Động lực mới cho Đà Nẵng 15 năm tới

Thứ ba, 20/03/2018 10:39

Động lực mới nào để Đà Nẵng phát triển, bức tranh của Đà Nẵng 15 năm tới ra sao, những việc gì cần làm từ hôm nay? Một loạt vấn đề lớn này đã được các chuyên gia, nhà quản lý hàng đầu Việt Nam nêu ra tại hội thảo định hướng phát triển Đà Nẵng đến năm 2035 được tổ chức vào  sáng 19-3.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mong các chuyên gia hỗ trợ để Đà Nẵng sớm trở thành điểm du lịch tầm cỡ thế giới.

Đà Nẵng đang có gì?

Quy mô kinh tế Đà Nẵng hiện đứng thứ 4 ở miền Trung, trong đó khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm hơn 60% cơ cấu GRDP, thu hút hơn 64% số lao động TP. Trong dịch vụ, thì du lịch có tỷ trọng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng năng suất lao động thấp hơn hoặc bằng mức bình quân của nền kinh tế, vì thế chưa tạo được sự lan tỏa cho các khu vực kinh tế khác với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn. Về công nghiệp (đóng góp hơn 37% trong GRDP, thu hút 29% lao động) hiện đang phát triển chậm hơn các địa phương khác. Phần lớn ngành công nghiệp của Đà Nẵng có trình độ công nghệ thấp và trung bình thấp, khả năng tạo giá trị gia tăng không cao.

TS Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho biết, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế của Đà Nẵng còn nhiều hạn chế cản trở mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Cụ thể du lịch chưa có nhiều sản phẩm đặc thù, công nghệ của các doanh nghiệp chỉ ở mức trung bình, thiếu các doanh nghiệp “đầu đàn”. Trong quy hoạch và phát triển đô thị, ông Lịch chỉ ra các điểm nghẽn, ngăn cản sự bứt phá, cho dù môi trường đầu tư của Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất cả nước. Đó là thiếu sự tích hợp các loại quy hoạch với quy hoạch sử dụng đất. Không gian kiến trúc Đà Nẵng như sự cộng lại các công trình kiến trúc, dự án riêng lẻ hơn là tính tổng thể hài hòa mang một triết lý phát triển riêng biệt của một đô thị mới nổi, năng động. Việc quản lý và sử dụng đất đô thị đang phát sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng “thành phố môi trường”. Nhiều khu đất tại các vị trí đắc địa mặc dù đã có chủ đầu tư nhưng vẫn để trống, gây mất mỹ quan, giảm hiệu quả sử dụng đất. Quỹ đất dành cho không gian xanh, tiện ích công cộng thiếu trầm trọng. Đất dành cho giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa... chưa xứng tầm vóc thành phố lớn. Đặc biệt vấn nạn nhà ống, xe máy đã diễn ra ở Hà Nội, TPHCM dẫn tới bao hệ lụy đang có nguy cơ lặp lại ở đô thị Đà Nẵng. Hiện giao thông ở trung tâm Đà Nẵng phần lớn đồng mức, giao thoa đơn giản, đang chịu sức ép rất lớn trước việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân,  trong khi giao thông công cộng, hệ thống metro và đường cao tốc trên cao chưa phát triển được.

TS Trần Du Lịch cho rằng Đà Nẵng đang phải đối mặt nhiều áp lực đô thị.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nói, Đà Nẵng là TP có bản sắc tốt nhưng năng lực hội nhập và lan tỏa chưa cao. Nếu định vị Đà Nẵng là trung tâm có vai trò dẫn dắt cả khu vực miền Trung thì sân bay Đà Nẵng phải quy mô hiện đại hơn nhiều, cảng Đà Nẵng phải là trung tâm logictics của cả châu lục, thậm chí các điều kiện nguồn lực cũng phải bền vững. Chẳng hạn khách sạn xây nhiều sát bờ biển hay thiếu nước ngọt do nhu cầu khách sạn quá lớn, như vậy có bền vững không? Đà Nẵng là trung tâm khách du lịch đến đông thì yêu cầu chất lượng phải đáp ứng được, chứ không chỉ chạy theo số lượng. Cũng theo TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ý tưởng này phải được định hình rõ, nên khởi động đổi mới từ chính các trường đại học trong TP, như vậy mới bắt kịp công nghiệp 4.0.

Dưới góc độ quy hoạch đô thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, Đà Nẵng không thể phát triển nhanh nếu các đô thị xung quanh không phát triển, vì thế cần định hình đô thị Đà Nẵng là hạt nhân của chuỗi đô thị miền Trung. Trên cơ sở đó, ông Sơn cho rằng việc trước tiên của quy hoạch phát triển TP trong thời gian tới là phải bảo tồn được giá trị đặc trưng của đô thị Đà Nẵng là biển-sông-núi. Các vấn đề kẹt xe, ô nhiễm môi trường, hay xây dựng TP thông minh, Đà Nẵng làm bây giờ vẫn kịp chứ không phải đã muộn. Ông Sơn cũng cho rằng, Đà Nẵng muốn trở thành đô thị toàn cầu, kết nối quốc gia, quốc tế thì trước hết phải là trung tâm logistics về hàng hải và hàng không. Đà Nẵng cần làm đường vành đai quanh sân bay Đà Nẵng sau đó phát triển các khu trung tâm logictics, dịch vụ thương mại hàng không bao quanh. Trên thực tế, xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao hiện nay chủ yếu qua đường hàng không.

