Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Cần sự vào cuộc quyết liệt để có mặt bằng “sạch”

Thứ hai, 15/06/2015 11:24

Bài 1:  Những điểm vướng cần sớm tháo gỡ

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, Bộ GT-VT, UBND tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều cuộc họp, thậm chí Thủ tướng Chính phủ cũng có Công điện chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý dứt điểm những vướng mắc về mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Thế nhưng, đến thời điểm này “mặt bằng sạch” cho dự án nhiều nơi bị vướng, không đáp ứng được yêu cầu tiến độ. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) giải quyết còn lúng túng, áp giá bồi thường, hỗ trợ (BT-HT) còn bất cập...

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 139,2km. Trong đó, tuyến đường chạy qua địa bàn Quảng Nam có chiều dài 91,2km với 27 xã thuộc 7 huyện, TP bị ảnh hưởng. Để không “lặp lại điệp khúc” không có mặt bằng thi công như dự án nâng cấp, mở rộng QL1A, thời gian qua các ngành chức năng Quảng Nam, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết, nhưng đến thời điểm này, Quảng Nam còn 17km chưa bàn giao mặt bằng với 715 hộ bị ảnh hưởng nhà cửa, đất đai. Đặc biệt, còn có 253 hộ thuộc diện đất ở cần bố trí TĐC.

Tại xã Tam Mỹ Đông (H. Núi Thành), đến nay Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện vẫn chưa lập xong phương án BT đất ở và đất rừng cho người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính do chính quyền buông lỏng quản lý dẫn đến 44 thửa đất dù đã quy hoạch là rừng phòng hộ nhưng dân đã sử dụng trồng cây. Bên cạnh đó, 13 mỏ đá ở xã Tam Nghĩa (H. Núi Thành) bị ảnh hưởng, theo chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam, các mỏ đá sẽ di chuyển đến phía tây đường cao tốc. Nhưng đến nay đa số các mỏ đá trên vẫn “bình chân như vại”.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thuộc Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (VEC) cho biết, thời điểm này chưa có doanh nghiệp khai thác đá vật liệu xây dựng nào ở Núi Thành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Khó khăn nhất vẫn là tìm địa điểm tái sản xuất mới cho họ. “Nếu người dân và các đơn vị sớm bàn giao mặt bằng thì dự án sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, giảm thiểu chi phí cho lao động nhàn rỗi”- ông Thành nhận định

Cũng tại xã Tam Nghĩa, mấy tháng nay, nhà thầu chưa thể mở đường qua địa bàn xã do còn 117 thửa đất lúa với diện tích hơn 3,6ha và 139 thửa đất rừng gần 12ha chưa được UBND H. Núi Thành ra quyết định thu hồi, lập phương án BT. Ông Nguyễn Thành Đạt – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa cho rằng, hồ sơ xác định nguồn gốc đất ở, đất rừng đã được hội đồng tư vấn đất đai địa phương chuyển lên Trung tâm Phát triển Quỹ đất H. Núi Thành lâu rồi, việc chậm ra quyết định thu hồi đất, chi trả BT thuộc trách nhiệm của cấp trên (!).

Tương tự, tại km 70+700 đến km74+820 qua xã Tam Xuân 2 còn 152 thửa đất rừng và đất nông nghiệp chưa có quyết định thu hồi. Chính vì chưa thể triển khai công tác BT nên đến nay cả xã Tam Xuân 1 chưa giải phóng mặt bằng một điểm nào. Nguyên nhân do một số người dân còn chưa đồng tình với cách đo đạc, kiểm kê hiện trạng “tiền hậu bất nhất” của cán bộ làm nhiệm vụ đo đạc BT. Ví như, số tiền kiểm kê, áp giá niêm yết ban đầu thì lớn, nhưng số tiền người dân thực nhận thấp hơn ban đầu, gây nên sự hoài nghi đáng tiếc.

Cá biệt có hộ đã nhận tiền BT nhưng vẫn chưa thỏa mãn với phương án BT-HT của địa phương. Như hộ bà Bùi Kim Dung (thôn Bích An, xã Tam Xuân 1) đã nhận BT 1 tỷ đồng khi bị giải tỏa trắng nhà cửa và 3.000m2 đất vườn. Nhưng vì chưa thỏa mãn với phương án BT-HT của địa phương nên vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đứng giữa) cho rằng nếu có mặt bằng thì dự án sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Ông Phan Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên nhận định: Không ít trường hợp giá đất BT quá thấp, không đủ để người dân mua lại suất đầu tư hạ tầng, như trường hợp hộ ông Nguyễn Thanh Bốn (thôn Nam Thành, xã Duy Trung, Duy Xuyên) có diện tích đất ở hơn 1.751m2, bị thu hồi hơn 1.000m2, còn lại hơn 725m2 không vuông vức, nằm sát đường cao tốc. Trong khi hộ này có 7 nhân khẩu, 2 cặp vợ chồng sinh sống, giá BT quá thấp (48 nghìn đồng/m2) nên tiền BT khó dùng để mua lại một suất đất đầu tư hạ tầng...

Riêng tại H. Thăng Bình, hiện còn 130 hộ chưa bàn giao mặt bằng (49 hộ chưa đồng thuận nhận tiền BT), 53 hộ chưa thống nhất BT đất công ích 5% và 28 hộ đã nhận tiền song chưa di dời. Vẫn còn 64 ngôi mộ trên địa bàn 2 xã Bình An và Bình Quế tồn tại trên đường. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND H. Thăng Bình, phần lớn các trường hợp buộc phải dùng biện pháp bảo vệ thi công rơi vào loại đất công ích 5%. Nguyên nhân do chính quyền địa phương lỏng lẻo trong quản lý 5% đất công ích nên người dân tự do lấn chiếm sản xuất, canh tác lâu dài, nảy sinh tranh chấp dai dẳng. Đặc biệt, người dân xã Bình Quý đã 5 lần “cấm đường” các nhà thầu chở vật liệu xây dựng không đảm bảo môi trường, nhưng cũng có trường hợp cản trở thi công vì lấy lý do Nhà nước bố trí đất TĐC không theo ý muốn, giá BT thấp...

(còn nữa)

Bão Bình