Dự án đường quốc lộ 1 – Đầm Môn (Khánh Hòa): Hàng chục hộ dân khiếu nại kéo dài vì sao? (Kỳ cuối: Rối càng thêm rối)

Thứ tư, 01/07/2020 13:34

Trong lúc người dân còn chưa đồng thuận với chính sách bồi thường, tái định cư (TĐC) dự án đường Đầm Môn thì hàng chục hộ dân đã được cấp đất TĐC quay lại lấn chiếm, làm nhà trên nơi ở cũ. Điều này khiến cho sự việc càng trở nên rối ren, rơi vào cảnh khiếu nại khắp nơi. Bởi chính nơi đã được giải tỏa lại mọc lên những căn nhà kiên cố san sát nhau.

Một góc Dự án đường Quốc lộ 1 - Đầm Môn ở Khánh Hòa.         Ảnh: Báo Dân tộc

Ngay khu vực ngã ba đường vào thôn Tuần Lễ, một dãy 5 căn nhà liền kề vừa xây, còn thơm mùi sơn mới. Một số căn chưa hoàn thiện, các gia đình vẫn ngang nhiên sử dụng máy móc và nhân công gấp rút xây dựng. Đi dọc tuyến đường đang thi công, chúng tôi nhận thấy còn nhiều căn nhà khác cũng mới mọc lên ngay sát chân đồi Cô Đơn. Đây là khu vực mà cách đây chưa lâu vẫn còn là đồi cát trắng xen lẫn những cây dương già, hiện nay bị máy múc đào sâu tạo mặt bằng lấn chiếm xây nhà, thậm chí ngay trên triền đồi có gia đình còn dựng nhà tạm để ở. Một người dân thôn Tuần Lễ tiết lộ: “Những hộ này đều đã được bồi thường và cấp đất TĐC trước đó, nhưng họ lại bán đi, về lại nơi ở cũ, tái lấn chiếm, xây thụt lùi về phía sau nền đất cũ. Nhiều nhà múc đồi cát, lấn chiếm đất rừng dương. Có gia đình, sau khi bán đất TĐC, lấn chiếm dựng nhà, mua cả ô-tô con làm phương tiện đi lại. Các hộ khác bị ảnh hưởng bởi dự án rất bức xúc với cách làm này, nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền không xử lý triệt để”. Không những vậy, tại đồi Dương, người ta còn thi nhau phá rừng bần để san lấp, cơi nới đất sử dụng.

Theo số liệu điều tra của Xí nghiệp Đo đạc bản đồ nông nghiệp II, vào năm 2002, rừng ngập mặn tại Tuần Lễ có diện tích hơn 165.730m2, với diện tích rừng tự nhiên hơn 108.000m2, còn lại là đất thổ cư, ao đìa mặt nước... Trong khu vực rừng có 62 hộ có nhà ở, lều quán buôn bán sinh sống lâu năm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khu vực rừng ngập mặn (hay còn gọi là rừng bần) đã có 96 căn nhà được xây dựng. Như vậy, sau 18 năm, đã có thêm 34 căn nhà trái phép mọc lên, 62 căn nhà trước đó bây giờ cũng được sửa chữa cơi nới, xây dựng lớn hơn so với hiện trạng. Hầu hết các hộ đã làm nhà kiên cố, một vài gia đình còn làm cả biệt thự trên đất rừng ngập mặn. Đau lòng hơn, gần như toàn bộ rừng bần đã bị xóa sổ. Những cây cuối cùng còn sót lại cũng đang bị bức tử chết dần. Điều đáng nói, toàn bộ các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất rừng ngập mặn, xây dựng trái phép đều nằm trong hành lang an toàn đường bộ tuyến Đầm Môn.

