Dự án đường Quốc lộ 1 - Đầm Môn (Khánh Hòa): Hàng chục hộ dân khiếu nại kéo dài vì sao? (Kỳ 1: Bất cập về bồi thường)

Thứ ba, 30/06/2020 11:59

Dự án đường Quốc lộ 1 – Đầm Môn (Khánh Hòa) có chiều dài 14km, nền đường rộng 34m từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn được triển khai từ tháng 10-2016, có 575 thửa đất với 460 hộ dân bị ảnh hưởng, số hộ bị giải tỏa chủ yếu nằm trên địa bàn thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ. Dự án do Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng. Việc giải tỏa mặt bằng do UBND H. Vạn Ninh thực hiện.

Đồi cát ở thôn Tuần Lễ bị “xẻ thịt” xây nhà kiên cố.

Tuy đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2017, nhưng sau 3 năm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn gần 30 hộ chưa thực hiện được vì sao?

Theo các hộ chưa chịu bàn giao đất, tất cả đều khẳng định, giá đền bù đất quá thấp, các cơ quan chức năng thực hiện đền bù không đúng. Đất được thu hồi từ trước năm 2018 nhưng đến năm 2020 mới thực hiện đền bù, đã vậy lại tính giá đất năm 2017 là điều vô lý. Cụ thể, đất thổ cư được đền bù 306.000 đồng/m2; đất trồng cây hàng năm 194.000 đồng/m2; đất nuôi trồng thủy sản 25.200 đồng/m2. Đơn giá này thấp hơn hàng chục lần so với giá thực tế trên thị trường. Họ nhiều lần khiếu nại nhưng chính quyền không giải quyết. Ông Nguyễn Sơn ở thôn Tuần Lễ bị thu hồi 903,5m2, trong đó có một ngôi nhà kiên cố trên 100m2, nhưng chỉ được bồi thường tổng cộng 764 triệu đồng và không hỗ trợ tái định cư. Ông nói: “Với số tiền này, gia đình tôi không thể mua được một lô đất khoảng 100m2 cùng vị trí chứ nói gì làm nhà ở. Đây là sự bất cập, nói đúng hơn là sự bất công trong công tác giải tỏa, đền bù. Chính quyền lấy giá đền bù từ năm 2016, 2017 để áp cho giá đền bù năm 2020 thì thiệt hại đều thuộc về người dân. Chưa kể chính quyền áp giá dự án, chứ không theo quy định áp giá đất bồi thường chung của tỉnh là trái quy định của pháp luật”. Không chỉ bất cập về giá đền bù, nhiều người dân còn cho rằng: UBND H. Vạn Ninh không công khai, minh bạch niêm yết các bảng giá bồi thường đất đai của người dân, người dân chỉ được UBND xã Vạn Thọ mời đến làm việc và thông báo bị thu hồi đất, đền bù với số tiền này, rồi yêu cầu người dân ký vào biên bản chứ không giải thích rõ.

Bà Bùi Thị Kim Vương ở thôn Tuần Lễ bức xúc: Việc Nhà nước thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình đường giao thông tại địa phương người dân chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng vì đã đem lại lợi ích cho dân sinh, tạo điều kiện cho sự thúc đẩy phát triển của người dân chúng tôi. Tuy nhiên, quá trình đền bù cho gia đình tôi là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật, có dấu hiệu tham ô, tham nhũng ở chỗ cũng trong vị trí đất thu hồi để làm dự án có các hộ khác có vị trí, loại đất, mục đích sử dụng giống hoặc thấp hơn như tôi cùng tại thôn Tuần Lễ nhưng lại đươc Nhà nước bồi thường mức cao hơn và có những hộ lấn chiếm trái phép nhưng vẫn được cấp đất tái định cư, nhưng chúng tôi thì lại không. Đơn cử như hộ bà Huỳnh Thị Kim Thanh lấn chiếm đường bộ nhưng vẫn nhận trên 450 triệu đồng và được cấp lô tái định cư; hộ bà Nguyễn Thị Cúc lấn chiếm rừng bần, đất không có giấy tờ nhưng vẫn được cấp 1 lô tái định cư; hộ ông Tu Ngọc Chung là lấn chiếm lề đường có quyết định cưỡng chế, tháo gỡ nhưng bồi thường 920 triệu đồng và được cấp 2 lô tái định cư (vợ ông Chung là em ruột của Phó bí thư Đảng ủy xã Vạn Thọ, chị dâu bà Nhung hiện là Chủ tịch Hội phụ nữ H. Vạn Ninh); hộ ông Cao Thanh Xuyên còn đất nhưng vẫn được cấp 2 lô tái định cư và lui ra sau xây dựng nhà lại để ở v.v...; hay những hộ lấn chiếm đất trái phép cùng thôn Tuần Lễ, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn được cấp đất tái định cư là hộ ông Nguyễn Quẹo, Hồ Ân, Hồ Thị Nhân, Nguyễn Sinh  mỗi người được cấp 1 lô 200m2, hộ ông Phạm Vinh, Hồ Sơn, Nguyễn Lộc, Nguyễn Cường... mỗi người được cấp 1 lô 100m2. Bà Vương khẳng định những gì bà nói là sự thật.

Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND H. Vạn Ninh cho rằng: “Người dân khiếu nại cũng đúng, vì những hộ dân được cấp tái định cư rồi mà họ lại lùi ra sau xây nhà. Cái này là trách nhiệm của địa phương quản lý không chặt chẽ”. Theo ông Bảo chính quyền có phần “lơ là” quản lý không chặt chẽ để các hộ dân lấn chiếm xây nhà trái phép. Liên quan đến câu hỏi tại sao những người dân bị giải tỏa toàn bộ nhà cửa và thu hồi đất mà không được cấp tái định cư thì ông Bảo không trả lời.

Đã gần nửa năm nay, hầu hết các hộ có đất bị thu hồi ở thôn Tuần Lễ đều bỏ hết công việc làm ăn để lo chuyện đất cát. Gia đình còn đất thì lo xây sửa, gia đình bị giải tỏa trắng nhưng không được tái định cư thì đem đơn khiếu nại gõ cửa khắp nơi đòi quyền lợi. Họ cảm thấy bị thu hồi và giải tỏa toàn bộ nhà đang ở nhưng không được bố trí tái định cư là điều vô lý. Đến thôn Tuần Lễ những ngày này, chúng tôi chứng kiến rất nhiều hộ gia đình sau khi được đền bù tái định cư vẫn cố bám trụ lại khu đất cũ, họ cho rằng việc bồi thường là chưa thỏa đáng. Người dân nơi đây cho biết tình trạng này diễn ra đã nhiều năm. Họ nhiều lần khiếu nại nhưng chính quyền không giải quyết. Ngoài ra, còn có 28 hộ dân bị giải tỏa hết nhà cửa, thu hồi phần lớn diện tích đất tại đây lại không được cấp đất tái định cư đang liên tục gửi đơn khiếu nại đi khắp nơi.

(còn nữa)

HOÀNG VĂN