Làm báo thời máy ảnh chụp phim

Thứ sáu, 20/06/2025 17:59

Có những tấm ảnh không chỉ là khoảnh khắc được lưu giữ, mà hàm chứa cả ký ức sống động của một thời. Có những lần bấm máy không chỉ để đưa tin, mà để giữ lại một phần lịch sử. Làm báo thời máy ảnh chụp phim - là làm nghề trong cái thời mọi thứ đều phải “canh” bằng cảm xúc, bằng bản lĩnh và kỹ năng nghề nghiệp và cả sự hy sinh thầm lặng.

Bức ảnh hiếm về những ngày tháng cuối đời của nữ Anh hùng LLVTND Trần Thị Lýcùng chồng (ông Nguyễn Viết Tuấn). Ảnh: TRẦN NGỌC
Cổng Tam Quan Đình làng Lỗ Giáng. Ảnh: TRẦN NGỌC

Những khung hình đánh đổi bằng thời gian và cả trái tim

Trong một lần gặp, nhà báo Trần Ngọc (hiện là phóng viên thường trú Tạp chí Đông Nam Á tại Đà Nẵng), “khoe” với tôi bộ ảnh mà anh gọi là “kỷ vật nghề báo”. Lật giở từng tấm ảnh, anh bảo “Hồi đó (những năm 1990, lúc ấy anh là phóng viên, sau đó là Trưởng văn phòng đại diện Báo Tuổi trẻ tại Đà Nẵng), làm báo khổ lắm”. Chỉ riêng việc chụp ảnh thôi cũng đã đầy gian truân, dùng máy phim, chụp xong phải mang đi “cắt - tráng - rọi”, đợi khá lâu mới nhận được bao ảnh của mình.

Nhận ảnh xong, phải tìm chỗ yên tĩnh chọn ảnh, sơ loại lần một, rồi chọn lại lần hai, chỉ giữ lại những tấm “đẹp và đạt”, đánh số bằng bút chì lên mặt sau ảnh, ghi số kèm chú thích ra giấy riêng... Nếu bài “nóng”, phải chạy ra sân bay, năn nỉ người đi chuyến về TPHCM mang theo ảnh, kèm số điện thoại tòa soạn để tiện liên hệ. Nếu là bài “nguội”, gói kỹ ảnh và bài viết trong túi ni-lông, bỏ phong bì gửi bảo đảm qua bưu điện... Mỗi khâu đều công phu, mỗi bước đều áp lực. Không có ảnh là không có bài hoàn chỉnh.

“Giờ thì sướng lắm rồi. Chụp xong chưa tới mươi phút đã thấy ảnh lên trang báo điện tử. Thế hệ tụi em làm báo bây giờ là sướng nhất!”, anh cười, mắt ánh niềm hoài niệm.

Nhưng không phải lúc nào ảnh cũng thành công. Nhà báo Trần Ngọc kể: “Có lần đồng nghiệp khóc vì máy phim bị tuột, chụp cả cuộn mà không có tấm nào. Sự kiện lại quan trọng. Phải xin lại ảnh của bạn, rồi chia nhuận bút như một lời cảm ơn, vì phim, tiền làm ảnh, máy móc đều của họ cả”.

Những câu chuyện như thế không chỉ cho thấy gian khổ mà còn phản ánh đạo đức nghề báo - chia sẻ, trung thực và tử tế với đồng nghiệp.

Đường Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng, ngày đầu mở đường (2009) và thập niên 2020. Ảnh: TRẦN NGỌC

Giữ khoảnh khắc vượt thời gian

Bộ ảnh in trên giấy ảnh của nhà báo Trần Ngọc được anh gìn giữ cẩn trọng mấy chục năm. “Tôi chèn hút ẩm, bao bọc nhiều lớp, chuyển nhà cũng nhất định phải chở riêng thùng ảnh. Bao nhiêu tư liệu còn lại, là thứ tôi xem là vô giá”, anh chia sẻ.

Những bức ảnh ấy không đơn thuần ghi lại phong cảnh, mà ghi lại cả một thời khắc lịch sử của Đà Nẵng. Đó là thời điểm Đà Nẵng “thoát xác” sau khi chia tách với Quảng Nam, chính thức trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương năm 1997. Ảnh của anh không chỉ chụp hình ảnh đô thị, mà ghi lại những sự kiện đầu tiên, những con người đầu tiên, những chuyển động đầu tiên của Đà Nẵng trong thời kỳ đổi thay.

Anh gọi tên bộ ảnh là “Ngày ấy - Bây giờ”, bởi theo anh, “Xưa” thì quá rộng, “Nay” thì khó xác định. “Ngày ấy” là một dấu mốc đã lùi xa, còn “Bây giờ” là hiện thực đầy khác biệt, dễ dàng để độc giả so sánh, liên tưởng. Với người làm báo, phải hiểu độc giả có lý lẽ riêng, hãy tôn trọng sự nhạy cảm và thông minh của họ.

Năm 2025, một trong các hoạt động kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng bộ Đà Nẵng, 50 năm Giải phóng TP có triển lãm ảnh “Đà Nẵng Xưa và Nay”. Một trong những khó khăn lớn nhất của ban tổ chức chính là tìm nguồn ảnh “xưa” rõ ràng về thời gian, không gian, tác giả và quyền sở hữu. Vì vậy, những bức ảnh được chụp đúng thời điểm, có chú thích cụ thể, còn lưu giữ nguyên bản, càng quý như vàng.