Do đó người dân ở đây đã làm đơn tập thể tố cáo thẳng đích danh ông Đặng Thành Hòa, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ. Họ cho rằng với cương vị người đứng đầu cơ quan Nhà nước, ông Hòa đã làm mọi cách để cho hàng loạt đối tượng lấn chiếm đất rừng ngập mặn, rừng bần tại đây được hợp thức hóa nên khi mở đường Đầm Môn các hộ này được đền bù đất lấn chiếm với giá cao 728.000 đồng/m2 và được cấp tái định cư rồi thu tiền lại 40%, là tiền gì mà không có biên lai. Có gần 70 hộ dân bị thu tiền, vậy số tiền này rơi vào túi ai? Trong khi đó, hàng loạt những lô đất ở tại đây, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị thu hồi lại chỉ được bồi thường với giá thấp (306.000 đồng/m2 đối với đất ở) và không được cấp đất TĐC.

Ông Ngô Minh Thơ, một người dân ở đây cho biết những đồi cát tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ là đất rừng, đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý (trực tiếp là UBND xã Vạn thọ) nhưng một số đối tượng lại đến đây khai thác cát vô tội vạ, người dân cũng đã có đơn trình báo gửi đến UBND xã Vạn Thọ nhưng không thấy giải quyết. Theo ông Thơ, điều ngạc nhiên là sau khi cát được khai thác chuyển đi, các đối tượng lại ngang nhiên xây nhà trên đất nền những đồi cát nói trên mà cụ thể tại một đồi cát thôn Tuần Lễ có đến 3 ngôi nhà của ông Đào Ngoc Ân (xóm Mới, thôn Tuần Lễ) xây dựng kiên cố.

Lý giải về việc rừng bần bị xóa sổ, lãnh đạo UBND xã Vạn Thọ cho biết, năm 2017, khi có thông tin Vạn Ninh trở thành Đặc khu hành chính kinh tế Bắc Vân Phong, cộng với bão số 12 tàn phá nên người dân lợi dụng chặt phá cây bị gãy đổ, lấn chiếm đất, cơi nới xây dựng nhà ở. Trong quá trình sửa chữa nhà do bão số 12 làm hư hỏng, người dân đều xây dựng kiên cố và lớn hơn hiện trạng ban đầu. Khi xã phát hiện thì công trình xây dựng đã vượt thẩm quyền dẫn đến khó xử lý, các trường hợp chỉ dừng lại ở mức lập biên bản đình chỉ xây dựng. Trong những năm qua, xã đã phát hiện 40 trường hợp chiếm đất, lấn đất tại khu vực rừng ngập mặn.

Sự biện minh của chính quyền địa phương thực sự chưa thuyết phục, bởi việc lấn chiếm rừng bần đã diễn ra suốt một thời gian dài. Thế nhưng mãi đến năm 2019, UBND xã mới tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính 22 trường hợp xây dựng nhà trong hành lang an toàn đường bộ tuyến Đầm Môn (nằm trong phạm vi rừng ngập mặn). Đồng thời, đến nay, cũng mới có 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành.

Theo lãnh đạo huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa việc áp giá bồi thường đất cho các hộ tại dự án đường Đầm Môn được Hội đồng bồi thường căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013, đồng thời căn cứ vào Quyết định số 2117 ngày 21-7-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt giá đất. Đối với bồi thường tài sản trên đất, Hội đồng bồi thường áp dụng theo Quyết định 25/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định bảng giá xây dựng các loại công trình, vật kiến trúc và chi phí đền bù hỗ trợ một số công trình trên địa bàn tỉnh. Riêng chính sách TĐC, hội đồng áp dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Thời gian qua, các đơn khiếu nại của người dân liên quan đến dự án đường Đầm Môn đã được huyện tiến hành giải quyết nhiều lần thông qua đối thoại cũng như ra quyết định giải quyết khiếu nại nhưng người dân vẫn chưa đồng tình. Mới đây, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác để thanh tra toàn bộ các vấn đề liên quan đến đất đai tại xã Vạn Thọ mà người dân khiếu nại.

Vì vậy chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa sớm xem xét lại việc bồi thường giải tỏa và cấp đất TĐC ở đây là đúng hay sai và giải thích để người dân được rõ, nhằm để con đường được triển khai thuận lợi, cũng như trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.

HOÀNG VĂN

>> Dự án đường Quốc lộ 1 - Đầm Môn (Khánh Hòa): Hàng chục hộ dân khiếu nại kéo dài vì sao? (Kỳ 1: Bất cập về bồi thường)