Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII: Nơi kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của nhân dân

Thứ ba, 01/09/2020 11:31

Các văn kiện, đặc biệt là Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội đảng bộ các cấp là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tập thể cấp ủy, đảng viên và nhân dân; là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ đại hội khóa trước đã đề ra... Tại Đà Nẵng, việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 hiện đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Trong đó ý kiến của nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học là một kênh thông tin đặc biệt quan trọng. Sau đây chúng tôi xin lược ghi một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Bùi Văn Tiếng, Bùi Công Minh và Nguyễn Đăng Hải (từ trái qua). 

Đề cập sâu hơn vấn đề văn hóa, con người Đà Nẵng

Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cho rằng, so với hoạt động văn học nghệ thuật thì hoạt động khoa học kỹ thuật được nêu nhiều hơn trong phần thứ nhất của Dự thảo. Tuy nhiên, theo ông Tiếng, nếu như đóng góp của các văn nghệ sĩ thành phố được đánh giá trong trang 12 và trang 13 rằng: “Đội ngũ văn nghệ sĩ giàu sức sáng tạo, luôn đồng hành trong việc tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và thành phố; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”; thì các nhà khoa học thành phố - chủ thể đích thực của những thành tựu về hoạt động khoa học kỹ thuật nêu trên chưa được đề cập…

Ông Tiếng cho rằng, phần thứ nhất Dự thảo cũng nêu một số hạn chế của thành phố trong việc đầu tư phát triển văn học nghệ thuật, chẳng hạn ở trang 23: “Lĩnh vực sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật chưa được đầu tư phát triển đúng mức, chưa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của người dân và du khách”. Nêu như vậy cũng rất thẳng thắn và cầu thị, nhưng từ góc nhìn của văn nghệ sĩ, “lĩnh vực sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật chưa được đầu tư phát triển đúng mức” không chỉ dẫn đến hệ quả là “chưa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của người dân và du khách” - thuộc chức năng giải trí của văn học nghệ thuật, mà quan trọng hơn là còn dẫn đến hệ quả “chưa đáp ứng yêu cầu định hướng thẩm mỹ cho công chúng” - thuộc chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật.

Ở phần thứ hai của Dự thảo nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật thành phố trong 5 năm đến. Sau khi lấy dẫn chứng, phân tích cụ thể, khoa học và từ thực tiễn, ông Tiếng đề nghị nên để dành cụm từ “thực hiện tốt việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ” ở trang 40 mà đưa xuống trang 48, tích hợp vào câu: “Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ phát huy sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố”, thành: “Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ và văn nghệ sĩ, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố”. Trang 40 nêu: “Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ”. Tôi thấy nội dung này rất cần thiết và đề nghị cũng nên bổ sung yêu cầu “đẩy mạnh giao lưu quốc tế về văn học nghệ thuật”.

Ông Bùi Công Minh, đảng viên hưu trí thuộc Đảng bộ P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu đề nghị Dự thảo cần bổ sung và nhấn mạnh nội dung “Xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng” vào một đề mục thích hợp. Bởi theo ông Minh, thứ nhất, phát triển con người một cách bền vững hiện nay đang là một trong những định hướng chiến lược quan trọng của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. “Phát triển con người không chỉ được thể hiện qua việc chăm lo chất lượng “nguồn nhân lực kỹ thuật” - như nhiều lần trong dự thảo đã có nêu - mà quan trọng hơn là phải quan tâm xây dựng, khơi dậy và phát huy toàn diện mọi năng lực thể chất, tinh thần, trí tuệ, nhân cách con người, biến nó thành nguồn lực xã hội, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung”, ông Minh nhìn nhận.

Thứ hai, ông Minh cho rằng, trong các kỳ đại hội trước đây, nhất là từ Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố đến nay, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã đề cập và nhấn mạnh nội dung xây dựng con người Đà Nẵng với những đặc điểm địa phương đồng thời mang bản sắc con người Việt Nam nói chung. Vì vậy, xây dựng và phát triển con người là tư tưởng xuyên suốt nên cần được nhấn mạnh lại trong bối cảnh tình hình mới, nhận thức mới, cách tiếp cận mới.

