Dự án PPP ở Đà Nẵng gỡ mãi chưa hết vướng

Thứ năm, 29/12/2022 09:38
Đà Nẵng đang triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để giảm gánh nặng chi phí đầu tư công cho ngân sách, tuy nhiên các dự án này đều gặp nhiều vướng mắc. Có dự án loay hoay tìm lối, dự án khác lại chưa có hướng dẫn và có trường hợp nhà đầu tư khởi kiện ra tòa.
Trong khi chờ mãi chưa có Nhà máy xử lý rác thải rắn thì TP phải đầu tư thêm hộc rác số 6.
Rác thải sinh hoạt được xử lý chôn lấp tại Khánh Sơn.

Chật vật với nhà máy xử lý rác

Mỗi ngày Đà Nẵng phát sinh hơn 1.000 tấn rác thải sinh hoạt đưa về chôn lấp tại Khánh Sơn, trong điều kiện các hộc rác lấp đầy, không còn quỹ đất mở rộng. Vì thế, từ cuối năm 2020 Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm tại Khánh Sơn bằng hình thức PPP trên tổng diện tích hơn 29 ngàn m2, tổng vốn hơn 823 tỷ đồng. Đà Nẵng đã ký thỏa thuận về lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án với Liên danh Ecoland -Huy Hoàng- Huy Hoàng Eco. Cuối tháng 9-2022, TP cũng có văn bản gửi Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này. Hiện nay dự án vẫn đang dừng ở khâu thẩm định nghiên cứu khả thi, như vậy rất khó để có nhà máy xử lý rác trong năm 2023-2024 như kế hoạch đề ra.

Trong khi nhà máy xử lý rác chưa hình thành thì Đà Nẵng đã phải chi hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn. Trong đó, dự án nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn trên phạm vi 40ha, tổng mức đầu tư hơn 184 tỷ đồng. Ngoài cải tạo nâng cấp các hộc rác cũ thì TP còn xây dựng hộc rác số 6. Theo dự kiến, hộc rác số 6 sẽ là hộc rác cuối cùng được đầu tư, vì sau đó sẽ có các nhà máy xử lý rác thải rắn được vận hành, không phải chôn lấp. Tuy nhiên, hiện TP lại tiếp tục triển khai đầu tư thêm hộc rác số 7. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã chi 287 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn giai đoạn 2, công suất 1.050m3/ngày đêm.

Theo UBND TP Đà Nẵng, có nhiều nguyên nhân khiến Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày, đêm không thể đẩy nhanh tiến độ. Và dự kiến quá trình thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng Dự án theo hình thức PPP sẽ còn trắc trở. Bởi trong quá trình khảo sát nhà đầu tư quan tâm, có nhiều góp ý quan trọng đối với dự án, đồng thời trong trường hợp thẩm định báo cáo khả thi không đạt yêu cầu và phải chỉnh sửa, nếu nhà đầu tư đề xuất không thực hiện thì TP phải thực hiện lại. Quy trình làm lại gần như từ đầu và TP phải thuê tư vấn xây dựng lại báo cáo nghiên cứu khả thi.

Sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nếu công nghệ và thiết kế cơ sở thay đổi khác so với Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt thì nhà đầu tư trúng đấu thầu phải tiến hành quy trình lấy ý kiến các bộ ngành liên quan đến thẩm định xem xét phê duyệt lại ĐTM, thiết kế cơ sở và công nghệ trước khi xây dựng, dẫn đến mất rất nhiều thời gian để hoàn thành nhà máy. Ngoài ra, công tác đàm phán, ký hợp đồng cũng sẽ gặp nhiều rủi ro, quá trình thương thảo hợp đồng có thể sẽ bị kéo dài nếu không có sự thỏa thuận thống nhất giữa nhà đầu tư và chính quyền, dễ dẫn đến hủy thầu và thành phố phải thực hiện lại công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì Đà Nẵng còn 1 dự án PPP khác do nhà đầu tư đề xuất là Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu chất lượng cao tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Tuy nhiên, do phương thức PPP đối với lĩnh vực y tế hiện chưa có hướng dẫn thực hiện chi tiết, nên TP Đà Nẵng đang xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ KH&ĐT.

