Du lịch Đà Nẵng dưới cái nhìn của chuyên gia quốc tế

Thứ tư, 04/12/2013 22:41

(Cadn.com.vn) - Chiều 4-12, Trường ĐH Duy Tân phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Đà Nẵng và Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan (PUM - Netherlands senior experts) tổng kết Đề án Phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Tại Hội nghị, ông Guillaume Van Grinsven - chuyên gia cao cấp của PUM đã có những chia sẻ ấn tượng về du lịch Đà Nẵng.

Đề án phát triển du lịch là một loạt các hội thảo chuyên đề dành cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động du lịch tại TP Đà Nẵng. Thông qua các chủ đề thảo luận do chuyên gia Guillaume Van Grinsven dẫn dắt, hội thảo là cơ hội để các tổ chức, cá nhân đóng góp ý tưởng cho việc phát triển du lịch. Đây sẽ là cơ sở tiên quyết cho một kế hoạch dài hạn và được sự đồng thuận cao từ cộng đồng du lịch Đà Nẵng.

Theo ông Guillaume Van Grinsven, quy mô du lịch Đà Nẵng vẫn còn nhỏ. Từ những cửa hàng, nhà hàng, giao thông, địa điểm du lịch đều mang quy mô địa phương và dành cho người Việt. Đà Nẵng vẫn còn một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng quốc tế nhưng hơn 85% số khách du lịch là người Việt. Và hầu hết khách quốc tế sẽ bỏ qua Đà Nẵng khi họ đi du lịch từ Huế đến Hội An và ngược lại.

Đà Nẵng được xem là một điểm đến có thể sánh với những cái tên nổi tiếng trong khu vực như Bali. Đà Nẵng có thể làm được điều đó, với điều kiện chúng ta phải thay đổi nhiều thứ để đạt được mục tiêu này. Thị trường trong nước có thể được nâng cấp và đẩy mạnh. Chúng ta cần có một trung tâm hội nghị đa chức năng và một trung tâm triển lãm (theo mô hình PPP) để phục vụ cho thị trường khách công vụ - trước tiên là thị trường trong nước.

“Thiếu sót lớn nhất trong quá trình phát triển của du lịch Đà Nẵng là còn ít các khách sạn 3 và 4 sao để phục vụ cho thị trường khách quốc tế đi du lịch với số lượng lớn. Đà Nẵng có thể xây dựng một TP biển tầm quốc tế dọc bờ biển với ít nhất 10.000 phòng.

Bằng việc tập trung tại khu bờ biển cùng với những khu trung tâm mua sắm tầm cỡ quốc tế, và khu giải trí gồm nhà hàng, quán bar, club tại khu vực này, chúng ta có thể tạo ra một môi trường bền vững hơn vì các hoạt động du lịch sẽ tập trung vào một phía của TP. Và cũng không nên quên rằng người Đà Nẵng thường đi biển vào buổi sáng và buổi tối, trong khi khách du lịch quốc tế thường đi biển vào ban ngày” - ông Guillaume Van Grinsven chia sẻ.

Ông Guillaume Van Grinsven - chia sẻ thông tin dự án tại buổi tổng kết.

Để giải quyết những vấn đề này, nhóm chuyên gia của PUM mà trực tiếp là ông Guillaume Van Grinsven cùng Trường ĐH Duy Tân và Trung tâm Xúc tiến du lịch nghiên cứu Đề án phát triển du lịch TP Đà Nẵng.

Sau gần 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12) triển khai, Dự án đã hoàn tất và tiếp xúc với DN, chuyên gia tổ chức PUM hoàn thành báo cáo cuối cùng trình UBNDTP với nhiều nội dung trong kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Trong đó, ý tưởng chủ đạo chính là “Building bridges” - những cây cầu chính là những kết nối, những mắt xích giúp hoàn thiện diện mạo du lịch Đà Nẵng.

Ông Guillaume Van Grinsven nhận định: “Ở Đà Nẵng, các DN và khối Nhà nước đang sống trên những hòn đảo, tức là họ đang làm việc độc lập với nhau. Đã có những tổ chức được thành lập như Tổ chức DMO Central Coast Vietnam và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhưng thực sự vẫn còn thiếu sự liên kết, trao đổi giữa các tổ chức này với nhau, và với chính quyền. Họ cần những cây cầu liên kết những hòn đảo này để xây dựng một tổ chức thống nhất trong các hoạt động liên kết quảng bá và truyền thông”.

Cây cầu mà ông Guillaume Van Grinsven nói ở đây không chỉ là một phương tiện nối hai bờ của một con sông, nó còn là phương tiện giao tiếp, là cầu nối giữa những người sẵn lòng hiểu và giúp đỡ nhau. Để xây được một cây cầu trước hết chúng ta cần có nền tảng, hay là móng để từ đó phát triển. Và nền tảng ở đây chính là những số liệu thống kê rõ ràng, chính xác và minh bạch.

 

Đà Nẵng có đủ điều kiện để phát triển du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách nhưng việc tận dụng các thế mạnh đó chưa tương xứng. Vì vậy kế hoạch phát triển du lịch TP trong 5-10 năm tới phải được thực hiện ngay từ bây giờ, cụ thể như: nâng cao trình độ nhân lực các cấp, bao gồm trình độ về dịch vụ và ngôn ngữ. Nâng cấp khu du lịch văn hóa và bảo tàng lên chất lượng quốc tế, bảo đảm phục vụ nhu cầu khách quốc tế và trong nước. Tạo ra các sự kiện thu hút du khách như tầm cỡ của Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng...

Đánh giá về đề án, ông Nguyễn Công Minh - Trưởng khoa Du lịch ĐH Duy Tân cho rằng, Đề án phát triển thương hiệu du lịch là sự chuẩn bị nền tảng cho kế hoạch phát triển du lịch thông qua hướng tiếp cận về học thuật và kinh nghiệm lâu năm của ông Guillaume Van Grinsven.

ĐH Duy Tân mong muốn đóng góp công sức, nguồn nhân lực cho sự phát triển của du lịch TP cũng như hoàn thiện hệ thống kiến thức để nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Còn ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP cho biết, hiện Trung tâm đang đề xuất Đề án này với Sở VH-TT&DL và UBND TP để áp dụng vào thực tiễn trong thời gian đến.

Nguyễn Tuấn