xã hội đã có tấm lòng hảo tâm, nghĩa cử cao đẹp, đồng hành cùng nạn nhân da cam (NNDC) và biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc, giúp đỡ NNDC trong những năm qua...
Đoàn viên thanh niên cùng các nạn nhân da cam tham gia chương trình đi bộ |
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, những vết thương do bom đạn, chất độc da cam (CĐDC) gây ra không chỉ đã và đang hủy hoại môi trường sống mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người. Biết bao gia đình các chiến sĩ đã cống hiến tuổi xanh cho đất nước, giờ hòa bình lại phải nuốt lệ chăm sóc những người con bị dị tật; biết bao em nhỏ không được đến trường như các bạn đồng lứa khác mà phải nằm liệt hay ngồi xe lăn... bởi di chứng CĐDC. Vết thương nào rồi cũng lành theo năm tháng nhưng, nỗi đau da cam lại tỷ lệ thuận với thời gian. Hòa Vang hiện có gần 900 NNDC đang mang trên mình những căn bệnh quái ác và nan y vô phương cứu chữa. Không chỉ có thế mà CĐDC còn di truyền đến các thế hệ con và cháu, làm cho biết bao người con, cháu của các cựu chiến binh vừa sinh ra đã bị dị dạng, dị tật, khiến các gia đình có NNDC gặp rất nhiều khó khăn. Khuôn mặt hốc hác, bà Trần Thị Trí (trú Cẩm Nê, xã Hòa Tiến) kể, 15 năm qua bà cùng chồng là một cựu binh từ chiến trường biên giới Tây Nam trở về phải nuôi dưỡng 3 đứa con bị phơi nhiễm CĐDC. Bao đêm ngồi thức trắng chăm sóc con đau ốm, nay thêm người chồng bị tai biến nói không thành lời, trái tim của bà như có ai cào xé... Còn anh Trần Văn Hòe (trú Hương Lam, xã Hòa Khương) sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở chiến trường K, anh về quê lập gia đình. Những tưởng cuộc sống yên bình sẽ mở ra trước mắt nhưng anh sinh 2 đứa con đều bị nhiễm CĐDC nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải có người túc trực. Tài sản trong nhà cứ thế lần lượt ra đi. Đôi mắt anh Hòe đỏ hoe: "Chấp nhận thực tế, vợ chồng tôi phải vượt nỗi đau, cố gắng nuôi dạy con với mong muốn các con nhận thức được rằng, lỗi này không phải do cha mẹ gây ra mà là hậu quả của chiến tranh để lại"...
Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng thăm NNDC đang được chăm sóc tại cơ sở 3 xã Hòa Nhơn. |
Trong tổng số gia đình có nạn nhân phơi nhiễm và nghi nhiễm CĐDC hiện nay, Hòa Vang có hơn 50% gia đình thuộc diện khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu từ trợ cấp xã hội. Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, huyện còn triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hội NNCĐDC huyện tổ chức vận động và quyên góp được hơn 2,8 tỷ đồng (giai đoạn 2009-2015) giúp cho 6.015 lượt đối tượng sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sinh kế cải thiện đời sống và trợ cấp, trợ dưỡng thường xuyên. Ngoài ra, thông qua các cấp Hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: dạy nghề, tạo việc làm cho những đối tượng có khả năng lao động... Có thể khẳng định, chính tình thương và trách nhiệm với người nghèo nói chung và NNDC nói riêng, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã có tấm lòng thiện nguyện tự tìm đến với nhiều mảnh đời bất hạnh để giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Nếu xã Hòa Nhơn có cách làm hay là phát động phong trào "Nuôi heo đất" đến từng khu dân cư và hộ gia đình, thì ở xã Hòa Phong lại đặt những "Con heo Từ Tâm" ở các địa điểm đông người qua lại, tích cực vận động các Mạnh Thường Quân là con em địa phương có điều kiện ủng hộ, thăm và tặng quà NNDC. Còn các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh có cách làm mới là tham mưu cho Đảng ủy, UBND tổ chức họp bàn và giao chỉ tiêu cho các hội, đoàn thể của xã, thôn, mỗi đơn vị nhận trợ dưỡng 1 đến 5 gia đình nạn nhân với mức hỗ trợ từ 100 đến 300 ngàn đồng/tháng. Cũng xuất phát từ tình thương và trách nhiệm mà cuộc vận động "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn liền một địa chỉ nhân đạo" đã thật sự lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và doanh nghiệp; đến nay, Hội NNCĐDC và Hội CTĐ huyện đã vận động, trợ dưỡng thường xuyên 650 trường hợp với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng.
Trẻ phơi nhiễm CĐDC H. Hòa Vang tham gia sinh hoạt cộng đồng. |
Theo Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang Bùi Nam Dũng, chương trình "Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam" là một nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp, những tình cảm quý báu của cộng đồng đã có những hoạt động thiết thực đối với các gia đình NNDC. Dù các cấp Hội trên địa bàn huyện đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với số lượng nạn nhân bị phơi nhiễm. Bởi thế, hơn ai hết họ rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của toàn xã hội. Những tấm lòng nhân ái đó dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng cũng mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, tiếp thêm nguồn sức mạnh để những nạn nhân trong "cuộc chiến da cam" vững bước vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
Vy Hậu