Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thứ sáu, 29/05/2015 09:37

(Cadn.com.vn) - Tình trạng các địa phương chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng và thiếu nguồn nguyên vật liệu (đất, đá, cát) đắp nền đường khiến dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (gọi tắt là DA ĐCT) bế tắc, các nhà thầu và đơn vị thi công kêu trời vì nguy cơ không hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Một đoạn đường cao tốc qua địa phận H. Duy Xuyên cần khối lượng đất đắp nền rất lớn.

Để giải quyết tình trạng trên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các địa phương khẩn trương tháo gỡ trước ngày 30-6-2015. Câu hỏi đặt ra là liệu có “gỡ” đúng thời gian hay không khi mà thực tế còn rất nhiều ngổn ngang công việc phải làm?

Hai “nút thắt” lớn

Ông Hoàng Việt Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Ban điều hành DA ĐCT cho biết, hiện nay, tại một số địa phương công tác bàn giao mặt bằng chậm khiến tình hình thi công bị đình trệ. Như ở Quảng Nam, hiện một số địa phương như Núi Thành, Thăng Bình đang gặp khúc mắc về đất 5% công ích. Xã thì bảo địa phương quản lý, còn người dân thì cho rằng đất của họ canh tác đã lâu, giờ là của họ nên xảy ra tình trạng tranh chấp. Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 150 trường hợp tương tự nhưng đến nay chưa tháo gỡ được.

Tại Quảng Ngãi cũng có khá nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh như trên. Trong khi đó, theo ông Hưng, về cơ bản thì Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã “bơm” tiền cho địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Có địa phương như ở H. Thăng Bình, DA ĐCT đã chuyển 7 tỷ đồng nhưng mặt bằng thì chưa thể bàn giao hết...

Hay như ở TX Điện Bàn có 3 khu tái định cư (TĐC), tuy nhiên do chưa có nhà thầu nào đứng ra đảm nhận thi công nên chưa thể di dời người dân để giải phóng mặt bằng. Ở Đà Nẵng cũng có 3 khu tương tự, thế nhưng đến nay chỉ có một khu TĐC gồm 25 hộ mới được di dời. Đặc biệt, tại nút Túy Loan - Hòa Cầm (Đà Nẵng) hiện còn 600 hộ chưa thể di dời do chưa có khu TĐC mới, vì vậy bài toán ở đây còn rất nan giải.

“Với thực trạng như hiện nay, việc các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6-2015 khó khả thi”, ông Hưng lo lắng.

“Địa phương bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục khiến chúng tôi rất khó thi công. Muốn thi công phải có đủ mặt bằng để chúng tôi mở đường công vụ, làm tổng thể chứ đoạn này vướng đoạn kia thì rất khó thực hiện, trong khi đó giờ là mùa cao điểm mà công nhân rảnh việc ngồi chờ, chỉ còn 4-5 tháng nữa là đến mùa mưa, rất khó thi công hiệu quả”, đại diện một đơn vị thi công DA ĐCT ở Núi Thành (Quảng Nam) thở dài.

Điều khiến VEC trăn trở hơn nữa đó là việc thiếu nguyên vật liệu trầm trọng, một phần nguyên nhân là do thủ tục cấp mỏ quá lâu, khiến việc thi công cũng cầm chừng. Theo ông Hưng, Trên toàn tuyến DA cần khoảng 26 triệu m3 đất làm nền đường, nhưng phần đào cân bằng chỉ đáp ứng được khoảng 4 triệu m3, còn thiếu 22 triệu m3, đặc biệt tại Quảng Nam dự kiến thiếu khoảng 14 triệu m3. “Chúng tôi nộp hồ sơ mở mỏ từ trước Tết nhưng đến nay mới chỉ cho chủ trương, không biết khi nào được đồng ý cấp mỏ, kiểu này xem ra còn phải chờ lâu”, một đơn vị thi công khác ở H. Duy Xuyên (Quảng Nam) than thở.