Trong khi chờ mãi chưa có Nhà máy xử lý rác thải rắn thì TP phải đầu tư thêm hộc rác số 6.

Đụng đâu là vướng đó

Theo UBND TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức PPP năm 2020 có hiệu lực, trên địa bàn TP có 18 dự án thực hiện theo hợp đồng BT do Sở GTVT và Sở Xây dựng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng dự án BT, không có dự án đầu tư theo hình thức BOT và BTO. Trong đó, 11 dự án đã thi công hoàn thành và quyết toán; 1 dự án đã thi công hoàn thành nhưng chưa thực hiện thanh toán, 1 dự án đã phê duyệt quyết toán, chưa thanh toán; 4 dự án đang thi công; 1 dự án đã thanh toán phần khối lượng đã thi công, đang triển khai phần khối lượng còn lại.

Hiện nay, có 5 hợp đồng BT do Công ty Cổ phần đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung và Công ty CP Xây dựng giao thông làm chủ đầu tư đang gặp vướng mắc liên quan đến thanh toán cho các dự án giao thông thực hiện theo hình thức BT. Năm 2016, Đà Nẵng thống nhất chủ trương điều chỉnh phương thức thanh toán: Nhà đầu tư tự bỏ vốn ra để đầu tư dự án và được UBND TP thanh toán bằng quỹ đất theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá. Tuy nhiên, qua rà soát theo quy định, việc điều chỉnh thanh toán chuyển từ tiền sang đất mà không thông qua đấu giá là chưa đủ cơ sở pháp lý, do đó Đà Nẵng thống nhất điều chỉnh phương thức thanh toán cho các dự án là bằng tiền chuyển quyền sử dụng đất như hợp đồng ban đầu đã ký giữa Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Nhà đầu tư.

Mặc dù các Nhà đầu cơ bản đồng ý phương án thực hiện thanh toán bằng tiền nhưng đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu tài chính như lợi nhuận, lãi vay vào dự án để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xác định các chỉ tiêu tài chính hiện nay đã hết hiệu lực mà không có bản thay thế (do hình thức Hợp đồng BT không nằm trong Luật PPP năm 2020), do đó việc áp dụng vào thời điểm hiện nay chưa thể thực hiện được. Do quá trình đàm phán kéo dài, nhà đầu tư đã gửi đơn khởi kiện "Tranh chấp hợp đồng xây dựng chuyển giao BT đến Tòa án nhân dân quận Hải Châu vào tháng 5-2022.

Ngoài ra đối với các dự án đang thi công như Dự án HTKT khu tái định cư Phước Lý 6, Khu tái định cư Phước Lý 2 và dự án Khu TĐC Hòa Liên 5. Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư về cơ cấu tổng mức đầu tư xây dựng, thời gian thực hiện dự án và hạng mục công trình. UBND TP Đà Nẵng đang chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu, đề xuất.

Theo UBND TP Đà Nẵng các dự án hợp đồng theo hình thức BT và PPP đều gặp khó trong quá trình triển khai. Đối với hợp đồng BT thì thành phố gặp khó trong việc chuyển phương án hoàn vốn, từ thanh toán bằng đất sang thanh toán bằng tiền. Còn đối với PPP thì những dự án về xử lý chất thải rắn sinh hoạt và y tế, chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về công nghệ; hay tiêu chí về lựa chọn nhà đầu tư, hình thức hợp đồng áp dụng cho từng lĩnh vực. Ngoài ra, từ khi Luật PPP năm 2020 có hiệu lực đến nay, các địa phương trong cả nước chưa triển khai PPP đối với hai lĩnh vực môi trường, y tế nên Đà Nẵng không học hỏi kinh nghiệm trong quá trình xử lý thủ tục.

Như vậy, với rất nhiều vướng mắc, những dự án theo hình thức PPP trên địa bàn Đà Nẵng thật khó để sớm hình thành.

HẢI QUỲNH