Chúng không chỉ là ảnh, chúng là tư liệu lịch sử sống động, là “vi bằng bằng hình ảnh” của một đô thị đang phát triển từng ngày - được không nhiều tác giả ghi lại bằng chính chiếc máy phim thời ấy, trong đó có Trần Ngọc.

Bức ảnh hiếm về những ngày tháng cuối đời của nữ Anh hùng LLVTND Trần Thị Lýcùng chồng (ông Nguyễn Viết Tuấn). Ảnh: TRẦN NGỌC

Gian nan phía sau mỗi bức ảnh

Để có một bức ảnh toàn cảnh bãi bồi dưới chân bán đảo Sơn Trà trước năm 2000 là điều không tưởng, vì thời đó chưa có flycam, trừ khi là ảnh vệ tinh hoặc ảnh không ảnh từ cơ quan chuyên môn.

Trần Ngọc kể, anh đã liều leo lên cầu Thuận Phước vừa hợp long để chụp Sơn Trà. Khi ấy, lan can chưa hoàn thiện, dây điện, vật liệu ngổn ngang, nguy hiểm luôn rình rập. Vậy mà, giữa nguy hiểm ấy, anh đã chụp được những bức ảnh quý giá về giai đoạn Sơn Trà chuyển mình.

Hay có những lần, anh ghi lại khoảnh khắc người dân tự tay đập bỏ ngôi nhà mà nhiều thế hệ từng sinh sống để nhường đất cho chỉnh trang đô thị. Trong ảnh, có người lau nước mắt, có người đứng lặng. “Gia đình tôi cũng nằm trong diện giải tỏa. Tôi hiểu nỗi buồn đó. Nhưng chính sự đồng thuận, sự tin tưởng vào chính quyền đã làm nên một Đà Nẵng mới”, anh xúc động.

Làm báo không chỉ là săn tin, viết bài, gửi về kịp thời. Làm báo còn là chứng nhân, là người lưu giữ ký ức tập thể, là một phần trách nhiệm công dân với quê hương, với lịch sử. Những bức ảnh, những bài viết từ thuở còn in bằng máy chữ, chụp bằng phim, gửi bằng bưu điện... không chỉ nói lên sự tận tụy, mà còn thể hiện sự dấn thân, niềm tin và tình yêu dành cho vùng đất mà nhà báo ấy sống, yêu, và viết suốt cả sự nghiệp.

Ông Trần Văn Chuẩn - Trưởng phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản - Bảo tàng Đà Nẵng, chia sẻ nhà báo Trần Ngọc quá nhiều ảnh quý, tư liệu ảnh quý”, trong đó có bộ ảnh về Đình Lỗ Giáng (quận Cẩm Lệ), chụp từ những năm 1990 - trước khi công trình được trùng tu vào năm 2018 - nay trở thành một tư liệu quý. Với nhiều người làm công tác văn hóa, bảo tồn, lịch sử, nếu muốn “thấy bản gốc” Đình Lỗ Giáng phải tìm đến những bức ảnh của nhà báo Trần Ngọc để so sánh, nghiên cứu, đối chiếu.

Trong thời đại số, làm báo trở nên nhanh hơn, tiện hơn. Nhưng nhìn lại hành trình của thế hệ đi trước, chúng ta thấy rõ, công nghệ có thể thay đổi công cụ, nhưng không thay được niềm đam mê, đạo đức, và trách nhiệm của người làm báo. Săn tìm đề tài để chụp và cố giữ lấy một bức ảnh quý, chứa đựng từng khoảnh khắc của TP quê hương qua bao nhiêu biến động thăng trầm, hay khoảnh khắc của một sự kiện... không chỉ là chuyện của nghề, đó còn là nghĩa vụ với lịch sử, với công chúng, với chính mình. Và đó chính là điều mà nhà báo Trần Ngọc đã và đang làm - một cách lặng lẽ, kiên nhẫn, đầy trách nhiệm vì một tình yêu lớn lao dành cho quê hương Đà Nẵng.

HỒ THANH HOA

Làm bạn với AI trong báo chí - truyền thông

Tương lai của báo chí hiện đại chính là sự kết hợp giữa trí thông minh của máy móc và cảm xúc con người để tạo ra một tác phẩm báo chí hấp dẫn hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn...

Làm báo trong bối cảnh chuyển đổi số

Báo chí Việt Nam đang trải qua một cuộc cách mạng nhờ sự phát triển của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI). Chuyển đổi số đã thay đổi cách thức sản xuất, phân phối, và tiêu thụ thông tin, trong khi AI mang lại những công cụ mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả và sáng tạo trong báo chí. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng đặt ra những thách thức về đạo đức, minh bạch,

Công an TP Đà Nẵng gặp mặt thân mật người làm báo

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2025), sáng 17-6, Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng tổ chức buổi gặp mặt thân tình với lãnh đạo các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên đang công tác trên địa bàn Đà Nẵng. Đại tá Nguyễn Đại Đồng - Phó Giám đốc phụ trách Công an TP chủ trì buổi gặp mặt.