Dự thảo luật không được mâu thuẫn với luật, bộ luật hiện hành
(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 27-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS, sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ, sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật HN&GĐ (sửa đổi).
ĐB Thân Đức Nam phát biểu tại phiên thảo luận sáng 27-5. |
Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng nên quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu giống như đất đai là phù hợp, vừa đảm bảo mục tiêu hạn chế rủi ro trong các giao dịch, vừa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Về xác định quỹ đất cho phát triển nhà ở, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) đề nghị luật cần mở rộng theo hướng các chủ đầu tư có thể lựa chọn việc đóng góp bằng tiền, không nhất thiết phải đóng góp bằng diện tích đất để chủ đầu tư có thể thực hiện cho phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Điều đáng lưu ý và mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng và điều kiện được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của Việt kiều, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, bởi nhiều ĐBQH quan ngại sẽ xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản...
Góp ý vào dự thảo Luật KDBĐS, hầu hết các ĐBQH đều cho rằng đã khắc phục được tình trạng đầu tư tự phát theo “phong trào”, tình trạng đầu cơ, kích giá vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật KDBĐS là vấn đề liên quan đến giao dịch BĐS qua sàn giao dịch. Luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân KDBĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng, quy định này làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thủ tục, tăng chi phí và góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo...
Ngoài ra, thảo luận về hai dự án luật trên, nhiều ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh một số nội dung cho thống nhất với các quy định của Luật Đất đai 2013 và Bộ luật Dân sự nhằm tránh mâu thuẫn giữa các luật dẫn đến tranh chấp khi thực hiện.
H.Hoa