Dự án động lực mất… lực

Thứ năm, 11/03/2021 08:24

Trong số 51 dự án động lực đầu tư bằng ngân sách giai đoạn 2016-2020 đến nay mới hoàn thành 3 dự án, 34 dự án đang triển khai còn lại mới dừng ở khâu thủ tục. Dự án động lực nhưng lại chậm trễ không chỉ mất lực phát triển cho Đà Nẵng mà còn ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư công, đội vốn, chi phí...

Nhiều dự án hạ tầng giao thông động lực của TP chậm tiến độ. 

Hàng loạt dự án ì ạch

Để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, đồng thời giải phóng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, Đà Nẵng đã quyết định đầu tư 4 cụm công nghiệp (CCN) gồm Hòa Khánh Nam (hơn 13 ha), Hòa Hiệp Bắc (hơn 14 ha), Hòa Nhơn (hơn 24 ha) và Cẩm Lệ (hơn 29 ha). Theo kế hoạch, CCN Hòa Nhơn hoàn thành vào tháng 6-2020, CCN Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc hoàn thành vào tháng 12-2020, tuy nhiên đến nay các CCN này vẫn đang dừng ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể tại CCN Hòa Khánh Nam mới có quyết định thu hồi đất đợt 1 với 223 trường hợp, CCN Hòa Hiệp Bắc đang hậu kiểm định 125 thửa đất, CCN Hòa Nhơn mới bàn giao được 220/298 hồ sơ. Với dự án hạ tầng kỹ thuật CCN Cẩm Lệ có tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng, khởi công từ cuối tháng 5-2019, cam kết hoàn thành vào tháng 9-2020, tuy nhiên đến nay vẫn đang thi công. Hiện hạng mục san nền đạt khoảng 81%, thoát nước đạt 69%, giao thông đạt 70%, nước thải đạt 67%...Tương tự, dự án Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu CNC Đà Nẵng theo kế hoạch hoàn thành cuối tháng 9-2020 song vì vướng mặt bằng nên đến nay vẫn trong giai đoạn xây lắp. Việc chậm tiến độ các dự án hạ tầng công nghiệp dẫn tới thiếu mặt bằng thu hút đầu tư sản xuất, không tạo ra động lực phát triển.

Tình trạng cũng không khả quan hơn với nhiều dự án hạ tầng giao thông mang tính động lực của TP. Đơn cử như tuyến đường liên xã Hòa Phú- Hòa Ninh tổng vốn hơn 155 tỷ đồng, theo kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chật vật GPMB. Hiện mới có 32/178 hồ sơ nhận ĐBGT, tại những điểm có mặt bằng mới thi công xây lắp khoảng 43% giá trị hợp đồng.  Điển hình hơn là tuyến đường ven sông Tuyên Sơn- Túy Loan tổng vốn 571 tỷ đồng, khởi công từ giữa năm 2017, kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2020. Đây là tuyến đường quan trọng ven sông kết nối từ trung tâm TP đến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển rất lớn cho TP. Tuy vậy, cũng vì vướng mặt bằng (hiện mới giải tỏa được 283/414 hồ sơ) nên tiến độ ì ạch, kéo dài. Tổng giá trị xây lắp hiện mới đạt khoảng 174 tỷ đồng, tương đương 55%. Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng giao thông động lực khác cũng đang chậm tiến độ như: đường 45m đoạn từ Hồ Ngọc Lãm đến đường Trương Định, đường 45m đoạn từ Lê Hữu Trác đến đường Nguyễn Văn Thoại, đường vành đai phía Tây 2, đường và cầu qua sông Cổ Cò.

Cần giải pháp mạnh hơn

Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các dự án động lực, trọng điểm, song nhiều dự án vẫn rất chậm. Ông Lê Minh Trung- Phó chủ tịch HĐND TP cho biết, nhiều dự án đầu tư bằng ngân sách được xem là động lực, trọng điểm nhưng chậm tiến độ rất nhiều. Đơn cử trong 53 dự án nhóm B giai đoạn vừa qua thì có tới 32 dự án phải chuyển tiếp với tổng vốn gần 37 ngàn tỷ đồng. Việc các dự án động lực chậm trễ được giải thích do thủ tục phức tạp, phải phối hợp nhiều đơn vị, tốn thời gian. Ngoài ra, do vướng mắc trong công tác giải tỏa đền bù; một số dự án đang được tích hợp vào đồ án quy hoạch chung của TP; một số dự án phải lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn phù hợp hoặc phải thi tuyển phương án kiến trúc trước khi trình thủ tục chủ trương đầu tư dẫn đến thời gian triển khai kéo dài... 

Trong thực tế, nhiều dự án chậm trễ, kéo dài còn do chất lượng tư vấn, nhà thầu và cả sự quyết liệt đôn đốc của các đơn vị liên quan. Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, cần phải làm rõ trách nhiệm của các ngành, đơn vị liên quan chứ không chỉ nêu nguyên nhân chậm trễ. Như năm 2020 vừa rồi, thứ gì chậm trễ là đổ hết cho Covid. Trong khi, có những công việc như ngồi nhà làm hồ sơ chủ trương đầu tư, máy móc có ảnh hưởng gì không hoạt động được đâu, vậy mà cũng đổ cho Covid. Theo ông Triết, phải xem lại từ khâu chuẩn bị thủ tục, hồ sơ, có khi chuẩn bị chưa kỹ đã đề xuất để đặt một chân vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, sau đó điều chỉnh bổ sung hồ sơ sau. Thứ nữa là chất lượng tư vấn. Đơn giá tư vấn biến động tăng lên gấp 3 lần như thế là không ổn. Cuối cùng là chất lượng đơn vị thi công, do không đảm bảo năng lực dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. 

Trong thời gian tới, Đà Nẵng thực hiện giải pháp phân công Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách trực tiếp lĩnh vực, quy trình đầu tư (chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện, quyết toán), công tác GPMB theo từng địa bàn quận, huyện. Riêng với các BQL dự án, chủ đầu tư, các sở ngành liên quan được giao nhiệm vụ cụ thể từng dự án động lực gắn với thời gian hoàn thành, tiến độ từng giai đoạn và phải chịu trách nhiệm nếu chậm trễ tiến độ. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ triển khai hiệu quả Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính, xây dựng… của các dự án động lực, trọng điểm. 

Với giải pháp gắn với trách nhiệm cụ thể, mốc thời gian nhất định, Đà Nẵng kỳ vọng các dự án động lực sẽ được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác, tạo động lực phát triển thực sự cho TP.

HẢI QUỲNH