 Máy móc, phương tiện, thiết bị sẵn sàng nhưng việc chậm trễ cấp mỏ khai thác đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Tập trung tháo gỡ

Đại diện một đơn vị tư vấn giám sát nhìn nhận rằng: “nút thắt” lớn nhất của DA ĐCT là nguồn mỏ để cung cấp vật liệu làm nền đường. Thiếu vật liệu đương nhiên là ảnh hưởng rất lớn đến thi công. Vấn đề ở đây là trách nhiệm của cả đôi bên, phía thủ tục cấp mỏ thì quá lâu, còn nhà thầu, đơn vị thi công cũng chưa chủ động, lường trước những tình huống xảy ra để xử lý... “Nhà thầu, đơn vị thi công phải hết sức nỗ lực thúc giục, hoàn thiện hồ sơ sớm và địa phương cũng cần tạo điều kiện, có cơ chế đặc thù để đạt được mục đích có đủ vật liệu để thi công, như thế mới đảm bảo đúng tiến độ”, vị tư vấn giám sát nói.

“Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay tiến độ thực hiện công tác GPMB và cấp phép khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công DA tại các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Để hoàn thành DA theo đúng kế hoạch trước tháng 7-2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các mỏ đất sử dụng làm vật liệu đắp nền đường, phục vụ thi công DA theo đúng quy định của pháp luật. Khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao mặt bằng thi công trước ngày 30-6-2015, trong đó cần tập trung giải quyết vướng mắc về đền bù đất công ích (đất 5%) và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để bàn giao đất ở cho các hộ dân tái định cư…”.

(Trích Công điện của Thủ tướng Chính phủ)

Ông Trần Thanh Hà, Phó giám đốc sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) Quảng Nam khẳng định, địa phương này đã có nhiều chỉ đạo rút ngắn các thủ tục cấp mỏ. Cụ thể ngày 5-11-2014, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các ngành liên quan giảm thủ tục cấp phép khai thác đối với đất san lấp, xây dựng công trình phục vụ thi công DA ĐCT.

Theo đó, trước đây, khi hồ sơ của đơn vị trình cấp mỏ gửi đến sở tiếp nhận để tham mưu tỉnh thì sau 1 năm mới cấp được, nay đối với DA ĐCT thì chỉ còn khoảng 6 tháng, các thủ tục được rút gọn hơn một nửa để tạo điều kiện cho đơn vị thi công. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải thẩm tra kỹ để tránh một số đơn vị thi công lợi dụng việc thi công DA ĐCT “tuồn” vật liệu dư thừa ra ngoài khiến thất thu nguồn tài nguyên. Tuy làm nhanh, giản lược một số thủ tục nhưng cũng phải chặt chẽ, cẩn trọng”, ông Hà nói.

Ngày 21-5 vừa qua, ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cho biết đến thời điểm hiện nay, Quảng Nam đã cấp được 14 giấy phép, trong đó có 6 mỏ đất (2 mỏ phục vụ DA ĐCT đường cao tốc, 4 đơn vị vừa phục vụ DA ĐCT, vừa phục vụ dự án trọng điểm của tỉnh); 8 giấy phép thu hồi đất dư thừa trong DA đầu tư xây dựng công trình của tỉnh để phục vụ DA ĐCT với tổng khối lượng 4,6 triệu m3.

Hiện còn 48 hồ sơ xin cấp phép đang làm thủ tục, trong đó 36 đơn vị xin cấp mỏ (27 mỏ đất san lấp, 8 mỏ cát và 1 mỏ đá); 12 giấy phép xin thu hồi đất dư thừa để phục vụ DA ĐCT. Tỉnh Quảng Nam cũng đang gấp rút xem xét, giải quyết những trường hợp xin giấy phép phục vụ DA ĐCT.

Còn tại Đà Nẵng, đầu tháng 5-2015, lãnh đạo thành phố cũng đã có cuộc họp gỡ nút thắt tại DA ĐCT trên địa bàn thành phố. Ngay trong cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã chỉ đạo các đơn vị, ngành, địa phương phải làm quyết liệt, rốt ráo để cơ bản cuối tháng 7-2015 phải bàn giao tất cả mặt bằng cho nhà thầu thi công. Về phía đại diện chủ đầu tư - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VEC cũng cam kết với các địa phương rằng, công tác giải phóng mặt bằng đến đâu thì VEC sẽ giải ngân theo đó, thậm chí đơn vị nào ứng trước thì VEC cũng xem xét ưu tiên, miễn là giải quyết nhanh gọn mặt bằng để nhà thầu yên tâm thi công...

D.Hùng