Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh và QL1A: Ngổn ngang trăm mối (4)
* Kỳ cuối: Dấu hỏi chất lượng công trình
(Cadn.com.vn) - Có một điều đáng lo ngại khi trao đổi với chính quyền và ngành chức năng trong chuyến đi thực tế tại một số địa phương ở miền Trung và Tây Nguyên của chúng tôi, đó là vấn đề chất lượng công trình.
Mặt đường QL1A đoạn qua Đà Nẵng mới đưa vào sử dụng đã bị hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Ảnh: H.T |
Nêu vấn đề này là không thừa bởi ngay trên dự án QL1A và đường Hồ Chí Minh, có nhiều đoạn đường thi công xong, đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp, sụt, lún, bong tróc mặt đường. Đặc biệt hiện tượng lòng đường bị hằn lún theo vệt bánh xe gây ra “hiểm họa” khôn lường đối với các loại phương tiện và người tham gia giao thông.
* Thiếu tá Lương Xuân Ngọc - Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng CSGT, CA tỉnh Đắc Lắc cho chúng tôi biết: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua địa phận Ea Hleo, Krông Buk, Buôn Hồ, Chư Mga, tổng chiều dài hơn 95km, nhìn chung các biện pháp đảm bảo ATGT của các đơn vị thi công còn nhiều hạn chế, như nhiều cung đường không có biển báo công trình đang thi công, cột mốc cảnh giới phân luồng, đèn báo nguy hiểm về ban đêm… cũng lắp đặt rất hạn chế. Đánh giá một cách khách quan, có thể thấy tiến độ thi công rất chậm, đặc biệt là trong những tháng 5,6,7-2014 việc thi công gần như không tiến triển. Từ thực trạng trên, về phía trách nhiệm của lực lượng CA, quản lý đảm bảo về TTATGT chúng tôi nhận thấy, do tình trạng trên, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã giảm đáng kể hơn 1 năm qua, nhiều phương tiện như các loại xe tải chở hàng hóa, xe khách liên tỉnh… đã bỏ tuyến. Do đường đang thi công dang dở, nên lực lượng CSGT cũng bị hạn chế về tính cơ động khi thực hiện nhiệm vụ TTKS thường xuyên. Hạn chế các căn cứ pháp luật để xử lý các vi phạm, tốc độ lưu thông của các phương tiện khó kiểm soát. Nếu như theo đánh giá hơn 1 năm trước đây, số vụ TNGT trên QL14 qua khu vực Tây Nguyên chiếm tới 35-40% toàn quốc, do lưu lượng giao thông lớn thì 6 tháng đầu năm 2014 ở Đắc Lắc giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2013. Thực ra, không phải mừng vì TTATGT ở Đắc Lắc đã tốt hơn, mà một phần cũng vì nguyên nhân hệ thống đường giao thông, trong đó đường Hồ Chí Minh đã giảm đáng kể lưu lượng phương tiện giao thông tham gia. Phòng CSGT Đắc Lắc trong thời gian qua đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các địa phương, nhắc nhở các đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh phân luồng, đặt biển báo, cọc tiêu… tại các cung đường đang thi công. Đẩy mạnh công tác TTKS, kiểm tra lưu lượng phương tiện giao thông, kiểm soát về tốc độ các loại phương tiện. |
Có thể nhận thấy hiện tượng này bị rất nhiều trên các tuyến đường vừa hoàn thành như tuyến Hòa Cầm – Miếu Bông (qua địa phận Đà Nẵng và Quảng Nam), tuyến Pleiku – Chư Sê (Gia Lai)... Đây là vấn đề lâu nay dư luận cả nước đặc biệt quan tâm, ngành GTVT cũng đau đầu tìm biện pháp xử lý.
Để thực hiện một dự án đường giao thông chỉ vài chục ki-lô-mét đã phải tiêu tốn đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng, vậy mà khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, đã xảy ra tình trạng lún, nứt, lại phải đào, bóc mặt đường lên để thi công lại. Lại phải tiêu tốn nhiều tỷ đồng vào mỗi ki-lô-mét đường giao thông như vậy, vừa tốn kinh phí của Nhà nước vừa ảnh hưởng đến TTATGT.
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết, ngày 4-6-2014, Bộ GTVT đã có Thông báo “Kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp về tình trạng hằn lún vệt bánh xe khi đưa công trình vào khai thông”. Trước đó Bộ GTVT đã có nhiều hội thảo, với nhiều chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, báo cáo nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục, tuy nhiên kết quả chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tại thông báo này, Bộ GTVT cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan đơn vị thuộc Bộ GTVT... phải có ý thức trách nhiệm đối với chất lượng công trình, nếu không đảm bảo chất lượng công trình thì phải kiên quyết xử lý ngay, tuyệt đối không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Thông báo cũng nêu rõ, để đảm bảo chất lượng, yêu cầu các nhà thầu chính không được thuê các nhà thầu phụ thi công các hạng mục chính, nghiêm túc kiểm soát tải trọng trục xe, ngăn ngừa xe quá tải, quá khổ lưu thông trên các tuyến đường bộ... Cùng với đó là các biện pháp như tăng cường giám sát, kiểm tra vật liệu thi công, kiểm tra chất lượng xe máy, thiết bị thi công công trình... Thành lập các tổ công tác thanh tra chất lượng tại tất cả các dự án trên QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Mới đây nhất ngày 12-8-2014, Bộ GTVT có Thông báo “Kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp xem xét đề xuất điều chỉnh cấp phối bê-tông nhựa... tại các dự án mở rộng, nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, nhằm hạn chế hiện tượng hư hỏng hằn lún vệt bánh xe”.
Ngày 25-8-2014, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã có Quyết định số 3230/QĐ-BGTVT, quy định tạm thời về nâng cao trách nhiệm bảo hành đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó quy định rõ: Đối với các dự án mở rộng QL1A và dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên, thời hạn bảo hành là 48 tháng, mức bảo hành là 3% giá trị hợp đồng xây dựng.
QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang trong quá trình triển khai thi công, ngành GTVT cùng chính quyền, ngành chức năng các địa phương có dự án đi qua đang nỗ lực tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh những sai phạm phát sinh, đẩy nhanh tiến độ, giám sát, kiểm tra nâng cao chất lượng công trình.
Tương lai không xa, khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ là động lực giúp cho đất nước, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên giữ vững đảm bảo QPAN, phát huy, phát triển thế mạnh về KT, VH, XH... Vậy nhưng với những gì đã và đang diễn ra trên 2 dự án trọng điểm này (chậm tiến độ cùng rất nhiều sai phạm từ các nhà thầu), một vấn đề được đặt ra là chất lượng công trình có còn được đảm bảo?
Hồng Thanh