Động thái của Mỹ khi hơn 50 nước đề nghị đàm phán giảm thuế

Thứ ba, 08/04/2025 09:28

Hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại, sau khi chính quyền nước này công bố loạt thuế quan đối ứng gây tranh cãi ở trong nước và trên toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã khẳng định, sẽ không có sự trì hoãn nào và các biện pháp thuế quan "chắc chắn sẽ được áp dụng".

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 10% chỉ trong 2 ngày kể từ khi ông Trump công bố chính sách thuế mới. Ảnh: Getty Images
Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 10% chỉ trong 2 ngày kể từ khi ông Trump công bố chính sách thuế mới. Ảnh: Getty Images

Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế ít nhất là 10% đối với tất cả các quốc gia và mức thuế thậm chí còn cao hơn đối với 60 quốc gia được coi là "những nước vi phạm tồi tệ nhất". Mức thuế chung 10% có hiệu lực vào 5-4 trong khi các mức thuế tùy chỉnh có hiệu lực vào 9-4. Trung Quốc lập tức đáp trả bằng mức thuế 34% và nhiều quốc gia khác cảnh báo sẽ có hành động tương tự. Các diễn biến này dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Xuất hiện trên các chương trình thời sự ngày 6-4, các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump đã nỗ lực mô tả các mức thuế là một nước cờ chiến lược nhằm tái định vị Mỹ trong trật tự thương mại toàn cầu, đồng thời cho rằng các xáo trộn hiện tại chỉ là "tạm thời". Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 10% chỉ trong 2 ngày kể từ khi ông Trump công bố chính sách thuế mới, một mức giảm mà các nhà phân tích và giới đầu tư đổ lỗi cho bước đi "quá cứng rắn" của ông Trump. Họ cảnh báo việc tăng thuế ồ ạt sẽ làm tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng kinh tế, điều mà ngay cả Chủ tịch Fed cũng từng cảnh báo. Các thị trường đang choáng váng vì cú sốc thuế quan được dự báo sẽ tiếp tục rung lắc trong tuần tới, khi giới đầu tư vẫn chưa hết lo lắng sau tuần tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 hồi 5 năm trước.

"Sẽ không có sự trì hoãn nào"

Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình This Week của Đài ABC News ngày 6-4, ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, cho biết chính sách thuế quan của ông Trump đã khiến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ chủ động liên hệ với Nhà Trắng để khởi động các cuộc đàm phán thương mại.

Mặc dù trước đây Tổng thống đã tạm dừng thuế quan để đàm phán trong các tình huống khác nhưng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã nói rõ rằng chính quyền ông Trump vẫn có kế hoạch thực hiện mức thuế quan sẽ có hiệu lực vào 9-4. "Sẽ không có sự trì hoãn nào. Chúng chắc chắn sẽ được áp dụng trong nhiều ngày và nhiều tuần. Điều đó khá rõ ràng. Tổng thống cần thiết lập lại thương mại toàn cầu", ông Lutnick nói. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ: "Tổng thống đã thông báo điều đó và ông ấy không đùa về các biện pháp thuế quan sẽ được áp dụng".

Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins hôm 6-4 vẫn chưa thể xác định rõ liệu các mức thuế quan mới có được duy trì lâu dài hay vẫn còn chỗ cho các thỏa thuận thương mại. Phát biểu trên chương trình State of the Union của CNN, bà Rollins cho biết: "Tổng thống là một doanh nhân, một người luôn được biết đến với khả năng đàm phán thượng thừa... Tuy nhiên, ông ấy cũng rất kiên định, táo bạo, không ngần ngại và không bỏ cuộc trong việc đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu thông qua chính sách thuế quan". Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng khẳng định trên NBC rằng Tổng thống Trump "đã tạo ra lợi thế đàm phán tối đa cho chính mình", đồng thời lưu ý rằng "đây không phải là vấn đề có thể giải quyết chỉ trong vài ngày hay vài tuần".

