Du lịch Quảng Nam thắng đậm năm 2017

Thứ sáu, 29/12/2017 10:15

Năm 2017 là một năm “trúng đậm” của du lịch Quảng Nam. Liên tục trong một năm qua từ Festival Di sản Quảng Nam đến Tuần lễ cấp cao APEC, Quảng Nam đã thể hiện mình đầy bản lĩnh trong việc quảng bá hình ảnh đến du khách trong nước và quốc tế. Hàng loạt điểm du lịch mới đặc biệt là du lịch lịch sử trước nay vẫn im hơi lặng tiếng được khai thác trở lại. Những con số ấn tượng ghi nhận được từ du lịch đã cho thấy Quảng Nam đang từng bước trở thành trung tâm du lịch như kỳ vọng.

Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc đến tham quan làng bích họa Tam Thanh trong Tuần lễ cấp cao APEC.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, trong năm 2017, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,3 triệu lượt, tăng 13,7%. Doanh thu du lịch năm 2017 trên toàn tỉnh ước đạt 3.860 tỷ đồng, tăng 24,5 %; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 9.200 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2017 lần đầu tiên Hội An đón 3,22 triệu lượt khách, trong đó có 1,78 triệu lượt khách quốc tế. Không phải chỉ là những con số thống kê đơn thuần mà ghi nhận từ các công ty lữ hành ngành du lịch đang trở nên “sốt” hơn bao giờ hết. Chỉ trong mùa hè năm 2017 Công ty CP Du lịch Việt Đà đã đưa 7 đoàn khách về phía nam của tỉnh với gần 500 lượt khách, đánh dấu những biến chuyển mới cho du lịch khu vực này khi những địa chỉ như quần thể công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, làng bích họa, Tam Hải, hồ Phú Ninh...

Tại địa đạo Kỳ Anh, nơi mà hàng chục năm qua chỉ đơn thuần lưu dấu ấn lịch sử thì nay bỗng rộn ràng tiếng xe cộ đến tham quan. Theo ông Huỳnh Kim Ta - hướng dẫn viên tại di tích địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) thì năm 2017 là năm mà địa đạo Kỳ Anh trở lại sau nhiều năm “ngủ quên”. Tuy nhiên, từ sau Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI (tháng 6-2017) đến nay, lượng khách tham quan địa đạo tăng đột biến chưa từng có. Trung bình  3 tháng đầu tiên đã có hơn 130 đoàn khách ghé thăm địa đạo, bình quân mỗi tháng có hơn 40 đoàn. Trong đó, đoàn đông nhất số lượng trên 120 người. Ngoài khách tự tìm đến, còn lại hầu hết do các công ty du lịch tại Hội An và Đà Nẵng đưa tới.

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam năm qua hoạt động văn hóa du lịch của tỉnh được đẩy mạnh không ngừng nghỉ. Trong đó đặc biệt là thúc đẩy các hoạt động du lịch phía nam và phía tây của tỉnh đã có những tiến triển khá tốt. Song song với những thương hiệu nổi tiếng ở Quảng Nam như Hội An, Mỹ Sơn, Cù lao Chàm một số sản phẩm văn hóa, sản vật địa phương như múa hát cồng chiêng Cơ Tu hay sâm Ngọc Linh (Nam Trà My) lần đầu được giới thiệu, quảng bá đến du khách không chỉ tại chính nơi xuất phát mà đã lan tỏa xuống phố. Những chương trình như Đêm văn hóa Cơ Tu đã thực sự tạo nên một làn gió mới giúp cho du khách thưởng ngoạn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ngay tại điểm du lịch.

Cùng với làn sóng các nhà đầu tư đang khai thác tiềm năng của Quảng Nam, tỉnh cũng đón đầu xu hướng này bằng việc phát triển không gian du lịch Quảng Nam. Qua đó giới thiệu đến du khách về một Quảng Nam với nhiều giá trị văn hóa, sinh thái, làng quê, làng nghề. Sự phát triển này cũng phù hợp với chủ trương của tỉnh trong việc đa dạng hóa điểm đến cho du khách khi đến tham quan Quảng Nam, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

ĐỒNG DAO