Du lịch đồng quê

Thứ tư, 20/05/2015 10:25

(Cadn.com.vn) - Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) là một làng quê thuần nông trù phú, được biết qua câu ca dao cổ "Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui" hiện nay, nổi tiếng có nhiều nông dân giỏi làm du lịch...

Thu hút du khách nhất là chiếc cầu ngói Thanh Toàn của làng, nổi tiếng không khác gì cầu Trường Tiền ở Huế. Cầu được kiến trúc độc đáo "Thượng gia hạ kiều" bằng gỗ. Cầu được xây vào năm 1776, do một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Đạo đã cúng tiền cho làng xây dựng, để dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước. Cầu chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói lưu ly. Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.

Cầu ngói Thanh Toàn có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các cầu cổ ở Việt Nam.

Cùng với thời gian tổ chức Festival Huế 2 năm một lần, xã Thủy Thanh đồng tổ chức "Chợ quê ngày hội", mô tả không khí của phiên chợ xưa với các hoạt cảnh mua, bán, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ rèn, đồ gỗ mỹ nghệ, sành sứ và đa dạng các mặt hàng lưu niệm... Đặc biệt, tại "Chợ quê ngày hội" còn diễn ra trình diễn các thao tác sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và có nhà trưng bày các nông ngư cụ trong đời sống thôn quê. Du khách đến với phiên chợ quê dân dã này, được thưởng thức các món bánh truyền thống Huế và những thức ăn chỉ Huế mới có như: cơm hến, bánh canh... Về đêm, còn có các buổi giao lưu văn nghệ, hò vè dân gian (hò giã gạo)...

Tham quan du lịch ở Thủy Thanh, du khách thích thú theo dõi các nông dân lớn tuổi tham gia tái hiện những hoạt động lao động sản xuất nông nghiệp. Những công việc gần gũi, bình dị, nhưng lại thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước tìm hiểu. Các nông dân làm du lịch, vừa trình diễn, vừa giải thích sâu hơn về công việc của người trồng lúa. Có nhiều nông dân còn sáng tác cả thơ ca, hò vè nói về nghề nông; khắc họa cảnh đẹp của làng quê Việt Nam, khiến du khách tỏ ý khâm phục, hài lòng. Du khách (nhất là du khách nước ngoài) thích thú với phần trình diễn thao tác sử dụng nông cụ, tái hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp như xay lúa, gặt lúa, cày bừa, ru con... Bà Trần Thị Diều, bà Nguyễn Thị Kình, bà Nguyễn Thị Hai... là những nông dân tiêu biểu biết làm du lịch ở cái tuổi "xưa nay hiếm", khiến du khách ngạc nhiên. Từ chỗ chỉ biết làm ruộng, chăn nuôi gia súc gia cầm, chăm sóc vườn tược, bà Diều còn nói tiếng Anh rất giỏi. Hỏi bà học tiếng Anh khi nào? Bà cười móm mém bảo, học qua tiếp xúc với khách nước ngoài, học qua con cháu. Bà Diều đúc kết kinh nghiệm: "Nông dân làm du lịch, nếu biết tiếng nước ngoài nó thuận lợi cho công việc hơn, thu nhập cao hơn nên dù lớn tuổi cũng cố mà học. Khi biết được tiếng nước ngoài rồi nó kích thích mình cố học thêm vì trao đổi, chuyện trò được với khách mình cảm thấy sung sướng mà du khách lại hài lòng".

Nhà trưng bày nông cụ và trình diễn các hoạt động sản xuất nông nghiệp
như xay lúa, gặt lúa, cày bừa...

Sau nhiều năm tham gia tổ chức Festival Huế như "Chợ quê ngày hội", ngôi làng thuần nông Thủy Thanh trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách gần xa. Nếu tính về số lượt du khách tham quan mỗi ngày thì không một ngôi làng cổ nào ở Huế (làng Phước Tích, Kim Long, Vỹ Dạ, Thủy Biều, Bao Vinh...) có thể bì được với THủy Thanh, kể từ khi được đưa vào tour du lịch trong các kỳ Festival Huế. Theo lãnh đạo xã Thủy Thanh cho biết thêm, xã đã tổ chức các lớp tập huấn tiếng Anh để người dân có thể trò chuyện với du khách khi phục vụ các dịch vụ ẩm thực, làm vườn, xay lúa, chèo thuyền trên con sông quê. Du lịch cộng đồng đang là loại hình hấp dẫn du khách nên Thủy Thanh đang dồn sức làm cho làng quê này có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo hướng đến tạo địa chỉ du lịch hấp dẫn hơn. Ông Trần Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết, xã Thủy Thanh vinh dự được chọn là địa chỉ du lịch hấp dẫn nằm trong dự án "Du lịch bền vững và có trách nhiệm" tại miền Trung. Kể từ khi tham gia vào dự án, xã tập trung đầu tư vào các mục tiêu chính, đó là phát triển sản phẩm du lịch; nâng cấp nhà trưng bày nông cụ, triển khai không gian ẩm thực làng quê; tổ chức tập huấn cho ban quản lý cộng đồng; phát triển truyền thông du lịch, các kênh quảng bá điểm đến thông qua trang web, mạng xã hội và các diễn đàn...".

Thăm Huế, du khách sau khi viếng cảnh hoàng cung, chùa chiền, lăng tẩm... say sưa với kiến trúc cung đình nguy nga, tráng lệ, nhiều người lại muốn thoát ra khỏi thành phố ồn ào, náo nhiệt... Họ tìm về làng quê Thủy Thanh với đồng xanh thơm mùi thóc rạ. Đặt chân lên đất Thủy Thanh, ngay trung tâm thị trấn hay ở các hàng quán ven đường, du khách sẽ bị mê hoặc bởi phong cảnh những làng xóm yên bình vô cùng bắt mắt ngay bên đường. Trải qua nhiều năm xây dựng, phát triển, hệ thống giao thông nông thôn gắn liền với thành phố Huế hết sức thuận tiện cho ô- tô, xe máy. Du khách nước ngoài đa số lại thích sử dụng xe đạp để len lỏi vào mọi ngõ ngách.

Do phù hợp với điều kiện tự nhiên, nên hiệu quả và chất lượng các dịch vụ du lịch của làng quê Thủy Thanh ngày càng phát triển. Bởi vậy, quanh năm không ngày nào làng quê vắng bóng khách.

Vũ Hào