Dự thảo đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn Đà Nẵng năm 2018

Thứ ba, 13/11/2018 11:27

PHẦN I. ĐẶT TÊN ĐƯỜNG PHỐ

A. QUẬN CẨM LỆ (tiếp theo)

 

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Võ An Ninh: Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 1.670m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN HIẾN LÊ

NGUYỄN HIẾN LÊ  (1912-1984)

Ông có tên tự là Lộc Đình, quê ở làng Phượng Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính (1934), ông vào Nam Bộ làm việc. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), từ 1945 đến 1952, ông đi dạy học, tiếp đó lập Nhà xuất bản ở Sài Gòn, viết báo, viết văn, nghiên cứu, biên khảo nhiều công trình khoa học xã hội - nhân văn. Ông viết và dịch hơn 100 cuốn sách đủ các thể loại, như: Đại cương văn học sử Trung Quốc (3 tập, 1955), Hương sắc trong vườn văn (2 tập, 1962), Cổ văn Trung Quốc (1966), Chiến Quốc sách (dịch, 1968), Văn học Trung Quốc hiện đại (2 tập, 1969), Sử ký Tư Mã Thiên (dịch, 1970), Tô Đông Pha (1970), Để hiểu văn phạm (1952), Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (1963) Nho giáo, một triết lý chính trị (1958), Đại cương Triết học Trung Quốc (viết chung với Giản Chi, 2 tập, 1966), Lịch sử thế giới (4 tập, 1955), Nguồn gốc văn minh (1974)…

Tên ông được đặt tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh.

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Thiều Chửu (tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 560m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: LÊ ẤM

LÊ ẤM (1897 - 1976)

Ông quê ở làng Gia Cát, H. Quế Sơn, Quảng Nam (nay thuộc Quế Phong, H. Quế Sơn, Quảng Nam), Ông là nhân sĩ yêu nước, xuất thân trong một gia đình Nho học truyền thống. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, năm 16 tuổi theo học Tây học. Năm 1922, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, sau đó được bổ nhiệm về dạy ở Trường Quốc học Vinh. Năm 1924, ông chuyển về trường Quốc Tử Giám (Huế). Năm 1928, đổi vào trường Quốc học Quy Nhơn (Bình Định) cho đến năm 1945. Ông là người có công giữ gìn, bảo quản được hầu hết di cảo của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, cũng như trong việc biên soạn, dịch thuật, xuất bản một phần di cảo này. Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, gia đình ông đã có nhiều hỗ trợ các hoạt động phong trào học sinh sinh viên đô thị tại Đà Nẵng Năm 1976, ông qua đời tại nhà thờ Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng, thọ 79 tuổi.

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 29 tháng 3 (tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 1.880m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÔN THẤT DƯƠNG KỴ

TÔN THẤT DƯƠNG KỴ (1914 - 1987)

Ông sinh ngày 19-1-1914 trong một gia đình quan lại thuộc dòng hoàng tộc ở làng Văn Dương, xã Thùy Vân, H. Hương Thủy, tỉnh TT- Huế (nay là thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-  Huế). Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, dưới bút danh Mãn Khánh, ông đã viết nhiều bài khảo luận về Văn - Sử - Địa đăng trên Tạp chí Tri - Tân - một tạp chí có khuynh hướng độc lập, dân tộc. Trong cuộc thi văn chương tại miền Trung năm 1936, chuyên khảo "Vấn đề di dân lập làng ở miền Trung" của ông được giải nhất. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử làm Thư ký Hội trí thức cứu quốc TT-  Huế (1945 - 1946). Từ năm 1947 - 1955 Đảng giao cho ông làm công tác trí vận và hoạt động bí mật trong nội thành. Với cương vị giáo sư, ông đã cùng một số nhà giáo, văn nghệ thành lập và xuất bản Tạp chí "Tiến Hóa", sau đó là tập văn Ngày mai bị Ngô Đình Diệm bắt giam nhiều lần…

Từ năm 1962 đến 1977, ông hoạt động trong Phong trào Dân tộc tự quyết Việt Nam với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành và Ủy ban Vận động hòa bình Việt Nam với cương vị Tổng thư ký, được cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tham gia thành lập Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và hòa bình Việt Nam và được cử làm Tổng thư ký, Bí thư Đảng đoàn liên minh. Từ năm 1977, ông được cử làm Ủy viên Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phụ trách nhân sĩ, trí thức các tỉnh phía Nam.

7. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 29 tháng 3 (tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 470m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: LÊ MINH TRUNG

LÊ MINH TRUNG (1946 - 2010)

Ông quê ở xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.