Thứ ba, về thực tế thành phố Đà Nẵng có thể thấy những năm qua, cả hệ thống chính trị đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng con người Đà Nẵng có lối sống văn hóa, văn minh đô thị, rõ nhất là trong Chương trình “3 có”. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu phát triển toàn diện con người Đà Nẵng về nhận thức tư tưởng chính trị, về đạo đức, về lối sống văn minh đô thị, về ý thức cộng đồng... cả về mức sống vật chất và tinh thần hiện tại thì chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm để thật sự đáp ứng yêu cầu của chuẩn mực công dân một thành phố văn minh, hiện đại. Vì những lý do trên, tôi mong muốn trong dự thảo cần bổ sung thêm cụm từ “xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng”…

Các ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị đều vì mục tiêu xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. (ảnh minh họa)

Phải có bài học kinh nghiệm về nhân dân

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Ông Hải cho rằng chủ đề của Dự thảo Báo cáo chính trị là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường sức mạnh đồng thuận; phát huy các động lực tăng trưởng; xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại” vừa ngắn gọn, vừa tương đối đầy đủ; trong đó cụm từ “xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại” là rất hay. Khái niệm an bình bao hàm cả sự an toàn và bình yên.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, ông Hải cho rằng, trước hết, 4 bài học kinh nghiệm rút ra trong dự thảo vẫn còn thiếu. Cần phải có bài học kinh nghiệm về nhân dân. Cụ thể, mọi chủ trương chính sách, nhiệm vụ của Đảng bộ phải xuất phát từ lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân. Đây là bài học gốc, bài học muôn thuở cần phải đề cập, nhất là đối với thành phố lúc này.

Phần đánh giá kết quả công tác Mặt trận và đoàn thể trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI như trong dự thảo là vừa phải, đúng mức. Tuy nhiên, phần đánh giá công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội (trang 21) mới chỉ nêu số liệu chứ chưa đánh giá đúng chất lượng giám sát và chất lượng phản biện, mặc dù trong dự thảo có ghi: “Các nội dung kiến nghị sau giám sát phản biện được đánh giá cao, phù hợp với thực tiễn thành phố và được tiếp thu”…

Đồng quan điểm với ông Hải, ông Huỳnh Văn Hoa, Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố cũng thống nhất với chủ đề của Dự thảo Báo cáo chính trị là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường sức mạnh đồng thuận; phát huy các động lực tăng trưởng; xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”.

Tuy nhiên, theo ông Hoa, về 3 đột phá kinh tế - xã hội trong Dự thảo đánh giá còn tản mạn, chưa thấy mặt nào mạnh, mặt nào yếu của từng lĩnh vực đột phá. Ông Hoa cũng cho rằng Báo cáo chính trị nên thống nhất thuật ngữ: “Thành phố đáng sống”, “Đô thị đáng sống”, “Thành phố thông minh”, “Đô thị sinh thái”. Dự thảo Báo cáo chính trị thống kê có 71 hoạt động phản biện xã hội bằng văn bản và bằng đối thoại trực tiếp. Thế nhưng tác dụng thực sự là bao nhiêu thì ông Hoa cũng đề nghị cần nêu rõ…

Ông Nguyễn Đức Cam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố) cho rằng, về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, trong dự thảo Báo cáo chính trị đề cập chưa rõ nét. “Theo tôi, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Sau khi Bộ Chính trị ban hành văn bản về phòng, chống tham nhũng, Thành ủy cũng có văn bản tương ứng chỉ đạo, như: kê khai tài sản, thu nhập; công khai, minh bạch; xử lý trách nhiệm người đứng đầu; phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng… Do vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm khoảng 5-7 dòng để rõ hơn về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng”, ông Cam nói. Đồng thời viện dẫn, trong thời gian qua, tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, UBND các cấp làm tốt nhiệm vụ này, đặc biệt là trong công tác kê khai tài sản, thu nhập, nhưng điều này chưa được đề cập trong Dự thảo… 

D.H (lược ghi)