Đột phá chiến lược để vực dậy nền kinh tế
(Cadn.com.vn) - Sáng 27-9, Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại TP Huế đã khép lại sau 2 ngày tranh luận sôi nổi. Các đại biểu đã đánh giá những cái được và chưa được trong nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020 được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (2011).
Khó, nhưng có nhiều điểm sáng
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những ý kiến, tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế rất đa chiều. Đa số đều nêu được những đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến chỉ nêu mảng tối của bức tranh kinh tế mà chưa nhìn nhận xác đáng những điểm sáng. Đầu tư công có lúc, có nơi có biểu hiện của sự tham nhũng nhưng không phải là không có kết quả, như việc đầu tư nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhà máy Samsung, các tuyến đường trên cả nước...
Việt Nam đang có khó khăn thực sự, nhưng không phải là không phát triển, không phải không làm gì trong 9 tháng qua hay những năm vừa qua. Việt Nam đang phát triển, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, xuất siêu đạt 176.000 triệu USD, nhập siêu giảm đáng kể, lãi suất ổn định, an sinh và phúc lợi xã hội đảm bảo, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. “Dù chưa đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân, song đến thời điểm này, chúng ta đã cơ bản kiềm chế được lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô” - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Theo PGS.TS Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2001-2010, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng...
Do vậy, Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020 với 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân gắn kết chặt chẽ phát triển và ứng dụng KHCN; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
PGS.TS Lê Xuân Bá đã chỉ ra những kết quả đạt được sau gần 3 năm từ khi thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đó là kinh tế vĩ mô từng bước ổn định; An sinh xã hội được bảo đảm, tạo việc làm mới cho 1,5 - 1,6 triệu lao động hằng năm; Tốc độ tăng trưởng GDP giảm từ 6,24% năm 2011 xuống 5,25% năm 2012 nhưng dự kiến đến năm 2013 tăng 5,3 - 5,5%; các năm 2014 - 2015 tiếp tục tăng cao hơn...
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các đại biểu bên lề diễn đàn. |
Phải đột phá để vực dậy nền kinh tế
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc thực hiện 3 đột phá chiến lược vẫn còn những tồn tại như: tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; Kinh tế phát triển chưa bền vững, còn gặp nhiều khó khăn như DN khó tiếp cận nguồn vốn, thị trường BĐS đình trệ, nợ xấu xử lý chậm, khả năng kéo dài; tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn tại các DN nhà nước chậm. Về tái cơ cấu đầu tư công, do trước đây phê duyệt nhiều DA quá khả năng cân đối vốn nên hiện nay vẫn chưa xử lý xong...
Nhằm thúc đẩy việc thực hiện các đột phá chiến lược, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đã đưa ra một số giải pháp như: tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến thể chế kinh tế, tập trung nghiên cứu và trình QH thông qua sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi) và một số luật quan trọng liên quan trực tiếp đến tái cơ cấu kinh tế như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật DN (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SXKD; Luật Xây dựng (sửa đổi)...
Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều chỉnh giá các loại hàng hóa quan trọng như điện, xăng dầu, than. Ngoài ra, tiếp tục chuyển mạnh sang mô hình phát triển GD-ĐT dựa vào chất lượng. Cần tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên; đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; đầu tư và phát huy hiệu quả các khu công nghệ cao, vườn ươm công nghệ...
Có cơ chế, chính sách thu hút các DA đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Tăng cường quản lý bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ban hành các chính sách thuế phù hợp để khuyến khích các DN đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực...
Đối với đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung và hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn thì cần tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành dứt điểm các công trình, DA dở dang. Không khởi công mới các công trình, DA chưa thực sự cấp bách. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm điện lực, các DA chống ngập các đô thị lớn, các công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hạ tầng viễn thông...
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chúng ta cần phải xác định rõ nguyên nhân, những hạn chế và cả sự yếu kém gây cản trở sự phát triển KT-XH để đề xuất những mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và chiến lược cho nền kinh tế thời gian tới...
Hải Lan