Đồng ý chủ trương xây dựng đường ống vận chuyển bô-xít từ Lào sang Việt Nam
* Tổng trữ lượng bô-xít tại Nam Lào được ước tính vào khoảng hơn 2 tỷ tấn
(Cadn.com.vn) - Sáng 25-9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh chủ trì cuộc họp nghe Tổng Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và đối tác là Cty Khoáng sản Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (LSM) báo cáo đề xuất đầu tư tuyến đường ống vận chuyển quặng bô-xít từ nước Lào qua Việt Nam, xuất khẩu qua cảng Kỳ Hà.
Theo báo cáo của Vinaconex, vị trí mỏ nằm ở khu vực cao nguyên Sê-kông và Attapư có độ cao khoảng 1.150 m có trữ lượng khoảng 300 triệu tấn quặng bô-xít hướng mở rộng về phía Tây của Việt Nam. Đây là nguồn quặng giàu hàm lượng nhôm (khoảng 47%). Khu vực khai thác quặng lớn và bề mặt bóc quặng mỏng so với cao độ hiện trạng.
Dự án đường ống truyền tải quặng bô-xít được thiết kế trên nguyên tắc theo tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp sản xuất ống dẫn, sử dụng công nghệ thiết bị đáng tin cậy và tiên tiến nhất hiện nay, mức độ tự động hóa cao, hệ thống điều khiển hoàn toàn bằng máy vi tính để quản lý, vận hành và giám sát toàn bộ hệ thống đường ống. Chiều dài tuyến ống khoảng từ 185-240 km. Công suất truyền tải 7-10 triệu tấn/năm.
Chi phí đầu tư sơ bộ dự kiến của hệ thống đường ống dẫn không bao gồm các loại thuế hải quan, chi phí giải phóng mặt bằng, các chi phí điện bên ngoài và chi phí cung cấp nước khoảng 250 triệu USD (phụ thuộc vào phương án lựa chọn tuyến ống truyền tải). Các chi phí vận hành tuyến ống dự kiến khoảng 5 triệu USD/năm. Dự toán chi phí đầu tư và chi phí vận hành cho dự án này sẽ được lập trên cơ sở phương án lựa chọn tuyến ống truyền tải. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 11-2013. Tổng trữ lượng bô-xít tại Nam Lào được ước tính vào khoảng hơn 2 tỷ tấn.
Nhà đầu tư cũng khẳng định rằng tất cả quá trình chuẩn bị, truyền tải và khử nước của bùn bô-xít hoàn toàn là các quá trình vật lý chứ không phải hóa học. Vì vậy đường ống sẽ không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới môi trường cho các khu vực dọc theo ống tuyến. Tất cả đất nông nghiệp thu phục vụ cho dự án đều có thể được tái sử dụng sau khi tuyến ống được lắp đặt xong.
Kết luận tại cuộc họp, ông Lê Phước Thanh thống nhất chủ trương cho phép nhà đầu tư tiến hành khảo sát dự án đầu tư tuyến ống, nghiên cứu hướng tuyến đặt đường ống để hạn chế tối đa việc phá hủy rừng nguyên sinh, đảm bảo các yếu tố về giữ gìn môi trường sinh thái; đồng thời yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan cung cấp những thông tin hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện khảo sát. Việc thực hiện dự án trong tương lai sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển cảng Kỳ Hà.
Đánh giá chung tại cuộc họp cũng cho rằng, Dự án tuyến ống là một dự án nhằm đưa tài nguyên bô-xít khổng lồ chưa được khai thác tại Lào đến với thị trường, biến khu vực này thành một nguồn cung cấp quặng bô-xít và về lâu dài và một cơ sở sản xuất nhôm tiềm năng, do đó mang lại lợi ích kinh tế và xã hội ổn định và quan trọng cho các nhà đầu tư và tất cả các bên liên quan cả tại Lào và Việt Nam.
* Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh tiếp xã giao ông Phommaseng Khamsene, Tổng Lãnh sự Lào tại TP Đà Nẵng và Đoàn công tác nhân dịp Tổng Lãnh sự mới nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Đông Phương