Du lịch Tây Giang phát triển chưa xứng với tiềm năng

Thứ năm, 06/10/2016 10:54

(Cadn.com.vn) - H. Tây Giang (Quảng Nam) được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, thơ mộng, bao phủ hầu hết diện tích là rừng nguyên sinh, với hệ thống các sông suối lớn như sông Bung, sông A Vương, sông Lăng... với nhiều thác ghềnh hùng vĩ. Tây Giang còn giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu trên dải Trường Sơn, lưu truyền, giữ gìn qua nhiều thế hệ. Vùng đất huyền thoại này vừa vinh dự đón nhận 5 bằng di sản văn hóa gồm 2 bằng Cây di sản việt Nam (quần thể cây pơ mu và cây đa sộp), 3 bằng di sản văn hóa phi vật thể (điệu múa tung tung da dá, nói lý Cơ Tu và làng văn hóa Cơ Tu). Đây là những tiền đề để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử và nghỉ dưỡng tốt nhất. Trong những năm qua, tình hình ANCT-TTATXH, AN biên giới luôn được giữ vững ổn định, đây cũng là một tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế, VH-XH địa phương...

Quần thể cây pơ mu ở Tây Giang đã được nhận bằng Cây di sản Việt Nam nhưng còn thiếu nguồn vốn để đầu tư thành một điểm du lịch có giá trị phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, phát triển du lịch ở Tây Giang chưa có sự quản lý, đầu tư và khai thác hiệu quả. Vấn đề khó khăn nhất là thực trạng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch tại địa phương này. Đây cũng là quan điểm đánh giá chung của các cán bộ lãnh đạo, có trách nhiệm của chính quyền và ngành chức năng tại địa phương. Địa hình Tây Giang có độ dốc lớn, ngoài đường Hồ Chí Minh, địa bàn huyện chỉ có 75km đường nhựa, còn lại là đường đất, du khách đến Tây Giang chỉ có thể đi ô- tô, xe máy vào mùa nắng, còn mùa mưa đi lại rất khó khăn. Cả trung tâm huyện, chỉ có 5 nhà nghỉ, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu du khách, phòng nghỉ chưa đạt tiêu chuẩn đối với khách quốc tế. Huyện có hai thôn văn hóa phục vụ du lịch là Pơ ning và Tà Vàng, những các nhà Gươl (nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng) đều xuống cấp. Chưa có hệ thống nhà vệ sinh, đây là hạn chế, cản trở lớn cho các công ty du lịch khi đưa khách đến, nhất là khách quốc tế. Vấn đề trước mắt, phải làm sao phát triển được lĩnh vực du lịch cộng đồng để du khách có thể sinh hoạt và lưu trú tại nhà người dân. Các dịch vụ khác như ăn uống, nghe nhìn cũng còn rất hạn chế, thiếu và yếu trầm trọng. Dịch vụ vui chơi giải trí nghèo nàn; nhiều điểm du lịch chưa có điện lưới và nước sinh hoạt. Đến nay trên  địa bàn chưa hình thành các tổ hợp tác làng nghề truyền thống, hoạt động chỉ mang tính nhỏ lẻ.

Hệ thống giao thông ở Tây Giang còn tạm bợ, khó khăn cho việc phát triển du lịch
trên địa bàn huyện.

Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền H. Tây Giang rất chú trọng đến công tác phát huy và bảo tồn những bản sắc văn hóa Cơ Tu, thu hút nhiều tour du lịch tham quan và tìm hiểu làng Cơ Tu, lễ hội mừng lúa mới, lễ đi khách, văn hóa cồng chiêng, múa tung tung da dá, hát nói lý truyền thống, làng văn hóa cây di sản... Lượng khách du lịch đến địa phương bắt đầu tăng, tuy nhiên cũng chủ yếu do huyện mời, kêu gọi các công ty lữ hành đến khảo sát và đầu tư du lịch, chưa có nguồn thu từ hoạt động này. Các cán bộ lãnh đạo tại địa phương đều khẳng định: Du lịch Tây Giang phát triển chưa xứng với tiềm năng hiện có trên địa bàn. Công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch còn lỏng lẻo, nhiều hạn chế.  Các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế du lịch. Tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng nhưng chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ông Nguyễn Hoàng Linh-Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế là do, huyện mới tái lập chưa chủ động tìm biện pháp phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả. Các chính sách khuyến khích phát triển du lịch và thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, thủ tục hành chính chưa thuận lợi... Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thiếu thông tin, kiến thức chuyên môn. Công tác quảng bá về du lịch chưa được chú trọng... Nguồn vốn để phát triển du lịch còn quá khó khăn...

Mới đây huyện đã lập Đề án phát triển du lịch đến năm 2020. Từ những khó khăn của địa phương nêu trên, theo chúng tôi, rất cần sự quan tâm, đầu tư cả về vật chất lẫn nhân lực của chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam và Trung ương, cho không riêng gì H. Tây Giang mà còn cả các địa phương miền núi phía Tây Quảng Nam. Để bỏ ngỏ những tiềm năng phát triển du lịch vùng núi phía Tây Quảng Nam là đánh mất những cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn môi trường sinh thái ở vùng đất đầy tiềm năng này.

Hồng Thanh