Ông Elon Musk, một trong những cố vấn có ảnh hưởng nhất của ông Trump, đồng thời là người đứng đầu Ban Hiệu suất Chính phủ cho biết hôm 5-4 rằng ông hy vọng Mỹ và châu Âu có thể đạt được một "tình huống không thuế quan" - dấu hiệu cho thấy vẫn còn cơ hội cho đàm phán thương mại. "Cuối cùng, tôi hy vọng hai bên sẽ đồng thuận rằng cả châu Âu và Mỹ nên hướng tới việc dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan, trên thực tế là thiết lập một khu vực thương mại tự do giữa châu Âu và Bắc Mỹ", ông Musk phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini.

Giữ niềm tin vào chính sách thuế quan

Ngày 6-4, các quan chức trong chính quyền ông Trump đã liên tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình trạng biến động kinh tế. Trong cuộc phỏng vấn trên ABC News, ông Hassett cho rằng người tiêu dùng có thể sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn về vấn đề giá cả vì các nhà xuất khẩu có khả năng sẽ điều chỉnh giá bán xuống. Ông Hassett đã phủ nhận cáo buộc cho rằng việc áp thuế là chiến lược của ông Trump nhằm làm thị trường tài chính sụp đổ, gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Ông khẳng định sẽ không có việc chính quyền "ép buộc chính trị" đối với Fed. Trước đó hai ngày, ông Trump đã đăng trên nền tảng Truth Social một video gây tranh cãi, trong đó ám chỉ rằng chính sách thuế nhằm mục đích làm sụt giảm thị trường chứng khoán để buộc Fed giảm lãi suất.

Trong khi đó, ông Bessent cũng nói với NBC News rằng ông không thấy có nguy cơ suy thoái kinh tế nào từ chính sách thuế quan của chính quyền hiện nay, khi cho biết số liệu về việc làm tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến. "Chúng ta có thể thấy rõ từ con số việc làm công bố hôm thứ sáu (ngày 5-4) - cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng - rằng chúng ta đang tiến triển. Vì vậy, tôi không thấy lý do gì để phải tính đến nguy cơ suy thoái", ông Bessent khẳng định.

Theo CNN, cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ "ngồi yên" và "đừng hoảng sợ". "Chiến lược thông minh là đừng hoảng loạn, hãy cứ giữ nguyên trạng thái. Chúng ta sắp chứng kiến cú bùng nổ lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường chứng khoán dưới các chính sách của ông Trump. Mọi người chỉ cần bình tĩnh và để thị trường tự điều chỉnh. Đừng bị lung lay bởi sự hoảng loạn do truyền thông tạo ra. Cuộc sống sẽ trở nên tuyệt vời dưới thời Tổng thống Donald Trump".

Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins không đồng tình với cách gọi tình trạng hiện tại là "sụp đổ thị trường" và cho rằng đó chỉ là "một sự điều chỉnh". Bà Rollins tin rằng nền kinh tế và thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh và sẽ sớm chuyển biến tích cực. Bà Rollins cũng cho biết, chính quyền có thể hỗ trợ nông dân chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan, tương tự như gói cứu trợ đã từng được triển khai trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

AN BÌNH

Ông Trump lên tiếng sau khi Trung Quốc áp thuế trả đũa

Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ áp dụng mức thuế quan bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa của Mỹ kể từ ngày 10-4. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc đã đi “nước cờ sai“ khi áp thuế trả đũa Washington.

Tổng thống Mỹ cân nhắc đàm phán sau cú sốc thuế quan

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng đàm phán về các mức thuế đối ứng đã công bố, sau khi thị trường chứng khoán Phố Wall trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2020.

Nguy cơ suy thoái toàn cầu từ đòn thuế mới của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 3-4 (giờ Việt Nam) đã công bố quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Washington kỳ vọng đây sẽ là công cụ tạo nguồn thu cho việc cắt giảm thuế thu nhập và thúc đẩy sản xuất trong nước.