Trong những năm 1961 đến năm 1975, ông tham gia chiến đấu, trưởng thành qua các cương vị từ chiến sĩ, cán bộ Tiểu đội, Trung đội đến Huyện đội và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao… Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, 2 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 2 lần là Chiến sĩ thi đua, 4 lần là Dũng sĩ, 12 Bằng khen và Giấy khen các cấp. Ngày 12 tháng 9 năm 1975, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

8. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Phạm Xuân Ẩn (tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 780m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐẬU QUANG LĨNH

ĐẬU QUANG LĨNH (1870 - 1941)

Ông  có tên thường gọi là Cha Chiêu; quê ở họ giáo Yên Phú, xứ Thọ Ninh, H. Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông học giỏi chữ Hán và thông thạo tiếng Latinh. Năm 1891, ông tốt nghiệp Tiểu chủng viện Xã Đoài và thụ phong Linh mục năm 1898. Khi còn làm việc ở họ đạo, ông là Thư ký Tòa Giám mục, được cử dịch các sách nước ngoài, do vậy ông được đọc các sách "Tân thư" Trung Quốc, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi.

Vốn có tinh thần dân tộc, yêu nước, khi Hội Duy Tân của Phan Bội Châu thành lập với chủ trương đoàn kết mọi giới đồng bào đấu tranh chống Pháp, ông đã tích cực hăng hái tham gia vận động bà con giáo dân quyên góp tiền bạc ủng hộ thanh niên du học. Năm 1909, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Vinh, bị tra tấn dã man nhưng ông vẫn không chịu khuất phục. Ông bị thực dân Pháp kết án và đày đi Côn Đảo. Tại đây, ông đã làm nhiều bài thơ nói lên tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất của mình. Năm 1913, ông được tha và bị Pháp đưa về địa phận Sài Gòn và qua đời tại Giáo xứ Cái Mơn (tỉnh Bến Tre).

 Tên ông được đặt cho một trường Trung học Cơ sở xã Đức Long, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

9. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đậu Quang Lĩnh (tên dự kiến đặt đợt này), điểm cuối là đường Võ Chí Công: Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 1.350m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: VŨ ĐÌNH LIÊN

VŨ ĐÌNH LIÊN (1913 - 1996)

 Ông sinh tại phố Hàng Bạc (Hà Nội), nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, H.  Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông dạy học và hoạt động văn nghệ ở Liên khu III rồi căn cứ địa Việt Bắc. Sau năm 1954, ông về Hà Nội, dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và là Chủ nhiệm Khoa tiếng Pháp Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ cho đến năm 1975. Ông còn là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới. Các tác phẩm chính của ông gồm một số bài thơ: Ông Đồ, Đứa trẻ ăn mày, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Lũy tre xanh, Người đàn bà điên ga Lưu Xá..., trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Ông Đồ.

Ngoài thơ, ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch thuật với các tác phẩm Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng Nhóm Lê Quý Đôn - 1957 - gồm Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Thước, Trương Chính, Lê Trí Viễn), Nguyễn Đình Chiểu (1957), Thơ Baudelaire (dịch - 1995).  Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

10. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 29 tháng 3 (tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 700m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: THIỀU CHỬU

THIỀU CHỬU (1902-1954)

Nhà từ điển học Thiều Chửu tên thật là Nguyễn Hữu Kha, sinh năm 1902 tại làng Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội, ông là con trai của cụ cử Đông Tác Nguyễn Hữu Cầu, từng bị đày ra Côn Đảo vì tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa thục.

 Khi phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ được khởi xướng, năm 1934, ông và các trí thức đương thời như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc... cùng Hòa thượng Thích Trí Hải đứng ra thành lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo. Thời gian này, ông là cây bút đắc lực của Tạp chí Đuốc Tuệ - một tạp chí Phật giáo lớn thời bấy giờ nơi đất Bắc, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ. Năm 1941, nhằm phát triển công tác giáo dục và từ thiện xã hội, Hòa thượng Thích Trí Hải đã ủy thác cho ông lập trường Phổ Quang và nghĩa trang Tế Độ, đều đặt tại ngoại thành Hà Nội. Ngoài những hoạt động chấn hưng Phật Giáo, ông còn biên soạn cuốn Hán Việt Tự điển được Nhà in Đuốc Tuệ Hà Nội xuất bản lần đầu vào năm 1942, Nhà in Hưng Long Sài Gòn tái bản vào năm 1966…

Ông qua đời ở Thái Nguyên vào ngày 15 tháng 7 năm 1954.

11. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Tôn Thất Dương Kỵ (tên dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 1.570m; rộng 15m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: DIÊN HỒNG

DIÊN HỒNG

 Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông xuống chiếu mở một cuộc hội nghị hết sức quan trọng ở điện Diên Hồng, sử gọi đó là hội nghị Diên Hồng. Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Trả lời cho câu hỏi của Vua Trần về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2, các phụ lão đã đồng thanh hô "đánh", "mọi người cùng nói như từ một miệng".

Tiếng hô "đánh" của các phụ lão ở điện Diên Hồng biểu lộ tinh thần quyết chiến của toàn dân. Những bậc phụ lão, những người đại biểu có uy tín của nhân dân đã nói lên tiếng nói của cả dân tộc, cổ vũ mọi người tham gia kháng chiến chống quân Nguyên Mông và giành thắng lợi.

(còn nữa)