Với lợi thế hạ tầng phát triển, Đà Nẵng (ảnh)  muốn nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch tầm cỡ thế giới.

Tìm động lực mới

Một số ý kiến cho rằng tăng trưởng của Đà Nẵng càng về sau càng đuối vì các lợi thế đất đai, cơ chế đã khai thác hết. Vấn đề hiện nay là phải tìm ra động lực mới để phát triển. Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: Động lực mới là gì thì phải phân tích thấu đáo tăng trưởng những năm qua của Đà Nẵng dựa vào cái gì? Hiện cái đó còn phù hợp không? Chẳng hạn Đà Nẵng đã khai thác tốt quỹ đất đô thị để phát triển, bây giờ đất đô thị không còn nhiều thì phải tính khác. Từng mét vuông đất một không thể phân lô bán nền như trước mà cần tính mét vuông đất đó sẽ đem lại giá trị gì, tạo ra bao nhiêu việc làm, giá trị đóng góp kinh tế gì? Singapore người ta tính động lực tạo ra từng mét vuông đất, nó được quy hoạch làm gì, tạo giá trị gì, có tác động gì tới xung quanh không... Ông Vinh cho biết, Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm du lịch biển, có thể phát triển công nghiệp chất lượng cao, đó là 2 vấn đề cần chú trọng.

TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ thì cho rằng, điều trước tiên Đà Nẵng muốn tìm ra động lực mới thì phải tận dụng được di sản đã tạo dựng 20 năm qua đó là TP đáng sống, thu hút du lịch tầm khu vực và thế giới, hạ tầng tốt so với cả nước. Ông Ngoạn cho rằng, thể chế sẽ mang tính quyết định tạo động lực tăng trưởng. Nhiều quốc gia, địa phương điều kiện tự nhiên không tốt nhưng thể chế tốt vẫn phát triển mạnh. Đà Nẵng cần xin thể chế để xây dựng thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Vì không gian Đà Nẵng hẹp, nên nếu liên kết để xin thể chế mới, theo ông Ngoạn sẽ dễ chấp nhận hơn.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói rằng, tư duy, mô hình phát triển kinh tế, dịch vụ thay đổi như vũ bão. Năm 2000 ai nghĩ Đà Nẵng phát triển du lịch, mà chỉ nghĩ công nghiệp. Lúc đó TP bỏ hơn 1.000 tỷ đồng làm hạ tầng, ồ ạt thu hút đầu tư, đưa hết DN vào KCN. Giờ nhìn lại, muốn sửa cũng khó. Các DN giấy, thép giải quyết rất vất vả, đụng đến DN nào cũng còn thời hạn 40-50 năm. Từ thực tế đó, ông Thơ mong các chuyên gia hiến kế, đồn tâm sức để có một bản quy hoạch như bản chỉ dẫn phát triển, để đi đúng hướng, không phải sửa sai. “Lâu nay cứ nói Đà Nẵng phát triển dựa vào đất đai, giờ không còn nữa, phải nghĩ cái khác, nói vậy thì đúng rồi, nhưng chưa đủ. Cái lớn hơn câu chuyện bán đất thu ngân sách chính là việc mở rộng không gian đô thị, đặt nền móng để bây giờ có điều kiện phát triển. Đơn cử những vệt đường ven biển mở ra, giờ hàng loạt nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch mọc lên, mỗi ngày cấp mấy giấy phép, du lịch Đà Nẵng 2 tháng nay đã tăng 67%, phải nghĩ về cái đó”- Ông Thơ chia sẻ.

Ông Thơ đề nghị các chuyên gia giúp TP định hướng một số vấn đề lớn để phát triển Đà Nẵng, đó là làm sao để nhanh chóng trở thành một điểm đến du lịch tầm cỡ thế giới. Làm sao để Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực. Phải làm từ đâu, đi như thế nào? Ngành công nghệ thông tin của Đà Nẵng còn đang sơ khởi, TP có tham vọng trở thành trung tâm CNTT giống Ấn Độ, nhờ các chuyên gia bày từng bước đi, chính sách gì kêu gọi đầu tư, cạnh tranh thế nào? Và điều cần nhất ông Thơ đặt hàng các chuyên gia là giúp Đà Nẵng quy hoạch đô thị bài bản, khoa học. Đường sá Đà Nẵng giờ đang thoáng, nhưng nguy cơ trở thành Hà Nội thứ 2 sẽ xảy ra. “Làm sao có bản quy hoạch đô thị khoa học, dài hơi, chứ không phải như quy hoạch sân bay vừa xây xong đã quá tải, quy hoạch hệ thống nước thải đô thị chưa kịp triển khai nước đã tràn ra bãi biển”- ông Thơ nói.

Đà Nẵng đang đi đúng định hướng đã chọn lựa, vấn đề làm sao để tới đích nhanh hơn, không đi chệch hướng, không đứt gánh giữa đường, đó là điều TP mong muốn các chuyên gia hỗ trợ để có tầm nhìn trong 15 năm tới.

HẢI QUỲNH